5 chính sách quan trọng có hiệu lực trong tháng 12

30/11/2014 07:56
Ngọc Quang
(GDVN) - Gia hạn 1 năm đổi giấy phép lái xe; Ngân hàng có thể bị phạt tiền tỷ; khung giá đất cao nhất tại thành phố áp dụng 162 triệu đồng/m2...

Gia hạn đổi giấy phép lái xe ô tô thêm 1 năm

Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 38/2013/TT-BGTVT ngày 24/10/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 46/2012/TT-BGTVT ngày 7/11/2012 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Theo đó, giấy phép lái xe ô tô bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET trước ngày 31/12/2015; thay vì trước ngày 31/12/2014 như quy định trước đó. Thông tư có hiệu lực từ 31/12/2014.

Giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET trước ngày 31/12/2015 thay vì trước ngày 31/12/2014.
Giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET trước ngày 31/12/2015 thay vì trước ngày 31/12/2014.

Ngoài ra, theo Thông tư 48/2014/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1/12/2014 thì giấy phép lái xe hạng B1 cấp cho người lái xe có thời hạn đến đủ 55 tuổi đối với nữ và đến đủ 60 tuổi đối với nam; trong trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.

Ngân hàng có thể bị phạt tiền tỷ

Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo đó, từ ngày 12/12/2014, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng sẽ bị phạt nặng với mức phạt lên tới hàng tỷ đồng.

Theo Nghị định này, vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng gồm các vi phạm quy định về: quản lý và sử dụng giấy phép; tổ chức, quản trị, điều hành; cổ phần, cổ phiếu; huy động vốn và phí cung ứng dịch vụ; cấp tín dụng, nhận ủy thác, ủy thác và hoạt động liên ngân hàng; hoạt động thông tin tín dụng; hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng; thanh toán, quản lý tiền tệ và kho quỹ; mua, đầu tư vào tài sản cố định và kinh doanh bất động sản; bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng; bảo hiểm tiền gửi; phòng, chống rửa tiền; chế độ thông tin, báo cáo; cản trở việc thanh tra, không thực hiện yêu cầu của người có thẩm quyền.

Phạt tới 500 - 600 triệu với hành vi chi trả ngoại tệ, tổ chức làm đại lý đổi ngoại tệ mà không được cấp phép.
Phạt tới 500 - 600 triệu với hành vi chi trả ngoại tệ, tổ chức làm đại lý đổi ngoại tệ mà không được cấp phép.

Nghị định này quy định đối với hành vi hoạt động không có giấy phép (trừ một số trường hợp quy định) và chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức pháp lý tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hành nước ngoài mà chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản có thể bị phạt tới 500 triệu đồng.

Đồng thời, phạt tiền từ 500 – 600 triệu đồng đối với hành vi hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức làm dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ, tổ chức làm đại lý đổi ngoại tệ, tổ chức khác mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị đình chỉ, hoặc không đúng nội dung đã quy định trong giấy phép, trừ trường hợp quy định; phạt từ 400-450 triệu đồng đối với hành vi vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật.

Đối với hành vi vi phạm quy định về bảo hiểm tiền gửi, Nghị định quy định mức phạt tới 150 triệu đồng đối với hành vi không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền bảo hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi. Đối với hành vi tổ chức hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền có thể bị phạt lên đến 250 triệu đồng.

Các mức phạt tiền quy định trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Vi phạm 30 triệu đồng nếu vi phạm quy định về ứng dụng Khoa học công nghệ

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/12/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 64/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ.

Theo đó, vi phạm quy định về ứng dụng, phổ biến kết quả hoạt động khoa học và công nghệ sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng thay vì mức 20 triệu đồng như trước đây.

Khung giá đất tối đa ở thành phố là 162 triệu đồng /m2

Nghị định có hiệu lực từ 29/12/2014, quy định mức giá tối đa đối với đất ở tại các đô thị là 162 triệu đồng/m2, áp dụng cho đô thị loại đặc biệt tại vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ.

162 triệu đồng/m2 là khung giá cao nhất áp dụng với đất Hà Nội.
162 triệu đồng/m2 là khung giá cao nhất áp dụng với đất Hà Nội. 

Khung giá đất gồm 2 nhóm: Nhóm đất nông nghiệp và nhóm đất phi nông nghiệp. Khung giá đất được sử dụng làm căn cứ để các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng bảng giá đất, điều chỉnh bảng giá đất.

Ô tô chuyển đổi công năng không được chở khách du lịch

Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có hiệu lực từ 1/12/2014, xe ô tô có trọng tải được phép chở từ 10 hành khách trở lên đối với cự ly trên 300 km phải có niên hạn sử dụng không quá 15 năm đối với ô tô sản xuất để chở người và từ ngày 1/1/2016 không được sử dụng xe ô tô chuyển đổi công năng. Đối với cự ly từ 300 km trở xuống thì niên hạn không quá 20 năm đối với ô tô sản xuất để chở người; không quá 17 năm đối với ô tô chuyển đổi công năng trước ngày 1/1/2002 từ các loại xe khác thành xe ô tô chở khách.

Nghị định cũng quy định xe taxi phải có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt; không quá 12 năm tại các địa phương khác.

Xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch có niên hạn sử dụng không quá 15 năm; xe ô tô chuyển đổi công năng không được vận tải khách du lịch.

Ngọc Quang