Con cái chưa thành niên đứng tên tài sản cho bố mẹ, làm sao dân biết?

28/11/2014 07:51
Ngọc Quang
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền: "Một số cán bộ của chúng ta đứng trước nhân dân thì nói rất hay, nhưng vào thực tiễn thì không làm đúng lời mình nói".

Liên quan đến việc Ủy ban kiểm tra Trung ương yêu cầu thu hồi 3 căn nhà, đất của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ ở Bến Tre và TP Hồ Chí Minh mới đây, trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Nguyễn Bá Thuyền - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc kê khai tài sản đối với cán bộ cao cấp hiện nay nặng về hình thức, không hiệu quả và một số cán bộ nói rất hay còn thực tiễn hành động lại trái ngược.

Thưa ông, qua kết luận mới đây của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về nguyên Tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền cho thấy việc kiểm soát kê khai tài sản với cán bộ cao cấp còn chưa thật hiệu quả. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Bá Thuyền: Việc tổ chức vấn đề này (kê khai tài sản – PV) còn nặng tính hình thức, nhiều quy định chưa chặt chẽ, vì vậy nhiều tài sản của quan chức không được công khai, minh bạch. Thí dụ như việc chúng ta quy định tài sản của con chưa thành niên thì không phải kê khai. Vậy tài sản hợp pháp hay bất hợp pháp của bố, mẹ cho con cái chưa thành niên đứng tên thì dân làm sao biết được.

Một số nước quy định đối với cán bộ cao cấp, người thân trong gia đình cũng phải kê khai tài sản, rồi công khai nhiều nơi để đảm bảo minh bạch số tài sản có trước và sau khi đảm nhiệm chức vụ.

Ông Nguyễn Bá Thuyền: "Tôi thấy cần thiết phải có sự công khai, minh bach, gương mẫu từ cấp cao trở xuống".
Ông Nguyễn Bá Thuyền: "Tôi thấy cần thiết phải có sự công khai, minh bach, gương mẫu từ cấp cao trở xuống".

Ngoài ra, ở nước ngoài người ta còn quy định về sử dụng tiền qua tài khoản rất chặt chẽ, nên nếu có tiền bất hợp pháp rất khó sử dụng. Ở ta, chủ yếu dùng tiền mặt muốn mua gì cũng được mà không phải chứng minh nguồn gốc thu nhập, cũng không ai hỏi nguồn tiền. Việc kê khai tài sản phải được công khai ở khu dân cư đề dân biết, giám sát chứ chỉ công khai trong hồ sơ thì không tác dụng gì, quan điểm của tôi là cần quy định chặt chẽ thì công tác này mới hiệu quả.

Ông Trần Văn Truyền khi đương chức cũng nói rất mạnh về công tác phòng chống tham nhũng, nhưng rồi lại vi phạm. Việc này ảnh hưởng thế nào đến xã hội, thưa ông?

Con cái chưa thành niên đứng tên tài sản cho bố mẹ, làm sao dân biết? ảnh 2

Luật trên trời, còn thông tư ở... dưới đất

Ông Nguyễn Bá Thuyền: Có một số cán bộ của chúng ta đứng trước nhân dân thì nói rất hay, nhưng vào thực tiễn thì không làm đúng lời mình nói, gây hoài nghi, thắc mắc trong nhân dân.

Vấn đề là chúng ta chưa thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước. Văn bản pháp luật quy định rất chặt chẽ, nhưng khi tổ chức thực hiện thì không kiên quyết, không nghiêm minh.

Tôi thấy cần thiết phải có sự công khai, minh bach, gương mẫu từ cấp cao trở xuống. Cán bộ cấp cao mà không thực hiện đúng quy định của Nhà nước thì không thể thực hiện vấn đề gì, cũng như làm suy giảm lòng tin của nhân dân.

Có ý kiến cho rằng việc thanh tra, xử lý những sai phạm của ông Trần Văn Truyền còn chậm. Quan điểm của ông thế nào về việc này?

Ông Nguyễn Bá Thuyền: Tôi thấy cách tổ chức, cách làm của mình là chậm. Đúng ra khi có cán bộ nào bị dư luận không tốt và các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin thì các cơ quan chức năng có trách nhiệm phải khẩn trương tiến hành thẩm tra, kết luận, công bố cho nhân dân biết.

Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước là xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kể cả cán bộ đã nghỉ hưu, các cơ quan chức năng cần triển khai kiểm tra, công bố sớm nhất về các trường hợp cán bộ cấp cao có dư luận về tài sản, giàu lên một cách bất hợp pháp.

Ngọc Quang