2014 có phải là năm thảm họa của ngành hàng không?

31/12/2014 09:34
Mai Anh
(GDVN) - Năm 2014 chứng kiến những vụ tai nạn máy bay bí hiểm gây thương vong và mất tích hàng trăm người, tuy nhiên máy bay vẫn là phương tiện giao thông an toàn nhất.

Năm 2014 đang được xem là năm thảm họa với hàng không châu Á khi có tới 4 vụ máy bay gặp tai nạn, khiến hơn 700 người chết và mất tích. 3 trong số 4 vụ máy bay gặp tai nạn rơi vào các hãng hàng không của Malaysia, một nước luôn được đánh giá cao về an toàn hàng không. 

Ngày 8/3/2014 chiếc máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines trên lộ trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, Trung Quốc đã bất ngờ biến mất bí hiểm. Từ dữ liệu vệ tinh, giới chức Malaysia tuyên bố MH370 lao xuống biển và không ai trong số 239 hành khách cũng như phi hành đoàn sống sót. Tuy nhiên, dù thực hiện tìm kiếm chuyên sâu ở nhiều vùng biển bằng các thiết bị hiện đại nhưng đến nay vẫn chưa phát hiện dấu vết máy bay.

Mảnh vỡ MH17 nằm trên mặt đất sau tai nạn. Ảnh: AP
Mảnh vỡ MH17 nằm trên mặt đất sau tai nạn. Ảnh: AP

Bốn tháng sau thảm họa của chiếc Boeing 777, tháng 7 năm nay thế giới chứng kiến hai vụ tai nạn hàng không thảm khốc cướp đi sinh mạng 346 người và làm 15 người bị thương. Trong đó có thảm kịch chiếc máy bay số hiệu MH17 bị bắn khi bay qua vùng xung đột giữa quân đội chính phủ Ukraine và các tay súng vũ trang chống đối tính hợp pháp của Kiev.

Sự cố máy bay MH17 bị bắn rơi làm toàn bộ 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn tử nạn. Hà Lan là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất với 193 công dân thiệt mạng.

Những ngày cuối năm 2014, một tin không vui tiếp xảy đến với ngành hàng không thế giới khi chiếc máy bay Airbus A320-200 số hiệu QZ 8501 của AirAsia (một hãng hàng không giá rẻ của Malaysia) đã biến mất khi thực hiện lộ trình từ Indonesia tới Singapore. Hiện việc tìm kiếm chiếc máy bay số hiệu QZ 8501đang được tiến hành với những tín hiệu xấu.

Tất cả con số đó dường như đang hướng đến mệnh đề: Hàng không không còn là phương tiện giao thông an toàn? Và năm 2014 là năm thảm họa với ngành hàng không thế giới?

Tuy nhiên nhận định về điều này, TS Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Hãng Hàng không Hải Âu khẳng định: “Năm 2014 không phải năm tồi tệ nhất của ngành hàng không. Trong lịch sử, năm tồi tệ nhất của hàng không là năm 1972 với 2.429 người chết trên phạm vi toàn cầu”.

Theo TS Lương Hoài Nam, tính cả sự cố máy bay số hiệu QZ8501 số người chết, bị thương mà mất tích khoảng 878 người. Năm được xem an toàn nhất trong lịch sử hàng không là năm 2013 (với chỉ 265 người thương vong sau tai nạn máy bay). Tổng số vụ tai nạn máy bay chết người mấy năm nay khoảng 12-14 vụ mỗi năm, không cao hơn những năm trước.

Máy bay - phương tiện giao thông an toàn nhất hành tinh. Đồ họa: Pinterest.com
Máy bay - phương tiện giao thông an toàn nhất hành tinh. Đồ họa: Pinterest.com

Tuy nhận định 2014 không phải là năm tồi tệ nhất của ngành hàng không nhưng TS Lương Hòa Nam thừa nhận, năm 2014 chứng kiến nhiều vụ tai nạn hàng không bí hiểm chưa rõ nguyên nhân đan xen ở đó là vụ tai nạn thảm khốc.

“Năm nay có 3,3 tỷ lượt khách đi máy bay trên toàn thế giới. Bình quân 1 người chết vì tai nạn máy bay trên 3,8 triệu lượt khách. Tỷ lệ này thấp hơn đi bộ ở Mỹ bị ô-tô đâm chết”, TS Lương Hoài Nam cho biết.

Từ con số trên, TS Lương Hoài Nam vẫn khẳng định hàng không là phương tiện giao thông an toàn hàng đầu.

Đồng quan điểm với TS Nam, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm khoa Hàng không – ĐH Bách khoa TP.HCM cũng khẳng định: “Hàng không là phương tiện an toàn nhất”.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết, phương pháp tính an toàn khi so sánh các phương tiện giao thông theo công thức số người trên số Km đường di chuyển, tức là không phải phương tiện đó chở được bao nhiêu người mà đi trong quãng đường bao nhiêu. Ví dụ có 1.000 người tham gia giao thông trên quãng đường 3.000 Km thì đi hàng không 3 triệu người/Km có xác xuất an toàn cao nhất, tỷ lệ tai nạn rất nhỏ. Đơn vị tính mức độ an toàn người/Km.

Nêu ví dụ về tính an toàn, cẩn trọng của hàng không PGS.TS Nguyễn Thiến Tống cho biết: Gần đây có chuyến bay từ Mỹ đến Sydney (Australia), do sân bay trục trặc không thể hạ cánh xuống được, máy bay được yêu cầu bay và đáp xuống một sân bay phụ cách đó khoảng 200Km. Khi đỗ xuống sân bay phụ, thời gian cho phép tổ lái điều khiển máy bay đã hết, do vậy tổ lái không được phép lái máy bay từ sân bay phụ về sân bay Sydney. Thay vào đó họ điều tổ lái nơi khác đến để lái máy bay về Sydney.

“Nói như vậy để thấy quy định trong an toàn hàng không rất nghiêm ngặt và họ có nhiều biện pháp để ngăn ngừa nguy cơ tai nạn. Việc kiểm tra sửa chữa phòng trừ tai nạn được làm chặt chẽ theo định kỳ. Điều này hoàn toàn khác với phương tiện đường bộ như ô tô khách”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết thêm.

Theo thống kê, chỉ có 1 trong số 2,7 triệu chuyến bay gặp tai nạn, 5 triệu người đi máy bay mới có 1 người không may gặp nạn. Một thống kê khác là có đến 96% số hành khách sống sót trong sự cố hàng không, 76,6% hành khách sống sót trong sự cố hàng không nghiêm trọng.

Nguy cơ chết vì tai nạn máy bay cũng được đưa ra theo đó trong số 5 triệu người gặp tai nạn máy bay mới có 1 người tử vong, trong khi sẽ có 1/85 người tử vong khi gặp tai nạn ô tô. Thống kê ở Mỹ trong năm 2010 có 34.925 người chết vì tai nạn nhưng chỉ có 472 người chết vì tai nạn máy bay. 
 

Mai Anh