Một câu chuyện cảm động: Trò không tay, cô cầm chân dạy viết

04/12/2014 06:54
Xuân Hòa - Trương Liên
(GDVN) -Người ta cầm bút bằng tay, em dùng bàn chân viết nên ước mơ và định hình cho số phận của mình dưới sự tận tình chỉ bảo của cô giáo.

Ra đời đã thiếu đôi tay

Em là Hà Văn Tài (SN 2006) học sinh lớp 2B, Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Chúng tôi tìm đến nhà em Tài (SN 2006) vào một buổi trưa cuối thu, khi bà ngoại đang tất tả đón em từ Trường tiểu học Lê Văn Tám trở về. Bế cháu trên tay, bà Hà Thị Bướm (SN 1959) kể cho chúng tôi bằng chất giọng buồn buồn: 

Năm 2006, khi con gái bà là chị Hà T. H. (SN 1989, mẹ cháu Tài) có dấu hiệu “trở dạ”, bà đem con đến trạm y tế xã Cam An. Ngồi chờ con “vượt cạn” mà ruột gan tôi như lửa đốt, chỉ mong cho con gái mình được “mẹ tròn con vuông”. Nhưng khi vào thăm cháu, lòng tôi như thắt lại khi thấy đứa cháu ngoại đỏ hỏn, không có tay. Chỉ có đôi chân bên ngắn bên dài đang ngọ nguậy bên trong chiếc tã nhỏ xíu. Lúc ấy, bà Bướm tưởng như mình không thể đứng vững vì thương cháu, thương con.

Sinh ra khuyết đôi bàn tay nên em Tài đã xây dựng ước mơ làm thầy giáo của mình bằng đôi bàn chân
Sinh ra khuyết đôi bàn tay nên em Tài đã xây dựng ước mơ làm thầy giáo của mình bằng đôi bàn chân

Khi em Tài vừa sinh ra mới được ít ngày bố em bỏ đi. Người bố này đã nhẫn tâm chối bỏ đứa con đang còn đỏ hỏn mang khuyết tật trên người. Đến bây giờ, Tài vẫn mang họ Hà của mẹ. Khi con trai tròn 3 tuổi, chị H. cũng vừa chạm tuổi 22. Chị quyết định gửi con lại cho mẹ, đi tìm hạnh phúc mới. Thương đứa cháu tật nguyền côi cút, bà Bướm dồn hết tình yêu thương nuôi dạy cháu nên người

Dưới vòng tay bao bọc, che chở của bà ngoại, em Hà Văn Tài cứ thế lớn lên. Thời gian đầu, nhìn đôi chân của cháu, bà Bướm đã nghĩ cuộc đời cháu mình chỉ gắn với chiếc giường tre ọp ẹp. Nhưng may mắn cũng đã mỉm cười khi sau suốt 1 năm rưỡi không cử động được thì một hôm Tài đã tập đi.

“Đầu tiên cháu nó dùng chân đẩy người tiến sát tường, rồi dựa tường đứng dậy. Sau một thời gian tập đứng, nó đi ngang, lưng vẫn dựa vào tường. Thấy cháu có thể đứng vững trên đôi chân, tôi mừng đến rơi nước mắt” - bà Hà Thị Bướm nhớ lại. 

Những nét chữ bằng nghị lực của em Tài rất ngay ngắn, thẳng thắn và sạch sẽ
Những nét chữ bằng nghị lực của em Tài rất ngay ngắn, thẳng thắn và sạch sẽ

Khi đã đến tuổi đi học, nhìn các bạn đến trường Tài thích lắm. Thấy đứa cháu tội nghiệp cứ lặng lẽ đứng nhìn đám bạn cùng tuổi đến trường bà Bướm như đứt từng khúc ruột. Lúc đó bà không dám mong cháu mình giỏi dang như các bạn khác mà chỉ mong cháu mình biết chữ để đọc sách. Rồi bà đánh liều đem nguyện vọng của mình đến hỏi các trường trong xã xin cho cháu nhập học. Nhưng đi đâu, các thầy cô cũng khuyên nên mang cháu gửi vào học ở trường khuyết tật. 

Khi đưa cháu vào học tại trường Nguyễn Đình Chiểu (TP. Đông Hà, Quảng Trị) được một thời gian ngắn, bà Bướm lại phải mang cháu Tài về. Bởi cháu Tài không giống với bất kì bạn nào ở trường, cháu không điếc, không câm, không thiểu năng, chỉ thiếu đôi tay. Thầy cô trong trường cũng khuyên bà nên xin cho cháu theo học trường bình thường vì cháu rất lanh lợi. 

Bà Bướm mang cháu về quê lại một lần nữa đến các trường xin cho cháu nhập học. Trước nguyện vọng tha thiết của gia đình, cô Hoàng Thị Sành - giáo viên trường Tiểu học Lê Văn Tám xin phép nhà trường cho cô trực tiếp dạy dỗ em Tài. 

Luyện chữ bằng … đôi chân thần kỳ

Đến giờ, học sinh trường Tiểu học Lê Văn Tám đã quá quen với hình ảnh cậu học trò với khuôn mặt sáng sủa, thông minh, ngày ngày ngồi trên chiếc bàn “đặc biệt” của mình để gò lưng viết chữ bằng chân. Nhìn những nét chữ đều đặn, thẳng tắp của em trên trang vở mới tinh tươm đủ để thấy em đã phải khổ luyện thế nào mới làm được điều đó. 

Thương hoàn cảnh của em nên mọi sinh hoạt tại trường của em Tài đều được cô giáo Hoàng Thị Sành giúp đỡ tận tình
Thương hoàn cảnh của em nên mọi sinh hoạt tại trường của em Tài đều được cô giáo Hoàng Thị Sành giúp đỡ tận tình

Nhớ lại những ngày đầu dạy Tài học chữ, cô Hoàng Thị Sành trải lòng: “Thương em thì nhận em vào lớp chứ thật tình tôi lo lắng lắm. Với một đứa trẻ bình thường, tập viết bằng tay đã khó nói gì như em Tài lại tập viết bằng chân. Chân phải em Tài chỉ được 4 ngón, lại bị cong nên buộc lòng tôi phải tập cho em cầm bút bằng chân trái. Thú thật, suốt 24 năm giảng dạy tôi chưa bao giờ phải “cầm chân” luyện chữ cho học trò, nhưng trường hợp của em Tài”. 

Thời gian đầu rất khó khăn cho cả cô lẫn trò vì Tài còn mặc cảm, tự ti và chưa quen với việc cầm bút bằng chân. Nhiều lần nản chí, Tài quăng bút xuống sàn và ngồi khóc. Có hôm thì viết được 1 lúc thì chân cháu Tài bị đau nhức nên em không thể tiếp tục học được. Thế nhưng, thấy các bạn cùng lớp bắt đầu viết được chữ, có thể cầm sách đọc, Tài như có thêm động lực để cố gắng. Kết thúc năm học 2012 - 2013, Tài chỉ mới vẽ những nét cơ bản, tập tô theo con chữ và nhận biết được một số mặt chữ. Đó cũng được coi là một kì tích đối với đứa trẻ như em.

Năm học 2013 - 2014, Hà Văn Tài chính thức vào lớp 1. Trên chiếc bàn nhỏ chỉ cao bằng chiếc ghế, Tài cặm cụi viết chữ. Dần dần, dưới sự dìu dắt của cô giáo cùng với ý thức ham học của mình, đến nay Tài đã là học sinh lớp 2 đã có thể đọc thông, viết thạo, giải toán có lời văn. 

Nhìn những nét chữ đều đặn, thẳng tắp của Tài nằm trên trang vở mới tinh tươm, chúng tôi thầm thán phục. Điểm 9, điểm 10 trên vở không chỉ là kết quả của bài viết mà còn là minh chứng cho sự nỗ lực tuyệt vời của đứa trẻ không có đôi tay. 

Giờ ra chơi, thấy Tài ngồi lặng lẽ nhìn các bạn nô đùa quanh lớp, tôi mới lại gần hỏi em tại sao không ra chơi cùng các bạn. Tài nhìn chúng tôi, cười ngượng ngùng bảo: “Hôm nay cháu bị đau chân chỉ có thể ngồi một chỗ”. Khi chúng tôi hỏi về ước mơ sau này, khuôn mặt tài sáng bừng và trả lời một cách dứt khoát: “em muốn làm thầy giáo”. 

Nụ cười của em khiến chúng tôi liên tưởng đến thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký - người viết nên số phận bằng chính đôi chân của mình. Chúng tôi mong rằng với nghị lực đó của em thì một ngày không xa giấc mơ của em sẽ trở thành sự thật.

Xuân Hòa - Trương Liên