The Interpreter: Nếu Trung Quốc gây hấn, Nga có thể được vào Cam Ranh

01/01/2015 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Nga có quyết đoán trong việc hỗ trợ Việt Nam nếu Moscow được phép đặt hải quân hiện diện thường trực tại Cam Ranh hay không? Đó là điều người Việt quan tâm.
Hình minh họa, nguồn: The Interpreter.
Hình minh họa, nguồn: The Interpreter.

Tờ The Interpreter của Viện Lowy ngày 30/12 điểm lại các bài báo nổi bật của mình trong năm 2014, trong đó có bài bình luận của Elliot Brennan cho rằng, Việt Nam đặc biệt quan tâm theo dõi sát cuộc khủng hoảng Crimea. Tác giả phân tích, từ lâu Moscow đã tuyên bố mong muốn có một thỏa thuận với Việt Nam về việc sử dụng vịnh Cam Ranh, một trong những cảng nước sâu tốt nhất trên Biển Đông.

Cuối tháng Hai, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu lần nữa lưu ý rằng, Moscow mong muốn mở rộng sự hiện diện quân sự lâu dài của mình bên ngoài biên giới Nga, kể cả ở Việt Nam. Nga đang hỗ trợ nâng cấp căn cứ quân sự ở vịnh Cam Ranh và xây dựng một cơ sở duy tu bảo dưỡng các tàu hải quân cho mình.

Tuy nhiên một sự hiện diện vĩnh viễn của Nga tại Cam Ranh như một căn cứ hải quân thời Liên Xô trong vòng 23 năm, từ 1985-2005, Moscow vẫn khó có thể nắm bắt. Nga đầu tư vào Việt Nam từ lâu và Moscow là nhà cung cấp vũ khí trang bị quân sự chủ yếu của Việt Nam. Trong những năm gần đây các hoạt động hợp tác quốc phòng song phương được tăng cường.

Nó bao gồm đơn đặt hàng của Việt Nam với 6 tàu ngầm Kilo 636 MV, một chục chiếc máy bay chiến đấu Su-30MK2 và 6 chiến hạm lớp Gepard. Năm 2001 hai nước ký kết quan hệ đối tác chiến lược, năm 2012 Thủ tướng Dmitry Medvedev thăm Việt Nam, năm 2013 Tổng thống Vladimir Putin thăm Việt Nam, trong đó có một làn sóng mới của các thỏa thuận hợp tác được ký kết. Moscow cũng đang khuyến khích Việt Nam tham gia vào Liên minh Hải quan của mình.

Quyết tâm của Nga bảo vệ lợi ích của mình ở bán đảo Crimea, đặc biệt là cơ sở hải quân lớn của Nga được Việt Nam theo dõi chặt chẽ, Elliot Brennan bình luận. Nga có quyết đoán trong việc hỗ trợ Việt Nam nếu Moscow được phép đặt hải quân hiện diện thường trực tại Cam Ranh hay không? Đó là điều người Việt quan tâm.

Có một số quan điểm ở Việt Nam lo ngại về sự hiện diện của một lực lượng quân sự nước ngoài tại Cam Ranh, đồng thời các quốc gia khác cũng lo lắng về sự hiện diện "có ý nghĩa" của Nga ở Biển Đông. Tuy nhiên nhiều người Việt Nam không quên rằng năm 1974 Trung Quốc đã cất quân xâm lược, đánh chiếm nốt 1 nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Ở một mức độ nào đó sự nghi ngờ với Trung Quốc ngày nay vẫn đang tiếp tục.

Nếu Trung Quốc trở nên hung hăng, khiêu khích hơn ở Biển Đông, điều này có thể gây áp lực buộc Việt Nam phải phát triển một đối trọng với ảnh hưởng của Bắc Kinh, một hạm đội hải quân Nga ở vịnh Cam Ranh có thể là một lựa chọn, Elliot Brennan bình luận.

Hồng Thủy