Nga đẩy mạnh nâng cấp sức mạnh quân sự ứng phó mối đe dọa

12/12/2014 10:01
Đông Bình
(GDVN) - Năm 2014, Nga hoàn thành kế hoạch biên chế trang bị quân sự, vừa đưa vào 2 cơ quan chỉ huy chiến lược, thúc đẩy xây dựng tập đoàn quân ở Crimea, sửa học thuyết
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Vladimir Monomakh lớp Borey Nga
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Vladimir Monomakh lớp Borey Nga

Tân Hoa xã ngày 11 tháng 12 đưa tin, tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey thứ ba Vladimir Monomakh Nga đã bàn giao cho Hải quân Nga vào ngày 10 tháng 12. Trước năm 2020, loại tàu ngầm hạt nhân được dùng làm trụ cột lực lượng hạt nhân trên biển tương lai của Nga này sẽ có tới 8 chiếc.

Năm 2014, tình hình căng thẳng Nga-phương Tây làm cho tầng lớp lãnh đạo Nga (vốn lấy hiện đại hóa quân sự để lập quốc) càng chú trọng tới xây dựng quân đội và triển khai chiến lược quân sự. Nguồn tin Quân đội Nga cho rằng, học thuyết quân sự mới sắp đưa ra dùng từ có thể cứng rắn hơn, nhưng việc xây dựng quân sự Nga vẫn sẽ lấy phòng thủ làm tư tưởng chỉ đạo chủ yếu.

Đẩy nhanh xây dựng quân sự

Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov ngày 10 tháng 12 cho biết, năm 2014, Quân đội Nga đã nhận được 38 quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, trên 250 máy bay, 2 lữ đoàn tên lửa trang bị hệ thống tên lửa chiến thuận Iskander-M, Hải quân Nga đã tiếp nhận, trang bị tàu ngầm hạt nhân Severodvinsk, tàu ngầm cỡ lớn Novorossiysk, 2 tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ, 3 tàu đổ bộ. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trước đó cho biết, kế hoạch đặt hàng quốc gia năm 2014 đã hoàn thành.

Năm 2014, cùng với quan hệ Nga-phương Tây rơi xuống mức thấp nhất do cuộc khủng hoảng Ukraine, đối đầu quân sự song phương có xu thế leo thang, NATO không ngừng chỉ trích Nga tăng quân ở biên giới Nga-Ukraine, máy bay chiến đấu, tàu chiến nhiều lần đe dọa biên giới của nước khác.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công Severodvinsk lớp Yasen của Nga
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Severodvinsk lớp Yasen của Nga

Ngày 12 tháng 11, ông Sergei Shoigu tuyên bố, máy bay ném bom tầm xa Nga sẽ tuần tra ở biên giới Nga và bầu trời Bắc Băng Dương, "trong tình hình hiện nay, chúng tôi chắc chắn sẽ duy trì hiện diện quân sự ở Tây Đại Tây Dương, Đông Thái Bình Dương cùng với biển Caribbe và vịnh Mexico".

Trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine, các cuộc diễn tập và kiểm tra đột kích quy mô lớn của Quân đội Nga cũng đặc biệt gây chú ý. Căn cứ vào thông tin của Bộ Quốc phòng Nga, năm 2014, Nga đã tổ chức trên 3.000 cuộc diễn tập các loại, trong đó gồm 30 cuộc diễn tập và huấn luyện liên hợp quốc tế, đồng thời đã tổ chức 3 cuộc kiểm tra sẵn sàng chiến đấu đột kích đối với Quân khu miền Tây, Quân khu Trung tâm và Quân khu miền Đông Nga, đã tổ chức 2 cuộc diễn tập quân sự cỡ lớn.

Ngoài ra, Trung tâm chỉ huy phòng ngự quốc gia Nga vào ngày 1 tháng 12 đã chính thức đưa vào trực chiến đấu, từ lập kế hoạch đến chính thức vận hành chưa đến 1 năm đủ để cho thấy mức độ coi trọng của tầng lớp lãnh đạo quân sự Nga đối với cơ quan này.

Cơ quan này dùng để bảo đảm cho các nhà lãnh đạo quốc gia đưa ra quyết định điều động lực lượng quân sự trong thời gian ngắn nhất trong các trường hợp khẩn cấp, nhằm ứng phó với các mối đe dọa từ bên ngoài, ở đây đã tập trung những sĩ quan ưu tú nhất toàn Nga, đã trang bị hệ thống xử lý dữ liệu tiên tiến nhất, đồng thời có quyền lực hạ đạt mệnh lệnh bắn tên lửa hạt nhân.

Truyền thông Nga cho rằng, Trung tâm chỉ huy phòng thủ quốc gia giúp cho cấu trúc quân sự Nga tiếp tục nâng lên tầm mới. Trong khi đó, truyền thông Mỹ cho rằng, Nga đang sẵn sàng chiến đấu.

Tàu ngầm diesel-điện Novorossiysk Type 636-3 Hải quân Nga
Tàu ngầm diesel-điện Novorossiysk Type 636-3 Hải quân Nga

Đồng thời thúc đẩy hai tuyến nam-bắc

Ngày 1 tháng 12, Bộ tư lệnh chiến lược Bắc Cực Nga - lực lượng được thành lập trên nền tảng Hạm đội Biển Bắc - chính thức bắt đầu hoạt động. Bộ tư lệnh chiến lược Bắc Cực chủ yếu quản lý tất cả các lực lượng Nga triển khai ở khu vực Bắc Cực, mục đích là bảo đảm lợi ích của Nga ở khu vực Bắc Cực.

Căn cứ vào mệnh lệnh của Tổng thống Nga Putin, Bộ tư lệnh chiến lược Bắc Cực do Trung tâm chỉ huy quốc gia Bộ Quốc phòng quản lý, tương đương với quân khu thứ 5, ngoài 4 quân khu lớn hiện có của Nga (Quân khu Trung tâm, Quân khu miền Đông, Quân khu miền Tây, Quân khu miền Nam).

Trên hướng nam, sau khi "thu hồi" Crimea, Nga sáp nhập Crimea vào Quân khu miền Nam và đã tiến hành một loạt hoạt động xây dựng quân sự để khắc phục những hạn chế của Crimea trên phương diện hạ tầng quân sự trong hơn 20 năm qua sau khi Liên Xô giải thể, củng cố mắt xích mỏng yếu phòng thủ ở miền nam để chiếm trước thời cơ chiến lược trên Biển Đen.

Theo truyền thông Nga, mấy năm tới, Nga sẽ hoàn thành xây dựng tập đoàn quân thực sự tại Crimea, có tàu chiến, tàu ngầm, máy bay, lực lượng phòng thủ bờ biển và lực lượng phòng không hiện đại. Hiện nay, Nga đã thành lập căn cứ hải quân Crimea trên nền tảng Hạm đội Biển Đen.

Ông Shoigu cho rằng, do khủng hoảng Ukraine chưa kết thúc, cộng với NATO không ngừng thúc đẩy các công trình quân sự hướng vào biên giới Nga, tình hình chính trị quân sự trên hướng chiến lược phía nam và tây nam "vẫn phức tạp", vì vậy Quân khu miền Nam Nga chắc chắn phải duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu để bảo đảm an ninh quân sự của quốc gia và đồng minh chiến lược hướng tây nam. "Trong tình hình này, một trong những nhiệm vụ hàng đầu là thành lập tập đoàn quân độc lập ở bán đảo Crimea".

Máy bay chiến đấu đa năng Su-35 Nga
Máy bay chiến đấu đa năng Su-35 Nga

Tăng chi tiêu quân sự, sửa đổi học thuyết quân sự

Mặc dù phương Tây trừng phạt và giá dầu thế giới sụt giảm đã làm cho các bước đi của nền kinh tế Nga gian nan, nhưng để ứng phó với các mối đe dọa an ninh và ảnh hưởng bất lợi từ tình hình địa-chính trị mới, Nga quyết định duy trì, thậm chí tiếp tục tăng chi tiêu quân sự khổng lồ.

Căn cứ vào dự luật ngân sách quốc gia 3 năm tới vừa được Nga thông qua, 3 năm tới, chi tiêu quân sự Nga sẽ đạt 1/5 ngân sách quốc gia, lập kỷ lục cao nhất thời đại hậu Liên Xô. Trong đó, chi tiêu ngân sách quốc phòng năm 2015 sẽ tăng 33% so với năm 2014, chiến 21,2% tổng ngân sách, đạt 3.287 tỷ rúp, tương đương 4,2% GDP.

Bộ Quốc phòng Nga vừa tuyên bố, năm 2015 Nga sẽ tổ chức khoảng 4.000 hoạt động chuẩn bị quân sự, như diễn tập quân sự của các quân chủng, các cuộc thi quân sự, con số này đã tăng 1/4 so với năm 2014. Ông Shoigu cho biết, tất cả các hoạt động chuẩn bị quân sự đều sẽ bảo đảm hoàn thành ở mức cao.

Theo truyền thông Nga, Nga sẽ đưa ra học thuyết quân sự mới trước cuối năm 2014. Học thuyết quân sự hiện có của Nga được thông qua vào năm 2010, Phó tổng thư ký Hội đồng an ninh Liên bang Nga Popov trước đó cho biết, chỉnh sửa học thuyết quân sự chủ yếu là do sự thay đổi của môi trường bên ngoài, việc NATO mở rộng, vấn đề phòng thủ tên lửa và tình hình Ukraine đều là các nhân tố cần phải cân nhắc.

Tên lửa chiến thuật Iskander M Nga
Tên lửa chiến thuật Iskander M Nga
Cựu Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga Yuri Baluyevsky cho rằng, Nga vẫn sẽ không dùng phương thức răn đe hạt nhân để giải quyết các mâu thuẫn quốc tế gay gắt hiện nay, trong học thuyết quân sự Nga sẽ duy trì nguyên tắc "ngăn chặn hạt nhân mang tính phòng ngự", lấy phòng thủ làm mục tiêu hàng đầu, nhưng xét tới mâu thuẫn với các nước phương Tây hiện nay, học thuyết quân sự mới sẽ thể hiện thái độ cứng rắn hơn.
Đông Bình