Quốc hội chỉ rõ trách nhiệm của Chính phủ và 4 Bộ trưởng

29/11/2014 07:13
Ngọc Quang
(GDVN) - Đánh giá cao lời hứa của Thủ tướng Chính phủ và tập thể Chính phủ, Quốc hội đồng thời chỉ rõ nhiệm vụ của 4 Bộ trưởng đã trả lời chất vấn tại kỳ họp.

Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII chiều 28/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đánh giá cao các cam kết, lời hứa của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ phấn đấu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và yêu cầu Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều phối hoạt động của các bộ, ngành, địa phương nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp này, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải

Thứ nhất, rà soát, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các dự án; có giải pháp thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, triển khai đầu tư có trọng điểm và hiệu quả nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển đồng bộ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không trong mạng lưới kết nối giữa Việt Nam với các nước; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức.

Bộ trưởng Bộ GTVT - ông Đinh La Thăng được Quốc hội đánh giá cao tại lần lấy phiếu tín nhiệm vừa qua. Ảnh: TTBC.
Bộ trưởng Bộ GTVT - ông Đinh La Thăng được Quốc hội đánh giá cao tại lần lấy phiếu tín nhiệm vừa qua. Ảnh: TTBC.

Thứ hai, phấn đấu hoàn thành toàn bộ Dự án mở rộng Quốc lộ 1A vào cuối năm 2015 đảm bảo chất lượng; tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện Đề án xây dựng cầu treo dân sinh, đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai thi công đường tuần tra biên giới bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Thứ ba, tiếp tục rà soát tiêu chí, định mức về đầu tư xây dựng trong lĩnh vực giao thông, đảm bảo phù hợp với yêu cầu công trình, dự án, tránh lãng phí; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra các công trình, dự án trong tất cả các khâu của quy trình quản lý đầu tư xây dựng, bảo đảm chất lượng, hiệu quả kinh tế và giảm suất đầu tư công trình; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong quá trình đầu tư.

Thứ tư, kiểm soát chặt chẽ tải trọng phương tiện vận tải, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm; tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; phấn đấu giảm tai nạn giao thông ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước từ 5% đến 10% so với năm trước trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành giao thông vận tải để xây dựng tỷ trọng các loại hình giao thông vận tải hợp lý, bảo đảm kinh doanh hiệu quả, giảm giá thành, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với lĩnh vực nội vụ

Thứ nhất, khẩn trương rà soát tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước, sớm xây dựng và triển khai đề án đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, trước hết là các quy định về cấp phó, chức danh “hàm”. Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính đảm bảo bộ máy công vụ hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân.

Quốc hội yêu cầu ngành nội vụ triển khai có hiệu quả việc thực hiện tinh giản biên chế. Ảnh: TTBC
Quốc hội yêu cầu ngành nội vụ triển khai có hiệu quả việc thực hiện tinh giản biên chế. Ảnh: TTBC

Thứ hai, phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong việc rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; hệ thống tiêu chuẩn, chức danh ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức và chức danh lãnh đạo, quản lý. Nghiên cứu đổi mới quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác thi tuyển công chức, viên chức đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, chất lượng trong công tác tuyển dụng.

Hướng dẫn, đôn đốc và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thành mục tiêu đã đề ra tại Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”; triển khai có hiệu quả việc thực hiện tinh giản biên chế, bộ máy trong năm 2015 và các năm tiếp theo. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và trong hoạt động công vụ.

Thứ ba, khắc phục hạn chế, bất cập trong việc thực hiện cơ chế tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp; xây dựng và hoàn thiện đề án tăng lương phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực và đảm bảo lộ trình thực hiện.

Đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội

Thứ nhất, tổ chức lại hệ thống dạy nghề phù hợp, chú trọng chất lượng nguồn nhân lực, hiệu quả đào tạo, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Đẩy mạnh công tác dự báo, công tác hướng nghiệp, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, tập trung thực hiện bảo đảm hoàn thành các mục tiêu trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015. Phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt chính sách hỗ trợ và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều Đại biểu Quốc hội đánh giá công tác đào tạo nghề có chất lượng thấp. Ảnh: TTBC.
Nhiều Đại biểu Quốc hội đánh giá công tác đào tạo nghề có chất lượng thấp. Ảnh: TTBC.

Thứ hai, khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý lao động người nước ngoài tại Việt Nam; tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực trong năm 2015 về quản lý lao động người nước ngoài và cấp giấy phép lao động. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cung ứng lao động Việt Nam cho các doanh nghiệp và nhà thầu nước ngoài; quản lý chặt chẽ tổ chức, cá nhân đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác quản lý lao động.

Thứ ba, ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo hiểm xã hội. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, chính quyền các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, giảm cho được nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Kiện toàn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo thực hiện hiệu quả quỹ bảo hiểm xã hội. 

Đối với lĩnh vực công thương

Thứ nhất, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển công nghiệp hỗ trợ. Có cơ chế, chính sách đủ mạnh khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế, các loại hình daonh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ theo cơ chế thị trường; trong đó, chú trọng thúc đẩy phát triển cơ khí chế tạo phục vụ các ngành kinh tế, nhất là phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công thương - ông Vũ Huy Hoàng cũng thuộc nhóm có phiếu "tín nhiệm thấp" cao. Ảnh: TTBC
Bộ trưởng Bộ Công thương - ông Vũ Huy Hoàng cũng thuộc nhóm có phiếu "tín nhiệm thấp" cao. Ảnh: TTBC

Thứ hai, trong tổ chức thực hiện, cần huy động mọi nguồn lực trong nước và nước ngoài, bảo đảm thu được kết quả thấy rõ trong các lĩnh vực trên từ năm 2015, tiến tới thực hiện thành công quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ. Có thể nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành Luật về công nghiệp hỗ trợ.

Thứ ba, chỉ đạo quyết liệt, phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành, các lực lượng triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh phòng, chống buôn lậu, kinh doanh trái phép, gian lận thương mại; xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là đối với hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng  phục vụ sản xuất nông nghiệp; tạo chuyển biến tích cực trong năm 2015 và các năm tiếp theo. Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích, hỗ trợ phát triển hệ thống bán lẻ, phân phối sản phẩm, hoạt động thương mại trong nước; tăng cường quản lý thị trường trong nước.

Bộ Công thương phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành có liên quan xây dựng cơ chế liên kết bền vững giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thứ tư, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành có liên quan tổ chức thực hiện quản lý chặt chẽ giá điện, giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống cấp điện cho vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tiếp tục rà soát và thực hiện có hiệu quả quy hoạch xây dựng thủy điện, bảo đảm an toàn vận hành hồ chứa, quản lý đập; đẩy mạnh trồng rừng thay thế, các chính sách bảo đảm an sinh xã hội khi thực hiện di dân, tái định cư đối với các dự án thuỷ điện.

Ngọc Quang