Bộ trưởng Nguyễn Quân nói về “hai lúa” chế tạo, sửa chữa xe bọc thép

09/12/2014 14:41
QUỐC TOẢN
(GDVN)-"Chúng ta đánh giá cao các ý tưởng sáng tạo của người dân, nhưng nguồn lực hỗ trợ cho những ý tưởng, sáng tạo đó chưa được quy định cụ thể", Bộ trưởng Quân nói.

Dư luận xôn xao về việc Ông Trần Quốc Hải (nông dân chế tạo máy bay ở Tân Châu, Tây Ninh) và ông Trần Quốc Thanh (con trai ông Hải) vừa được Vương quốc Campuchia trao huân chương Đại tướng quân.

Trước thời điểm nhận Huân chương Đại tướng quân ở Campuchia cách đây hơn một tháng, ông Hải đã sửa chữa, cải tiến, nâng cấp thành công 11 xe bọc thép cũ và chế tạo thành công một xe bọc thép kiểu mới cho quân đội nước này. Với chiếc xe mới chế tạo, ông Hải hoàn thành trong thời gian bốn tháng (ba tháng nghiên cứu, một tháng chế tạo). Tất cả trang thiết bị cho xe do ông tự tìm mua. 

Đồng thời, Quốc vương Campuchia cũng cấp giấy chứng nhận ông Hải và ông Thanh là nhà kỹ thuật sửa chữa xe bọc thép BRDM 2 và BTR60PB, ghi nhận những đóng góp của hai người cho nền kỹ thuật của đất nước. 

Tại sao sáng tạo ấy lại chưa được coi trọng ở Việt Nam?

Bộ trưởng Nguyễn Quân nói trao đổi với báo giới trong cuộc họp báo sáng nay
Bộ trưởng Nguyễn Quân nói trao đổi với báo giới trong cuộc họp báo sáng nay

Tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra sáng nay (9/12), ông Nguyễn Quân - Bộ trưởng Bộ KH&CN đã bày tỏ quan điểm xung quanh vấn đề này.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, Nhà nước luôn đánh giá cao các ý tưởng sáng tạo, sáng chế của người dân. Tuy nhiên việc này phụ thuộc vào nhu cầu thực tế. Mặt khác, cũng cần phải nói thêm rằng, nguồn lực để hỗ trợ cho những sáng chế, sáng tạo của người dân chưa được quy định cụ thể và còn gặp nhiều khó khăn. 

“Về vấn đề này, tôi đã đề cập trước đó rằng, ngành Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam đã làm quá tốt việc sửa chữa xe tăng, máy móc…Chúng ta chưa cần phải huy động đến người dân. Còn nếu với Campuchia, họ có nhu cầu, cơ chế tài chính thông thoáng, lấy ngân sách nhà nước hàng triệu đô - la mà không cần phải thuyết minh dự toán hóa đơn, chứng từ, đấu thầu...thì cũng là một cái chúng ta cũng nên nghiên cứu xem xét xem chúng ta có lạc hậu quá không?. Nhưng tôi tin, Bộ Tài chính, Quốc hội Việt Nam sẽ không chấp nhận cách làm khoa học như thế được”, Bộ trưởng Quân phân tích. 

Bộ trưởng Quân nêu thực trạng: “ Hiện tại, việc sáng tạo trong lĩnh vực khoa học của người dân còn mang tính nhỏ lẻ. Các sáng chế của người dân được báo chí thông tin chủ yếu là tự mày mò học hỏi, tìm kiếm. Nếu các sáng chế ấy được kết hợp chặt chẽ với cơ quan nghiên cứu khoa học thì sẽ phát huy tác dụng hơn nhiều”.

Thực tế cho thấy, hiện tại ở Việt Nam có đầy đủ hệ thống viện nghiên cứu, cùng với đó là hàng nghìn tiến sỹ, tuy nhiên, những sáng chế của người dân lại được dư luận ngợi khen, được đánh giá cao về ý tưởng sáng tạo.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng cần nhìn nhận vấn đề ở góc độ vĩ mô: “Chúng ta không thể vì một hiện tượng cá lẻ mà suy rộng ra một nền khoa học vô dụng…Công bằng mà nói chúng ta cũng đã có rất nhiều sáng tạo, nghiên cứu khoa học được ứng dụng thành công. Đơn cử như Việt Nam là 1 trong 4 nước trên thế giới làm được vắc-xin Rota. Điều này không phải nước nào cũng làm được. Đây là những nghiên cứu khoa học được đánh giá cao nhưng lại không được nhắc tới nhiều bởi lẽ người ta cho rằng đó thuộc trách nhiệm của nhà khoa học. . Trong khi đó những sáng chế của người dân bình thường lại được được nhiều người đánh giá cao cũng là chuyện dễ hiểu”.

QUỐC TOẢN