Dứt khoát không để tình trạng học sinh không được đến trường

02/12/2014 06:54
Xuân Trung
(GDVN) - Khẳng định trên của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ về sự việc 600 học sinh ở Hà Tĩnh “thất học”

Liên quan tới sự việc hằng trăm học sinh ở xã Hương Bình, Hương Khê, Hà Tĩnh không được đến trường do địa phương và phụ huynh chưa thống nhất việc giải thể, chia, tách sáp nhập trường.

Sự việc đã diễn ra nhiều tháng, báo chí cũng đã đưa tin rất nhiều, nhiều cơ quan chức năng và tỉnh Hà Tĩnh đã lên tiếng về sự việc. Qua sự việc này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến giáo dục và đã, đang tiếp tục quan tâm, đặc biệt là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc còn khó khăn. 

Dứt khoát không để tình trạng học sinh không được đến trường ảnh 1

Chưa giải quyết xong sự việc, nhiều lớp học ở Hương Bình vắng bóng học sinh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng, thực tế hiện nay ở một số vùng có những trường nghèo, số lượng học sinh rất ít. Cụ thể đối với Hà Tĩnh, xuất hiện tình huống là khi thực hiện chuẩn bị nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo khai thác cơ sở hạ tầng giáo dục một cách đúng mức, không lãng phí, tập trung các điều kiện để phát huy được hạ tầng giáo dục thì ở địa phương đã thực hiện nhiệm vụ này nhưng không làm tốt, không tuyên truyền, tạo được sự đồng thuận cho nhân dân nên dẫn đến tình trạng hàng trăm em trong nhiều tháng không được đến trường. 

“Quan điểm của Đảng và Nhà nước là dứt khoát không để tình trạng các em không được đến trường” Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định.

Dứt khoát không để tình trạng học sinh không được đến trường ảnh 2Vụ 600 học sinh thất học: Đừng bắt học sinh làm “con tin”

(GDVN) - “Không ai được dùng con em mình làm con tin, kể cả phía Nhà nước cũng như phía phụ huynh học sinh. Trước mắt chưa bàn xong thì cho các em học như bình thường".

Nguyên nhân của vụ 600 học sinh ở xã Hương Bình thất học là do Bộ GD&ĐT chưa có quy định bắt buộc khi giải thể, chia, tách sáp nhập trường phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư. Hiện nay, việc sáp nhập, giải thể, chia tách trường trung học được thực hiện theo quy định của Bộ GDĐT tại Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 ban hành “Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học”.

Trong bản văn bản đó, không quy định khi sáp nhập, chia tách, giải thể trường học, cơ quan chức năng phải tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư có con em học tại trường.

Đây là lý do khiến cho các cấp chính quyền nhiều địa phương khi quyết định sáp nhập, chia, tách trường học đã không thăm dò, thông qua hay bàn bạc, lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Một số quyết định được ban hành vội vàng, không phù hợp với nguyện vọng của dân nên đã gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng: Hàng trăm học sinh thất học, lưu ban; người dân kéo nhau đi khiếu kiện tập thể, xảy ra nhiều hành vi phạm pháp như phá hoại tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ...

Trước đó, ngày 25/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, nhanh chóng phối hợp với địa phương bàn bạc và tìm ra giải pháp tốt nhất chấn chỉnh, khắc phục, để cho các em được đến trường theo điều kiện có thể và theo quy định là tháng 12 này phải giải quyết xong. 

Xuân Trung