Ron Paul: Mỹ kích động chiến tranh với Nga có thể dẫn đến hủy diệt

06/12/2014 08:41
Nguyễn Hường
(GDVN) - Ông Ron Paul lại xem nghị quyết trên là "16 trang tuyên truyền chống chiến tranh khiến cả những người tân bảo thủ cũng phải đỏ mặt".

Cựu nghị sị Mỹ Ron Paul hôm 5/12 đã lên tiếng chỉ trích nghị quyết chống lại Nga của chính quyền Tổng thống Barack Obama khi nhận định rằng đó là "một trong những thứ tồi tệ nhất của luật pháp hiện nay", đồng thời cảnh báo "nó có thể mở đường cho một cuộc chiến tranh tiềm năng với Nga".

Nghị quyết 758 mạnh mẽ lên án các hành động của Nga trong chính quyền Tổng thống Vladimir Putin, về những gì mà nó mô tả là chính sách "hiếu chiến chống lại các nước láng giềng", sự thống trị về chính trị và kinh tế của Moscow trong khu vực.

Cựu nghị sĩ Ron Paul.
Cựu nghị sĩ Ron Paul. 

Tuy nhiên, ông Ron Paul lại xem nghị quyết trên là "16 trang tuyên truyền chống chiến tranh khiến cả những người tân bảo thủ cũng phải đỏ mặt".

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với RT, ông Ron Paul nói thêm rằng nghị quyết là "một phần của bộ máy tuyên truyền chiến tranh" với những lời lẽ "rất khiêu khích".

Điều đáng lo ngại nhất của cựu ứng cử viên Tổng thống này là việc nghị quyết tuyên bố rằng "sự can thiệp quân sự của Nga ở Ukraine đã đặt ra mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế".

Trên Facebook cá nhân, ông Ron Paul cho biết đó là những sai lầm từ ngữ tai hại và đã khiến nghị quyết này trở thành một hạt giống gieo mầm cho những sai lầm khác sau này.

"Nếu chúng ta thừa nhận rằng Nga đang là một mối đe dọa đối với hòa bình quốc tế, tại sao chúng ta lại bỏ qua một điều như vậy? Đây là những con dốc trơn trượt đến chiến tranh", ông Paul nói.

Điều 45 của nghị quyết còn bật đèn xanh cho Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khởi động chiến dịch quân sự chống lại lực lượng ly khai ở miền Đông - mâu thuẫn với Hiệp định Minsk ký ở Belarus ngày 5/9, cựu nghị sĩ Ron Paul nói. Theo ông, động thái này chỉ khiến nhiều dân thường thiệt mạng hơn. 

Theo ông Ron Paul, nghị quyết còn bao gồm các báo cáo đạo đức giả. Nó cáo buộc Nga vi phạm chủ quyền Ukraine mặc dù không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào. Trong khi đó, Mỹ cũng đã đóng vai trò trong vụ lật đổ chính phủ Ukraine hồi tháng 2.

"Chúng tôi đã nghe các quan chức ngoại giao Mỹ âm mưu với Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine để lật đổ chính phủ. Chúng tôi nghe thấy Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Victoria Nuland khoe khoang rằng Mỹ đã chi 5 tỉ USD để thay đổi chính quyền ở Ukraine", ông Paul nói. 

Mỹ đã nhiều thập kỷ đấu tranh cho quyền tự quyết của người dân trên toàn thế giới, nhưng ông Paul tin rằng họ chỉ hành động vì lợi ích của Washington.  

Cuối cùng, ông Paul bày tỏ phẫn nộ khi có rất ít thành viên Hạ viện bỏ phiếu chống lại nghị quyết mà ông mô tả là "nguy hiểm" được thông qua hôm 4/12. /.

Nguyễn Hường