Hiệp hội Đại học và Cao đẳng Việt Nam sẽ có thế và lực mới

12/12/2014 12:31
Xuân Trung
(GDVN) - Vài chục trường ở VIPUA đã làm tốt vai trò của mình thì Hiệp hội chung với hàng trăm trường tất yếu sẽ mạnh hơn, đoàn kết hơn…

Tiến tới Đại hội lần thứ nhất Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thực hiện chuyên đề với các bài viết ôn lại quá khứ từ VIPUA (Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Ngoài công lập Việt Nam) cho tới khi thành lập Hiệp hội chung (Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam). Việc này, cũng là để bày tỏ công lao và tri ân với những người thời gian đầu góp sức xây dựng VIPUA.

Từ VIPUA ra biển lớn có thêm điều kiện mới

Mở đầu cuộc trò chuyện với Báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Khoa – Chánh Văn phòng VIPUA chia sẻ, ông là một trong những người chấp bút những hồ sơ liên quan để xin mở rộng VIPUA. Tiếp sau đó, ông cũng vinh dự được giao trọng trách làm hồ sơ để xin thành lập Hiệp hội chung ngay từ những năm 2007. 

Hiệp hội Đại học và Cao đẳng Việt Nam sẽ có thế và lực mới ảnh 1

Ông Nguyễn Đăng Khoa-Chánh Văn phòng Vipua. Ảnh Xuân Trung

Cho tới bây giờ, trải qua gần 7 năm để ra đời Hiệp hội chung và cũng có nhiều vất vả nhưng ông Khoa cho rằng rất vui vì việc ra đời Hiệp hội chung sẽ có những tiền đề tích cực cho sự nghiệp giáo dục đại học nước nhà.

Theo ý kiến ông Khoa, hiện đã có Quyết định thành lập Hiệp hội chung, Hiệp hội đã ra đời nhưng để đưa Hiệp hội hoạt động tích cực, phục vụ cho sự nghiệp giáo dục đại học được tốt thì còn phụ thuộc vào cả một quá trình phấn đấu. 

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của VIPUA, ông Nguyễn Đăng Khoa cho biết, bất cứ cái gì tồn tại cũng đều có lý do của nó. VIPUA muốn tồn tại được phải đóng góp những ý kiến có lợi cho sự nghiệp phát triển giáo dục đại học. Thừa nhận, trong thời gian qua VIPUA đã đóng góp những ý kiến được các cơ quan quản lý tiếp nhận và đưa vào để điều chỉnh các chủ trương, chính sách, đó là một điều phấn khởi. 

Hiệp hội Đại học và Cao đẳng Việt Nam sẽ có thế và lực mới ảnh 2

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục mong gì ở Hiệp hội lớn?

(GDVN) - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam sẽ đại hội thành lập trong vài ngày tới, nơi hội tụ các trường trong cả nước vì mục tiêu cho nền giáo duc phát triển

Tuy nhiên, trong quá trình vận hành của mình, VIPUA cũng đã cố gắng làm tốt vai trò đóng góp ý kiến. Nhưng, trong những trường hợp nhất định đôi khi những phần đóng góp tuy được nhiều người ủng hộ nhưng việc tiếp thu có phần chậm chễ, thậm chí là không được tiếp thu. 

 “Phương châm của VIPUA thuyết phục thì phải kiên trì, do đó chúng tôi tiếp tục làm việc và mong sẽ đạt được những hiệu quả tốt hơn” ông Khoa khẳng định.

Chánh Văn phòng Nguyễn Đăng Khoa cũng cho biết, từ VIPUA sang đến Hiệp hội chung cũng giống như từ “sông” ra “biển”, vai trò của sông và biển cũng quan trọng. Trước đây nhiều việc của VIPUA do ít thành viên không thể làm được thì nay “ra biển” sẽ có điều kiện tốt hơn để giải quyết những việc có tầm cao hơn, vĩ mô hơn. 

“VIPUA cũng đã làm việc hết sức mình, với các lãnh đạo của VIPUA ngay từ đầu đã rất tâm huyết, nhiệt tình, làm việc nhưng không nghĩ tới chuyện đòi hỏi quyền lợi hay chế độ” ông Khoa bày tỏ.

Trước khi Đại hội lần thứ nhất của Hiệp hội chung, ông Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ với các trường hội viên, với hơn 300 trường tham gia thì đó là  một sức mạnh thống nhất. Nếu có bộ máy gọn nhẹ, có năng lực, có đủ tầm thì sẽ phát huy được thế mạnh của Hiệp hội.

“Tôi mong muốn Hiệp hội  tiếp tục được những ý tưởng mà VIPUA trước đây đã đặt ra – làm tốt vai trò phản biện để đóng góp những ý kiến tốt nhất, thiết thực nhất cho chủ trương, chính sách về giáo dục đại học, tạo điều kiện cho giáo dục đại học phát triển” ông Khoa mong  muốn.

Hiệp hội chung ra đời sẽ giúp nhiều việc cho Bộ GD&ĐT

Trò chuyện thêm với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đặng Văn Định – nguyên Phó Chánh văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục nhắc lại quá khứ thành lập Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập như một lẽ đương nhiên, bởi nền kinh tế thị trường phát triển, đa dạng thì nền giáo dục cũng phải chuyển mình theo. 

Trong nền kinh tế thị trường có nhiều thách thức tới nền giáo dục đại học, giáo dục đại học xưa kia chỉ cho một bộ phận nhỏ, nhưng hiện nay đã mang tính chất đại chúng. Buộc giáo dục đại học phải đổi mới. 

“Với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đây là cơ quan ngôn luận hỗ trợ đắc lực cho VIPUA, báo cũng đã có hàng nghìn bài về giáo dục, chúng tôi rất trân trọng,  báo có tiếng nói, bài viết kịp thời và nội dung tốt giúp cho VIPUA và Bộ GD&ĐT trong việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Ông Nguyễn Đăng Khoa đánh giá. 

Ông Định cho rằng, những người làm công tác giáo dục mặc dù đã cố gắng rất nhiều nhưng đâu đó cảm giác vẫn chậm, kinh nghiệm quản lý giáo dục cũng có mức độ.

Trong lúc xã hội phát triển như vậy thì rất cần có một tổ chức tham gia phản biện xã hội, phản biện xã hội trong giáo dục đại học không hội nào làm tốt hơn Hiệp hội của các trường Đại học, Cao đẳng.

Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Ngoài công lập ra đời trong điều kiện khó khăn, thành viên ít, tự hoạt động và không được đầu tư. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Định, Hiệp hội đã làm được rất nhiều việc, 

đặc biệt trong việc phản biện xây dựng chính sách.

Ông Đặng Văn Định cũng tin tưởng, với vài chục trường ở VIPUA đã làm tốt những việc của mình thì việc ra nhập Hiệp hội chung vài trăm trường sẽ làm tốt hơn vai trò của mình. Đây cũng là cơ hội để các nhà quản lý ngồi lại với nhau, nhiều nhà khoa học có kinh nghiệm, cùng nhau chia sẻ, bình luận, góp ý để giúp Bộ GD&ĐT hoàn thiện các chính sách. 

Ông Nguyễn Đăng Khoa cũng nêu quan điểm, khi các trường gia nhập Hiệp hội chung sẽ có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và quan trọng là ý kiến đóng góp được nhiều hơn. Các trường có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quản trị đại học từ các trường ngoài công lập. 

Xuân Trung