"Có đồng chí nhân cơ hội họp Quốc hội làm việc khác"

23/12/2014 20:45
Ngọc Quang
(GDVN) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói thẳng như vậy trong phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay.

Đánh giá kết quả kỳ họp thứ 8, cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội cho biết, chuyện đại biểu vắng không thể khắc phục hết được, vì các đại biểu cũng gánh vác nhiều trách nhiệm, phải xử lý nhiều công việc, nhưng dù sao cũng phải ưu tiên tối đa cho nhiệm vụ tại Quốc hội.

"Có đồng chí tôi thấy hoàn toàn có thể họp được, có lúc vắng, có lúc này lúc khác, lúc cần thôi. Có đồng chí nhân cơ hội họp Quốc hội làm việc khác. Có đồng chí còn đi nước ngoài. Đấy là hiện tượng dư luận không đồng tình”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ đồng thời yêu cầu Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội theo dõi sát hơn vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc nhở, có một số phát biểu gây phản cảm trong kỳ họp cũng phải rút kinh nghiệm.

“Lời nói không mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Nói căng thẳng, chì chiết, xúc phạm đến người khác thì không được, chỗ này cần phải rút kinh nghiệm”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở, Đại biểu Quốc hội vắng họp quá nhiều là chuyện dư luận không đồng tình.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở, Đại biểu Quốc hội vắng họp quá nhiều là chuyện dư luận không đồng tình.

Bên cạnh đó, đề cập tới dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, Chủ tịch Quốc hội cũng nói rõ: "Vấn đề thứ nhất là sân bay Tân Sơn Nhất có dứt khoát không mở rộng được không, đấy là một câu chuyện phải giải trình; Vấn đề thứ hai là tách hai đoạn như vậy thì tổng thế nó thế nào, chứ không phải là tính có một khúc; Thứ ba là sơ đồ tài chính yên tâm thế nào? Sơ đồ tài chính ở đây không chỉ riêng cho cái ông này mà còn phải tính chung cho tổng thể quốc gia thì mới dám quyết, bởi vì 18 tỷ USD chứ không phải ít; Thứ tư là vấn đề kỹ thuật; Rồi dự kiến tiến độ thời gian khởi công, thời gian hoàn thành thế nào để hiệu quả".

Cùng quan điểm với Chủ tịch Quốc hội, ông Uông Chu Lưu – Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nói rằng, số đại biểu biểu vắng tại các phiên họp quá nhiều.

“Có những phiên họp nhìn từ trên đoàn chủ tịch xuống có những chỗ vắng rất nhiều, báo chí cũng đã nêu. Đến cuối kỳ họp, phóng viên đã hỏi các đồng chí có trách nhiệm về chuyện này, cách quản lý thế nào mà để đại biểu vắng nhiều thế? Có đảm bảo quy chế không, có đảm bảo nguyên tắc không? Tôi đề nghị là chỉ trừ những trường hợp đặc biệt thôi, còn anh phải làm nhiệm vụ đại biểu”, ông Lưu nói.

Trước đây, tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội - bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã từng đặt vấn đề: Điểm danh đại biểu Quốc hội.

Chuyện quá nhiều Đại biểu Quốc hội vắng mặt tại các kỳ họp, nhất là vào những phiên thảo luận, thông qua luật hoặc bộ luật sửa đổi ít nhiều đều có ảnh hưởng.

Việc các Đại biểu Quốc hội vắng quá nhiều cũng tạo nên những hình ảnh phản cảm với nhân dân, bởi vì người dân không hề biết đại biểu mà mình tin tưởng bầu ra vì sao lại vắng mặt.

Dự kiến dành 28,5 ngày cho kỳ họp thứ 9

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII dự kiến diễn ra trong 28,5 ngày.

Trong đó, tổng số ngày dự kiến Công tác xây dựng pháp luật 21 ngày; xem xét thông qua 11 dự án luật và 1 nghị quyết gồm: Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi); Luật ban hành văn bản pháp luật; Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật thú y; Luật an toàn, vệ sinh lao động; Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

Quốc hội sẽ ngăn chặn tình trạng bấm nút hộ. Ảnh: TTBC.
Quốc hội sẽ ngăn chặn tình trạng bấm nút hộ. Ảnh: TTBC.

Kỳ họp thứ 9 dự kiến dành thời gian cho ý kiến 15 dự án luật gồm: Bộ luật dân sự (sửa đổi); Bộ luật hình sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật tạm giữ, tạm giam; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật trưng cầu ý dân; Luật biểu tình; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán; Luật thống kê (sửa đổi); Luật an toàn thông tin; Luật phí, lệ phí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam.

Ngoài ra, còn có các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (dự kiến 6,5 ngày) cho 2 nhóm vấn đề:

Thứ nhất, xem xét các báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013

Thứ hai, Quốc hội giám sát tối cao Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

Ngọc Quang