Cơ trưởng VNA ấn nhầm nút khủng bố: An toàn hàng không đang “nhờn thuốc"

22/12/2014 13:25
TS Trần Đình Bá
(GDVN) - “Nguy cơ mất an toàn trong hàng không ngày càng nghiêm trọng và nguy cơ “nhờn thuốc”, TS Trần Đình Bá nhận định về sự cố máy bay Vietnam Airlines vừa qua.

Vụ việc máy bay của Vietnam Airlines (VNA) mang số hiệu VN1266 gặp sự cố kỹ thuật tuy nhiên cơ trưởng lại bấm nhầm nút khủng bố vừa qua vẫn đang đặt ra dấu hỏi lớn về an toàn hàng không của VNA. Liên quan vấn đề này TS Trần Đình Bá - Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã có bài viết đánh giá mức độ nghiêm trọng sự cố trên.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi đến độc giả bài viết của TS Trần Đình Bá dưới đây:

Công tác an toàn bay chưa được coi trọng

Như thông tin báo chí đưa, chiếc máy bay A321 mang số hiệu VN1266, xuất phát từ TP.HCM đi Vinh khởi hành lúc 17 giờ 12 phút, khi đến gần sân bay Vinh đã gặp trục trặc kỹ thuật. Áp suất trong khoang giảm đột ngột, máy bay phải hạ độ cao khẩn cấp từ 35.000 feet (tương đương khoảng 11.000 m) xuống 13.000 feet (tương đương khoảng 4.000 m), mặt nạ dưỡng khí bung ra để trợ giúp hành khách và phi hành đoàn.

Cơ trưởng là ông Pechanec Marek, quốc tịch Séc đã xin hạ cánh khẩn cấp tại Nội Bài để có điều kiện trợ giúp tốt nhất. Máy bay cùng toàn bộ 135 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài lúc 19 giờ 15 phút.

Sự cố máy bay Vietnam Airlines gặp sự cố kỹ thuật vừa qua cho thấy công tác an toàn bay chưa được coi trọng - Ảnh minh họa
Sự cố máy bay Vietnam Airlines gặp sự cố kỹ thuật vừa qua cho thấy công tác an toàn bay chưa được coi trọng - Ảnh minh họa

Ngay sau đó phát ngôn viên của Vietnam Airlines (VNA) đã bác bỏ hoàn toàn thông tin máy bay gặp sự cố khủng bố mà giải thích máy bay phải chuyển hướng hạ cánh từ sân bay Vinh sang Nội Bài là do cơ trưởng đã ấn nhầm nút khủng bố (7500) thay vì phải ấn nút khẩn nguy (7700) khi hạ độ cao, khiến máy bay bị đặt vào tình huống khủng bố.

Rõ ràng, đây không phải là sự cố hy hữu phải hạ cánh khẩn cấp mà hàng không nước ta đã xảy ra như “cơm bữa” nhất là trong thời gian gần đây. Máy bay hạ cánh nhầm sân bay, nhầm đường băng, vừa cất cánh đã phải hạ cánh vì trục trặc… Còn nhớ theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2012, có tới 500 vụ đe dọa an ninh, an toàn bay thì sự cố vừa qua cứ như là “chuyện thường ngày”.

Trước đó không lâu vụ máy bay hạ cánh xuống Vinh mất liên lạc với đài điều khiển không lưu tới hơn 15 phút phải vòng nhiều lần trước khi hạ cánh, nay lại sự cố này. Rất may không xảy ra mất an toàn về tính mạng con người.

Trở lại sự cố vừa qua, về nguyên lý, máy bay bay càng cao sẽ  thiếu ô xy và áp suất giảm nên hệ thống điều áp và điều khí là rất quan trọng, nếu trục trặc là đe dọa tính mạng toàn bộ phi hành đoàn và hành khách. Con người có thế nhịn đói 7-9 ngày không ăn nhưng thiếu dưỡng khí (ôxy) là chết sau vài phút. Vì vậy quy trình đảm bảo dưỡng khí trên máy bay hết sức nghiêm ngặt.

Ông Trần Đình Bá - Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.
Ông Trần Đình Bá - Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.

Về nguyên tắc, khi gặp sự cố này cơ trưởng phải báo về trung tâm và tìm sân bay gần nhất để đáp xuống sử lý ngay. Trước đó từng xảy tra trong chuyến bay HN-TP.HCM tháng 5/2012 khiến phí hành đoàn phải cho máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Đà Nẵng trong tình trạng thiếu dưỡng khí và nhiều người lúc đó đã ngất xỉu, nếu kéo dài vài chục phút từ Vinh đến Nội Bài thì quả thực hết sức nguy hiểm.  

Sự cố này diễn ra cho thấy công tác an toàn bay vẫn chưa được coi trọng và thực sự lúng túng khi xử lý sự cố.

Nhiều uẩn khúc

Một vấn đề nữa, trong sự cố vừa qua có nhiều uẩn khúc phải chờ cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc. Cụ thể việc trục trặc kỹ thuật làm giám áp buồng kín là phải đáp xuống ngay sân bay gần nhất để cấp cứu như trường hợp 5/2012 đáp xuống Đà Nẵng. Nhưng ở đây cho rằng do bầm nhầm “nút  khẩn nguy 7700”  lại nhầm qua “nút khủng bố 7500” đây là chuyện... không tưởng, nó lặp lại kịch bản như vụ máy bay hạ cánh nhầm sân bay.

Việc ấn nút hay không ấn nút, nhầm hay không nhầm thì quá trình bay thông tin từ máy bay và mặt đất là Vinh và Nội Bài đều giữ được liên lạc thông tin hai chiều thì tại sao lại có chuyện nhầm? Trách nhiệm của cơ trưởng, tổ lái, Đài chỉ huy sân bay, điều hành không lưu ở đâu?

Kéo dài thời gian bay rất lâu trên bầu trời từ Vinh đến Nội Bài hàng chục phút là tăng nguy cơ mất an toàn, cực kỳ nguy hiềm cho toàn bộ máy bay. Bay đến Nội Bài rồi phải điều một chuyến bay từ Nội Bài về Vinh càng gây tốn kém...

Sự cố vừa qua của Vietnam Airlines phải được xem là rất nghiêm trọng vì lần này là vừa trực trặc kỹ thuật an toàn, vừa ấn nút nhầm, vừa hạ cánh trong điều kiện cưỡng bức phải kéo dài thời gian trên bầu trời trong điều khiện thiếu dưỡng khí, lại còn chịu tiếng bị đe dọa không tặc gây ảnh hưởng lớn đến hình ảnh hàng không Việt Nam và gây hoang mang lo lắng cho hành khách khi đi máy bay.

Với sự cố vừa qua một lần nữa cho thấy nguy cơ mất an toàn trong hàng không ngày càng nghiêm trọng và có nguy cơ “nhờn thuốc”.

TS Trần Đình Bá