Ủy ban thường vụ QH khai mạc, họp bàn về Luật cơ yếu

26/09/2011 13:25
Tư Khương
(GDVN) - Sáng 26/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã khai mạc buổi họp đầu tiên của phiên họp thứ 2. Theo dự kiến, phiên họp thứ 2 diễn ra trong vòng 6 ngày.

Theo lịch trình, sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đọc bài  phát biểu khai mạc và chủ trì phiên họp. Tiếp đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật cơ yếu. Ông Lê Quang Bình Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cơ yếu Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nêu rõ:  Hoạt động cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, sử dụng nghiệp vụ, kỹ thuật mật mã và các giải pháp có liên quan để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước và do lực lượng chuyên trách triển khai trên nhiều lĩnh vực hoạt động của Đảng, Nhà nước, hoạt động quân sự, an ninh, ngoại giao, tư pháp... 

Vì vậy, cần xác định Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan mật mã quốc gia có chức năng quản lý chuyên ngành về cơ yếu đối với các hệ thống tổ chức cơ yếu Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngoại giao, tổ chức cơ yếu trong cơ quan Đảng, nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Mặc dù theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ  trong việc thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu, nhưng Ban Cơ yếu Chính phủ không phải là một đơn vị trong hệ thống tổ chức của lực lượng vũ trang. Do đó, đơn vị này cần được bảo đảm sự độc lập cần thiết về tổ chức, cán bộ, kinh phí và hoạt động để thực hiện nhiệm vụ quản lý chuyên ngành đặc thù, chế độ công tác nghiêm ngặt, thống nhất, chặt chẽ. 

Tiếp đó, thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự án Luật quảng cáo. Bộ trưởng Bộ văn hóa, thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh đã trình bày tờ trình. Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày báo cáo thẩm tra.

Kết luận trong bản thuyết minh chi tiết và báo cáo đánh giá tác động pháp luật của dự án luật quảng cáo của Chính phủ đã nêu rõ: Dự thảo Luật Quảng cáo khắc phục được những hạn chế của Pháp lệnh Quảng cáo 2001, đồng thời bổ sung và hoàn thiện các quy định về hoạt động quảng cáo phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

Về cơ bản, Luật Quảng cáo đã có những tác động tích cực tới hệ thống pháp luật, công cuộc cải cách thủ tục hành chính của đất nước ta, thúc đẩy sự phát triển của hoạt động quảng cáo và đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể tham gia; tạo ra sự hoàn thiện, đồng bộ trong xây dựng, thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động quảng cáo và các văn bản pháp luật có liên quan.

Tuy nhiên, nhằm quản lý hoạt động quảng cáo có hiệu quả theo quy định của Luật Quảng cáo đòi hỏi phải có sự áp dụng thống nhất của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp với các giải pháp thiết thực để Luật Quảng cáo thực sự là một công cụ pháp lý cao nhất điều chỉnh toàn diện hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam.

Tư Khương