5 nhóm thực phẩm mang mầm ung thư phổ biến nhất bạn cần tránh

24/12/2014 07:00
Phạm Ngà
(GDVN) - Nhìn lại những loại thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày,nhiều loại tốt cho sức khỏe nhưng cũng có không nhỏ trong số đó mang đến nguy cơ tiềm tàng gây ung thư.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, hơn một triệu người dân nước này bị ung thư mỗi năm.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư bao gồm yếu tố di truyền, các yếu tố lối sống như hút thuốc lá, chế độ ăn uống và hoạt động thể chất, một số loại bệnh nhiễm trùng và phơi nhiễm môi trường đối với hóa chất.

Hãy nhìn lại những loại thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày, có rất nhiều loại tốt cho sức khỏe, phòng tránh bệnh tật nhưng cũng có không nhỏ mang đến nguy cơ tiềm tàng gây ung thư.

Các loại đồ ăn đóng hộp

Nhiều chất khác nhau được thêm vào với mục đích thương mại hóa thực phẩm chế biến, chẳng hạn như màu nhân tạo, hương vị hóa học, muối, đường hoặc chất làm ngọt nhân tạo.

Những chất này được tích tụ trong cơ thể sẽ gây nên những nguy hại khó lường đối với sức khỏe mỗi người.

Chẳng hạn, thực phẩm nhiều muối, hun khói và được ngâm có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Điều này có thể giải thích tại sao có một tỷ lệ cao người bị ung thư dạ dày ở Nhật Bản, nơi đồ ăn mặn, hay ngâm rất phổ biến.

Một nghiên cứu dịch tễ được công bố tháng 6/2010 trong tạp chí Journal of Clinical Nutrition của Mỹ phát hiện ra rằng một chế độ ăn nhiều muối có thể tăng 10% nguy cơ ung thư dạ dày.

Ngoài ra, màu nhân tạo cũng khiến bạn gặp nhiều rủi ro về sức khỏe.

Khẩu phần nhiều thịt đỏ, thịt chế biến hoặc đồ ăn bị cháy

Thịt đỏ bao gồm thịt bò tươi, thái nhỏ và đông lạnh, thịt cừu hoặc thịt bê.

Tương tự, các loại thịt chế biến cũng dễ gây ung thư nếu chúng ta ăn quá nhiều. Chúng thường là thịt xông khói, giăm bông, xúc xích, pa tê và thịt đóng hộp.

Khi ăn các loại thịt chế biến, bạn gần như chắc chắn tiêu thụ nhiều muối nitrit hoặc nitrat - được thêm vào để giữ màu sắc và kéo dài thời gian bảo quản.

Thật không may, các hợp chất này có thể được chuyển đổi thành nitrosamine – chất gây ra ung thư ở chuột trong phòng thí nghiệm .

Ngoài ra, các loại đồ ăn đã bị cháy có thể sản sinh hóa chất, gây hại cho các tế bào, làm cho chúng nhiều khả năng trở thành ung thư.

Đường

Vai trò của đường trong sự hình thành, phát triển và di căn của tế bào ung thư là một chủ đề thường được bàn luận giữa các cộng đồng khoa học.

Có ý kiến cho rằng đường “nuôi” các tế bào ung thư, ăn các loại thực phẩm có đường làm cho ung thư phát triển nhanh hơn.

Phía quan điểm trái ngược tuyên bố rằng không có nghiên cứu nào chứng minh rằng đường làm cho tế bào ung thư phát triển.

Theo bệnh viện Mayo, đường không làm cho ung thư phát triển nhanh hơn. Tất cả các tế bào, kể cả tế bào ung thư, phụ thuộc vào lượng đường trong máu (glucose).

Tuy nhiên, ăn nhiều đường chắc chắn sẽ khiến chúng ta tăng cân nhanh chóng. Và theo nhiều nghiên cứu, tăng cân hay béo phì có liên quan mật thiết với nguy cơ bị ung thư.

Điều này là do béo phì có thể gây ra những thay đổi trong hormone hoặc insulin, có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú, ung thư đại tràng hay ung thư tử cung.

Khi đọc nhãn thực phẩm, hãy cẩn thận với những cụm tên đường bị ẩn như:  fructose, lactose, sucrose, maltose, glucose, dextrose.

Thực phẩm chiên, khoai tây chiên, đồ ăn nhẹ

Khoai tây chiên và các món ăn nhẹ khác có thể chứa hàm lượng cao acrylamide - một chất gây ung thư hình thành khi thực phẩm được đun nóng ở nhiệt độ cao, chẳng hạn như trong quá trình nướng hoặc chiên.

Việc tiếp xúc lâu dài với acrylamide đã gây ra một loạt các khối u trong các thử nghiệm động vật, tuy chưa xảy ra đối với người.

Một thành phần khác được tìm thấy có thể làm tăng nguy cơ ung thư là các chất béo trans hoặc axit béo trans. 

Chất béo trans không chỉ làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch và tiểu đường tuýp 2, mà còn có liên quan đến bệnh ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới, đứng số 1 trong số các bệnh ung thư ác tính thường gặp nhất ở nam giới Mỹ.

Đồ uống có cồn

Mối liên hệ giữa uống nhiều bia rượu và ung thư là điều không cần tranh cãi.

Rượu có thể làm tăng nguy cơ một số bệnh ung thư, như ung thư gan, ung thư vú, ung thư đại tràng và ung thư vòm họng.

Song song với đó, các nghiên cứu cũng phát hiện ra một số chất trong rượu vang đỏ, như resveratrol, có đặc tính chống ung thư, nhưng uống điều độ là chìa khóa quan trọng.

Các nhà khoa học đều khuyến cáo rằng nên uống rượu ở mức cho phép, không quá 2 ly mỗi ngày đối với nam giới và 1 ly mỗi ngày cho phụ nữ để tránh được tác động xấu của loại đồ uống này.

Phạm Ngà