Năm 2014: Vấn đề xã hội nào bức bối nhất?

24/12/2014 07:30
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Quan chức Quốc hội nói về các vấn đề bức bối, đáng lo ngại nhất trong năm 2014 và những kỳ vọng trong năm mới - 2015.

Trước thềm năm mới, Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về những vẫn đề nóng của năm 2014.

Nhìn lại năm 2014 sắp qua, theo ông những vấn đề xã hội nào đáng quan tâm nhất?

Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nói về những vấn đề nóng của năm 2014
Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nói về những vấn đề nóng của năm 2014

Theo tôi, năm 2014 về các vấn đề xã hội có những điểm đáng chú ý sau. Thứ nhất, Quốc hội đã xem xét , thảo luận và thông qua một số luật rất quan trọng, trong đó có Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, bổ sung; luật an toàn lao động; luật Dược…

Những luật này đã có những quy định chính sách mới. Chẳng hạn, luật bảo hiểm xã hội đã quyết định mở rộng đối tượng được tham gia bảo hiểm xã hội, kể cả bảo hiểm xã hội bắt buộc  và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đáng chú ý có thêm các đối tượng cũng được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như lao động hợp đồng dưới 3 tháng, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã…

Ngoài ra, để đảm bảo các yếu tố bình đẳng giữa nam và nữ đối với cán bộ chuyên trách và không chuyên trách ở cấp xã, luật đảm bảo thời gian đóng bảo hiểm xã hội cũng chỉ 15 năm thì sẽ được hưởng chế độ hưu trí cũng như các bảo hiểm khác.

Ông đánh giá thế nào về mức sống của người lao động trong năm 2014 so với các năm trước đó?

2014 là năm nền kinh tế của chúng ta tiếp tục phải vượt qua nhiều khó khăn. Chúng ta đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận như kinh tế đã đảm bảo được sự ổn định vĩ mô, đặc biệt lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế ở mức tương đối hợp lý – khoảng 5,8%.

Nhiều doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn này đã chứng tỏ được năng lực cũng như sự phát triển bền vững của mình. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng do tác động của tình hình kinh tế khó khăn cho nên cũng rất nhiều doanh nghiệp bị giải thể, tạm ngừng hoạt động, thậm chí phá sản dẫn tới việc nhiều lao động bị mất việc. Cũng do tình hình khó khăn nhiều doanh nghiệp có thu nhập giảm, đời sống của người lao động ở một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Cũng trong năm 2014, chúng ta đã chứng kiến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển của ta. Sự việc này đã gây khó khăn cho một số doanh nghiệp. Theo tôi được biết một số dự án đầu tư đã phải tạm dừng vì dàn khoan Hải Dương 981 này. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có liên quan đến đầu tư của Trung Quốc cũng đã phải giảm quy mô hoặc có điều chỉnh. Rõ ràng điều đó gây ảnh hưởng không tốt tới không chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn gây khó khăn cho đời sống của người lao động.

Đó đã phải là những vấn đề xã hội đáng lo ngại, bức bối nhất chưa thưa ông?

Khu KTX sinh viên tập trung tỉnh Lâm Đồng được xây dựng đồ sộ nhưng không bóng người. Ảnh: Quỳnh Anh
Khu KTX sinh viên tập trung tỉnh Lâm Đồng được xây dựng đồ sộ nhưng không bóng người. Ảnh: Quỳnh Anh

Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề đáng lo ngại hơn như chuyện doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giảm quy mô, giải thể, thậm chí phá sản. Còn về các vấn đề bức bối nhất, tôi cho rằng đó là việc đầu tư lãng phí trong phát triển kinh tế.

Những dự án như dự án ký túc xá cho sinh viên ở Lâm Đồng với vốn đầu tư 1082 tỉ đồng, nhưng chỉ có một sinh viên đến ở là rất lãng phí. Ngoài ra có thể kể đến sự lãng phí khi đầu tư xây dựng một số khu nhà ở xã hội hay một số công trinh giao thông ở Hà Nội.

Một vấn đề nữa cũng gây bức xúc trong dư luận và được nhiều đại biểu quốc hội đề cập tới là sự bùng nổ của các tệ nạn xã hội, đặc biệt ở TP. HCM. Theo luật xử lý vi phạm hành chính, quy trình xử lý người nghiện để đưa đi cai nghiện tập trung đòi hỏi phải có sự đổi khác so với trước đây.

Tuy nhiên, từ trước tới nay các thủ tục của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu đó thậm chí còn quá rườm rà nên tại TP. HCM, vào cuối năm nay tình trạng người nghiện không có nơi cư trú đã trở thành vấn đề xã hội rất nóng. Trước thực trạng đó, dựa trên đề xuất của đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM, Quốc hội đã ra nghị quyết để xử lý như sau: Quốc hội đã đồng ý đưa những người nghiện không có nơi cư trú vào các cơ sở cai nghiện tập trung. Đến thời điểm này, TP. HCM đã nhanh chóng triển khai thực hiện nghị quyết trên và tình hình đã có những chuyển biến tốt hơn.

Về tỉ lệ thất nghiệp, việc xóa đói giảm nghèo, theo đánh giá của ông, chúng ta đã có những chuyển biến gì so với trước?

Như tôi đã nói ở trên, do tình hình kinh tế khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản còn cao nên một bộ phận không nhỏ người lao động vẫn trong tình trạng thất nghiệp. Cụ thể, gần 100.000 lao động đã tốt nghiệp đại học trở lên vẫn chưa có việc làm.

Về việc giảm nghèo, theo đánh giá của Quốc hội trong những năm qua chúng ta đã đạt được những thành quả rất ấn tượng, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh, đạt hoặc vượt chỉ tiêu mà nghị quyết quốc hội đề ra.

Tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, theo báo cáo, dự kiến trong năm nay, tỉ lệ hộ nghèo sẽ giảm thêm được 1,8%. Như vậy là đã đạt được mục tiêu đề ra.

Cũng theo nghị quyết Quốc hội, trong năm 2014 và năm 2015 Chính phủ, các bộ nghành cũng phải triển khai, thực hiện một số công việc để đảm bảo mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Cũng trong năm tới, Chính phủ sẽ xây dựng “chuẩn nghèo” để tiếp cận theo hướng đa chiều nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu và đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản. Dự kiến tới cuối năm 2015 sẽ phải công bố được tỉ lệ hộ nghèo theo “chuẩn” mới này.

Theo ông, nợ công, việc hụt thu ngân sách… sẽ ảnh hưởng thế nào đến đời sống của người lao động trong thời gian tới?

Nợ công đang có rất nhiều biểu hiện đáng lo, gần chạm tới mức trần mà chúng ta đánh giá là sẽ không an toàn – 65% GDP. Đến cuối năm 2013 nợ công đã vượt trên 60% GDP. Theo báo cáo của Chính phủ, đến cuối năm 2015 nhiều khả năng nợ công sẽ chạm mức 64,9% GDP.

Thực tế, nợ công đang tăng rất nhanh, nhiều khoản chúng ta vẫn chưa tính hết. Trong đó có nợ của các doanh nghiệp nhà nước, nợ bảo hiểm xã hội… Nếu tính đầy đủ, tôi nghĩ nợ công của chúng ta còn cao hơn nữa.

Nợ công, hụt thu ngân sách… chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng xấu tới thu nhập, đời sống của người dân.

Dịp tết năm nay, theo tôi đời sống của người lao động ở các vùng nghèo sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Ông kỳ vọng gì vào năm 2015 sắp tới?

Đó sẽ là năm mà chúng ta phải hoàn thành nhiều chỉ tiêu kinh tế đã đề ra trong cả giai đoạn 2011 – 2015. Mong rằng chúng ta sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,2%, tạo đà cho giai đoạn tiếp theo, góp phần cải thiện đời sống của người dân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

PHONG NGUYÊN