Hiệu trưởng dùng tiền của giáo viên tổ chức tiệc nói gì?

01/12/2014 09:04
Thế Phú
(GDVN) -Trước thông tin các giáo viên cho rằng Hiệu trưởng dùng tiền của tập thể để đi tiếp khách, mua quà, tổ chức tiệc, ông Sơn cho rằng các giáo viên hiểu chưa đúng.

Xung quanh những thắc mắc, băn khoăn của tập thể hội đồng sư phạm trường THCS Thái Văn Nam – xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, hôm 27/11, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Hiệu trưởng – ông Võ Công Sơn để làm rõ các vấn đề này.

Giáo viên chỉ cần đóng, không được khiếu nại

Hồi xưa, có một khoản tiền do giáo viên đóng góp để dùng trang trải cho các hoạt động của nhà trường. Ví dụ, có những đoàn kiểm tra, tham quan nào đến trường thì sẽ lấy khoản tiền này ra để tiếp khách.

Hiệu trưởng trường THCS Thái Văn Nam - ông Võ Công Sơn (Ảnh: T.P)
Hiệu trưởng trường THCS Thái Văn Nam - ông Võ Công Sơn (Ảnh: T.P)

Khi có ý kiến của giáo viên, năm nay, Hiệu trưởng quyết định tuyệt đối không bao giờ đi tiếp khách mà dùng tiền của các giáo viên, của tập thể hội đồng sư phạm nhà trường, mà kinh phí cho bao nhiêu, dùng bấy nhiêu.

Mỗi đầu năm học, trường đều lên kế hoạch tiếp các đoàn khách nào, đều có tính toán, dự trù kinh phí của Nhà nước chi trả. Nếu chi thực tế vượt kế hoạch đề xuất thì lãnh đạo trường phải tự chi trả. Một năm chỉ có khoảng 1, 2 đoàn kiểm tra.

Hiệu trưởng Võ Công Sơn gọi khoản tiền đóng góp của giáo viên là “chi phí thêm cho các hoạt động của nhà trường từ ngày khai giảng đến ngày bế giảng”.

Bảng công khai tiền trích đóng của giáo viên từ tiền tăng thêm thu nhập trong năm học 2013 - 2014.
Bảng công khai tiền trích đóng của giáo viên từ tiền tăng thêm thu nhập trong năm học 2013 - 2014.

Khi chúng tôi đưa ra các bảng công khai mà giáo viên cung cấp, ông Sơn đã giải thích về một số khoản chi bất hợp lý: năm học 2013 – 2014, Kiểm tra tỉnh Đoàn chi 1.300.000 đồng là tiệc tiếp khách, đoàn có bao nhiêu người, mỗi người nhân lên khoảng 80.000 đồng. Văn nghệ Tân Tây (200.000 đồng) là tiền hỗ trợ tổ chức văn nghệ của trường THCS Tân Tây (đoàn trường Thái Văn Nam có tham dự), tiệc tất niên 2013 là tổ chức cho giáo viên (2.000.000 đồng), bồi dưỡng tết cho bảo vệ (500.000 đồng) vì trong các khoản chi của ngân sách không cho phép chi những việc này.

Tất cả các giáo viên đều đồng ý đóng, có biên bản đóng, công khai trước nhà trường. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị, ông Sơn chỉ trưng ra được biên bản đồng ý đóng góp của năm học 2012 – 2013, mà không có được năm 2013 – 2014.

Tại biên bản này ghi rõ: Đây là giải pháp tạm thời và các giáo viên phải ký tên vào biên bản, không được có khiếu nại về sau.

Nói giáo viên nghe như “nước đổ đầu vịt”: ý của Hiệu trưởng là gì?

Tại phiên họp hội đồng sư phạm ngày 1/9/2014, sau khi nghe kế toán trình bày xong phần chi tiêu nội bộ, Hiệu trưởng Võ Công Sơn đã phát biểu: “Các anh/chị nghe như ‘nước đổ đầu vịt’.”

Chính ông Sơn cũng đã xác nhận khi làm việc với phóng viên: “Mình có nói câu nói này”. Ông Sơn cho rằng, ở đây, ông không phải có ý muốn làm nhục, xúc phạm anh chị em giáo viên của trường, mà là do quyển chi tiêu nội bộ rất dài, đọc hết cùng một lúc ngay sẽ rất khó hiểu, nên mới đề nghị kế toán dán lên bảng thông báo cho mọi người cùng xem.

Trường THCS Thái Văn Nam - huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang (ảnh: T.P)
Trường THCS Thái Văn Nam - huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang (ảnh: T.P)

Về việc các giáo viên bị phạt hành chính từ 1,5 đến 7,5 triệu đồng, thậm chí có giáo viên đã bị kỷ luật do có các hành vi sai phạm trong dạy thêm và học thêm, nhưng Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng vẫn đạt danh hiệu lao động tiên tiến năm học đó, ông Võ Công Sơn giải thích: Về nguyên tắc, khi bị xử lý kỷ luật thì giáo viên đó phải chịu trách nhiệm trước tiên.

Kế đó, Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng mới phải chịu trách nhiệm. Khi đó, chúng tôi cũng phải có bản tường trình gửi lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện. Cuối năm, bình xét lao động giáo viên là trách nhiệm của trường, còn lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện bình xét các Hiệu trưởng, Hiệu phó.

Họ cho tui danh hiệu lao động tiên tiến là quyền của họ, chứ làm sao mà tui biết được” – ông Sơn nhấn mạnh.

Chỉ dạy hướng nghiệp, vẫn nhận phụ cấp ưu đãi bình thường

Các giáo viên nói Hiệu trưởng không đứng lớp, mà vẫn nhận phụ cấp ưu đãi 30% là sai. Hiệu trưởng Võ Công Sơn giải thích: “Hiện tui vẫn đứng lớp, nhưng chỉ dạy hướng nghiệp cho học sinh lớp 9, đúng theo quy định là 2 tiết mỗi tuần”.

Buổi hướng nghiệp này sẽ được tổ chức vào ngày Chủ nhật, mỗi tháng học sinh lớp 9 sẽ được hướng nghiệp 1 chủ đề, năm học có 9 tháng sẽ được hướng nghiệp 9 chủ đề. Thời gian dạy hướng nghiệp sẽ từ 7h – 8h45 sáng.

Không phải Chủ nhật tuần nào cũng dạy hướng nghiệp cho học sinh, nhưng năm học này đã dạy được 2 ngày Chủ nhật.

Thế Phú