Mỹ, Nhật, Đài Loan sẽ có đòn đáp trả S-400 từ Trung Quốc

17/12/2014 09:01
Việt Dũng
(GDVN) - Nếu mua S-400, "bóng ma" sẽ bao phủ lên bầu trời Đài Loan và đảo Senkaku, nhưng Mỹ, Nhật, Đài Loan chắc chắn có những "đòn sát thủ" đáp trả.
Hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 Nga
Hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 Nga

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 16 tháng 12 dẫn trang mạng "Tin tức Quốc phòng" Mỹ ngày 6 tháng 12 đăng bài viết "Bóng ma S-400 đến gần Đài Loan".

Theo bài viết, mối đe dọa đối mặt với tên lửa đất đối không Trung Quốc của máy bay chiến đấu F-16 Đài Loan ngày càng lớn. Mối đe dọa mới nhất và cũng nghiêm trọng nhất là hệ thống tên lửa đất đối không cơ động đường bộ S-400 tầm bắn 400 km do Nga bán cho Trung Quốc.

Cục hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga có bài viết ngắn gọn về hợp đồng này trên truyền thông tiếng Nga, nhưng chuyên gia quân sự Vasilii Cashin thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Moscow nói: "Lý giải của tôi là, bài báo cơ bản là thật".

Bài báo trên truyền thông Nga cho biết, Trung Quốc và Nga đã ký kết một hợp đồng trị giá 3 tỷ USD, mua sắm 6 tiểu đoàn tên lửa S-400. Loại tên lửa này là phiên bản nâng cấp của S-300. Hiện nay, loại tên lửa Trung Quốc triển khai ở các đô thị lớn và khu vực duyên hải đối mặt với Nhật Bản và Đài Loan chính là tên lửa S-300.

Cashin đã tham gia Triển lãm hàng không Chu Hải tổ chức trước đó không lâu tại Trung Quốc. Ông nói, loại tên lửa đất đối không này tầm bắn đạt 400 km, nếu triển khai ở tỉnh Phúc Kiến sẽ có thể bao trùm toàn bộ vùng trời Đài Loan, từ đó cuối cùng giải quyết "vấn đề ưu thế trên không" của Trung Quốc.

Hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 Nga
Hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 Nga

Nếu Trung Quốc lựa chọn tên lửa S-400 triển khai ở tỉnh Sơn Đông, có thể bao trùm vùng trời đảo Senkaku. Cashin nói: "Đây lại là một loại năng lực bất đối xứng, cộng với tên lửa đạn đạo chống hạm, điều này sẽ làm cho tiềm lực ứng phó với các cuộc xung đột cục bộ ở Đông Á của Trung Quốc được nâng lên".

Một số nhân tố cũng cho thấy Trung Quốc chuẩn bị triển khai S-400, uy hiếp vùng trời biển Hoa Đông, chẳng hạn tháng 11 năm 2013, Trung Quốc tuyên bố (đơn phương) lập ra Vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông, đảo Senkaku đã nằm trong vùng nhận dạng này.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Paul Jarrah, Công ty tư vấn cải cách và chiến lược toàn cầu cho rằng: "Xét tới tầm bắn rất xa và năng lực tác chiến điện tử có hiệu quả của S-400, đây là một trang bị làm thay đổi cục diện". S-400 "có thể biến trang bị phòng thủ thành trang bị tấn công, mở rộng ô bảo vệ chống can thiệp/ngăn chặn khu vực của Trung Quốc tới lãnh thổ đồng minh Mỹ và vùng trời vùng biển quốc tế".

Cựu cố vấn cấp cao Bộ Quốc phòng Đài Loan, York Trần cho rằng, S-400 sẽ giúp cho Trung Quốc có lòng tin vào việc kiểm soát không phận Đài Loan, cũng sẽ là một nhân tố then chốt của Trung Quốc dùng để tấn công lực lượng phòng không Đài Loan khi nổ ra chiến tranh.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35B do Mỹ chế tạo
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35B do Mỹ chế tạo

Sau khi khai chiến, tên lửa đất đối đất của Trung Quốc sẽ phá hủy trước căn cứ không quân và đường băng của Đài Loan, sau đó S-400 tấn công những máy bay chiến đấu còn lại (cất cánh trước) và máy bay chiến đấu đến viện trợ Đài Loan của Mỹ và Nhật Bản.

York Trần ủng hộ mua máy bay cất cánh cự ly ngắn, hạ cánh thẳng đứng như máy bay chiến đấu F-35B và V-22 Osprey dùng để vận chuyển vật tư và nhân viên. Trung Quốc đã triển khai 1.300 quả tên lửa tầm ngắn ngắm chuẩn Đài Loan. Một khi khai chiến với Trung Quốc, căn cứ không quân sẽ bị phá hủy hoàn toàn trong thời gian ngắn.

Nhà nghiên cứu Iain Easton, Viện nghiên cứu Chương trình 2049 cho rằng, vụ mua bán tên lửa đất đối không tiềm năng này của Trung Quốc có tầm quan trọng đối với chương trình tự vệ của Đài Loan, bao gồm chương trình máy bay không người lái tàng hình, chương trình tên lửa hành trình HF-2E và chương trình vũ khí ngoài khu vực phòng thủ liên hợp Vạn Kiếm bắn trên không.

Iain Easton nói: "Đài Loan cũng có nhu cầu thiết thực - tác chiến lượng lớn tên lửa đạn đạo giá rẻ. Trên phương diện này, năng lực khoa học công nghệ của Đài Loan chắc chắn đã có, nhưng Đài Loan đã che giấu kín đáo những chương trình này.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Hải quân Mỹ mang theo tên lửa Harpoon
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Hải quân Mỹ mang theo tên lửa Harpoon

Paul Jarrah cho rằng, do vấn đề giá thành, vai trò của các hệ thống phòng không hữu hiệu như S-400 rất lớn. Giá thành của hệ thống tên lửa đất đối không thấp hơn nhiều đối tượng bắn rơi của nó – tức máy bay có người lái và không người lái, trong khi đó tầm bắn xa của S-400 làm cho ưu thế này tăng lên gấp bội.

Ông nói: "Không có biện pháp ứng phó có hiệu quả, máy bay không thể tới gần duyên hải Trung Quốc, điều này làm cho tuyên bố không cho phép tiến hành hoạt động giám sát ở vùng đặc quyền kinh tế do Trung Quốc đưa ra có sức nặng tăng mạnh".

Trung Quốc kiên quyết yêu cầu máy bay quân sự Mỹ chấm dứt bay ở vùng đặc quyền kinh tế, bắt đầu từ năm 2001 quấy rối máy bay quân sự và tàu chiến Mỹ. Tháng 8 năm 2014, một máy bay chiến đấu J-11 Trung Quốc đã quấy rối máy bay tuần tra trên biển P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ ở lân cận đảo Hải Nam.

Easton cho rằng, mặc dù tên lửa đất đối không tiên tiến tạo ra mối đe dọa đối với khu vực này, nhưng tin tưởng Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ có biện pháp kiềm chế nó. Bao gồm tiến hành tác chiến điện tử, khóa vị trí radar, đồng thời sử dụng tên lửa chống bức xạ tiêu diệt.

Tên lửa chống hạm Hùng Phong-3 Đài Loan
Tên lửa chống hạm Hùng Phong-3 Đài Loan

Ông nói: "Chỉ cần nó mở radar tầm xa sẽ lập tức bị thiết bị tình báo tín hiệu (SIGINT) được Đài Loan bố trí trên đảo Đông Dẫn và đảo Mã Tổ đánh chặn. Loại tên lửa này cũng rất dễ bị thiết bị SIGINT của Mỹ-Nhật bố trí ở Okinawa và các đảo xung quanh do thám, nhận biết, huống hồ còn có tàu ngầm thu thập SIGINT liên hợp bố trí ở ven bờ biển Trung Quốc - còn có máy bay có người lái và không người lái tuần tra ở biển Hoa Đông".

Một quan chức Bộ Quốc phòng Đài Loan cho rằng, mặc dù S-400 là tên lửa cơ động đường bộ, nhưng dự đoán Trung Quốc sẽ triển khai chúng ở địa điểm cố định, giống như tên lửa đất đối không S-300 trước đây. Ông nói: "Loại thói quen này làm cho chúng không chịu nổi một cuộc tấn công, ngoài ra không có loại tên lửa đất đối không nào hoàn hảo, tên lửa đất đối không kiểu Nga càng như vậy".'

Đài Loan cũng có tên lửa kiềm chế Trung Quốc, chẳng hạn tên lửa đất đối không Thiên Cung-2 và Thiên Cung-3, tên lửa hành trình Hùng Phong-2E. Ông nói, Đài Loan còn đang nghiên cứu chế tạo tên lửa chống hạm Hùng Phong-2 tầm bắn lớn hơn, tầm bắn là 250 km, hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Lâm Trung Bân cho rằng, tên lửa S-400 là "thành viên mới của dòng trang bị mang tính lật đổ không ngừng bổ sung bắt đầu xuất hiện 10 năm trước". Lâm Trung Bân từng làm phó chủ nhiệm Ủy ban Đại lục của Đài Loan.

Tên lửa phòng không Thiên Cung-3 Đài Loan
Tên lửa phòng không Thiên Cung-3 Đài Loan

Ưu thế của Đài Loan trước Trung Quốc bắt đầu giảm đi từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước. Kết quả là, chiến lược tác chiến đối với Đài Loan của Trung Quốc "từ tác chiến tiêu diệt chuyển thành tác chiến làm tê liệt".

Lâm Trung Bân cho rằng, hiện nay, hành động quân sự đối với Đài oan dựa trên "tác chiến làm tê liệt" cũng không đứng đầu trong rất nhiều sự lựa chọn của Bắc Kinh, bởi vì Bắc Kinh còn có rất nhiều thủ đoạn khác, đó là những "công cụ ngoài quân sự" (kinh tế, truyền thông, ngoại giao và tâm lý), cuối cùng đưa Đài Loan "hòa nhập" vào Trung Quốc.

Việt Dũng