Năm 2014, "vận đen" của Vinaconex

27/12/2014 11:31
Mai Anh (tổng hợp)
(GDVN) - Chỉ còn ít ngày nữa năm 2014 sẽ khép lại nhìn lại năm qua dường như là năm không mấy sáng sủa của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex).

Ống nước sông Đà liên tục vỡ

Trong hai tháng 6 và 7/ 2014 liêp tiếp xảy ra 3 lần vỡ đường ống nước dẫn nước sạch từ Sông Đà DN1500 bị vỡ, nâng tổng số sự cố vỡ ống nước lên con số 9 lần. Sự cố vỡ liên tục ống dẫn nước sạch đã ảnh hưởng lớn cuộc sống của hàng nghìn hộ dân tại nhiều quận, huyện của Hà Nội, gây bức xúc trong dư luận.

Ngay lần thứ 8 xảy ra vỡ ống nước, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã giao Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng chủ trì, phối hợp Viện Vật liệu xây dựng thực hiện công tác kiểm định xác định nguyên nhân sự cố.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, quan trắc, đo đạc, thí nghiệm, phân tích, tính toán của đơn vị kiểm định, nguyên nhân trực tiếp gây vỡ tuyến ống truyền tải nước Sông Đà được xác định do chất lượng của ống không đồng đều.

Đường ống nước sạch sông Đà đã 9 lần vỡ sau 3 năm sử dụng - Ảnh: Lê Quân
Đường ống nước sạch sông Đà đã 9 lần vỡ sau 3 năm sử dụng - Ảnh: Lê Quân

Bên cạnh đó đường ống đã chịu tác động bất lợi trong quá trình thi công, lắp đặt. Tại một số vị trí xuất hiện tảng đá, bê tông lẫn vào lớp cát đệm xung quanh ống làm mất ổn định của ống. Một số khu vực có hầm chui dân sinh không có các tấm đan bảo vệ ống dẫn đến giảm khả năng chịu tải của tuyến ống trước tác động của tải trọng bên ngoài.

Đang khi cơ quan chức năng đang khắc phục sự cố thì đường ống nước sạch Sông Đà lại tiếp tục xảy ra vỡ lần thứ 9. Chiều 12/7, UBND TP.Hà Nội đã họp khẩn với các sở, ngành, quyết định thi công khẩn cấp tuyến ống mới để bảo đảm cấp nước ổn định cho người dân đang phải sử dụng nguồn nước từ sông Đà.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng dứt khoát: Thành phố hết kiên nhẫn với Tổng Công ty CP Vinaconex, không thể chờ được đơn vị này khởi công tuyến ống mới; đồng thời không thể để đơn vị này tiếp tục "đùa" với cuộc sống của người dân. Vì vậy, thành phố quyết định đầu tư khẩn cấp tuyến ống thứ hai để bảo đảm cấp nước ổn định cho nhân dân.

Cũng sau khi đường ống xảy ra vỡ lần thứ 9, ngày 29/7 Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (C46), đã quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra sự cố vỡ đường ống nước sông Đà vừa qua. Quyết định khởi tố căn cứ theo vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 229-Bộ Luật Hình sự.

Mổ xẻ chất lượng đường ống nước dư luận bất ngờ khi Tổng giám đốc Vinaconex – ông Vũ Quý Hà thừa nhận ống dẫn nước làm bằng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh công nghệ sản xuất ống nước từ Trung Quốc.

Rút lui giải thưởng thương hiệu quốc gia

Bên cạnh sự cố vỡ ống nước, Vinaconex còn bị người lao động kéo băng rôn đòi trả tiền công. Cụ thể ngày 22/8 gần 30 người lao động thuộc các tổ thợ nề, thợ điện nước, thợ cốp pha… đã tập trung trước đại sảnh tòa nhà Tổng Công ty Vinaconex (địa chỉ số 34 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) yêu cầu Tổng Công ty Vinaconex có trách nhiệm về việc Công ty Cổ phần Xây dựng số 15 – Vinaconex (Vinaconex 15, địa chỉ Số 53 Ngô Quyền, phường Máy Chai , quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) nợ hàng tỉ đồng tiền lương người lao động.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sau cuộc họp, anh Nguyễn Văn Hùng (Thanh Trì – Hà Nội) - Tổ trưởng tổ thợ nề một trong số người lao động bị nợ lương cho biết, trong quá trình thi công các công trình, Công ty Vinaconex 15 đã thuê những cánh thợ nề, thợ cốp pha, thợ sắt…vào làm tại các công trình. Tuy nhiên sau đó công ty không trả công cho người lao động, trốn tránh trách nhiệm.

Trong khi trước đó Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Vinaconex cần có biện pháp quản lý, sử dụng vốn, tài sản theo quy định của pháp luật, tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khắc phục tình trạng nợ lương, bảo hiểm xã hội của người lao động.

Sự cố 9 lần vỡ ống nước gây bức xúc trong dư luận cũng là nguyên nhân chính khiến Vinaconex đã tự nguyện rút lui khỏi danh sách thương hiệu quốc gia. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dù 3 lần đạt Thương hiệu Quốc gia, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vẫn xin rút tên khỏi danh sách doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2014 do sự cố trên.

Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh của Vinaconex năm qua cũng không mấy khả quan, theo báo cáo tài chính quý 3 năm 2014 cũng cho thấy, doanh thu của Vinaconex giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2013. Trong quý 3/2014, Vinaconex đạt 2.350 tỷ đồng doanh thu, giảm 350 tỷ so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của Vinaconex đạt 5.907 tỷ đồng, giảm 2.500 tỷ, tương ứng giảm 30% so với 9 tháng đầu năm 2013. Lợi nhuận gộp qua đó giảm từ 1.089 tỷ xuống 693 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính giảm hơn 100 tỷ xuống 125 tỷ đồng, tuy vậy, chi phí tài chính giảm tới 438 tỷ so với cùng kỳ, xuống 170 tỷ đồng. Tính đến 30/9, các khoản nợ phải trả của Vinaconex đạt xấp xỉ 15.200 tỷ đồng, chiếm 68% tổng tài sản. Trong đó, các khoản vay và nợ đạt là 6.000 tỷ đồng.

Tóm lại năm 2014 có thể nói là năm vận đen của Vinaconex khi tình hình kinh doanh khó khăn cộng với những sự cố liên tiếp liên quan chất lượng đường ống nước sông Đà, điều này ảnh hưởng lớn đến thương hiệu của Vinaconex.

Mai Anh (tổng hợp)