Dạy toàn lý thuyết, lấy đâu ra lao động chất lượng cao!

02/01/2015 06:00
Xuân Trung
(GDVN) - Quan điểm này của ông Phạm Hoài Nam, Giám đốc Học viện đào tạo quốc tế GM Việt Nam khi trao đổi về thực trạng và giải pháp đưa nguồn nhân lực Việt Nam đi lên.

Xung quanh câu chuyện làm thế nào để phát triển nguồn nhân lực xứng với vị thế của đất nước, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Phạm Hoài Nam, Giám đốc Học viện đào tạo quốc tế GM Việt Nam.

Giáo dục chưa được ứng dụng nhiều

PV: Ông đánh giá và quan sát như thế nào về nguồn nhân lực ở Việt Nam. Nhiều người vẫn nói, đất nước chúng ta rộng, dân số đông, đặc biệt là dân số trong độ tuổi lao động, nhưng ngược lại đất nước vẫn nghèo, vẫn là nước yếu về khoa học – kỹ thuật. Vì sao có điều đó?

Ông Phạm Hoài Nam: Lợi thế của đất nước chúng ta là dân số trong độ tuổi lao động đông, tuy nhiên chất lượng lao động lại không cao, do đó dẫn đến hiệu suất lao động tạo nên của cải vật chất và phát triển xã hội không tương xứng với lợi thế đó. Điều này, theo tôi, xuất phát từ hệ thống giáo dục đào tạo còn nặng về lý thuyết, thiếu tính ứng dụng thực tế, chưa bám sát vào nhu cầu thực tế phát triển của đất nước cũng như của thế giới. Từ đó, các lao động trẻ mặc dù có kiến thức chuyên môn tốt nhưng lại không biết cách phát huy hết các lợi thế của mình để có thể cống hiến cho xã hội, làm giàu cho bản thân.

Dạy toàn lý thuyết, lấy đâu ra lao động chất lượng cao! ảnh 1

Ông Phạm Hoài Nam. Ảnh Xuân Trung

Ngoài ra, đường lối chiến lược đào tạo cán bộ nguồn chưa đạt kết quả tốt. Ví dụ thực tế từ nước bạn Singapore: họ chọn người tài, đưa đi tu nghiệp ở các nước phát triển, họ học hỏi các nước phát triển ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, trau dồi đầy đủ các kiến thức hay và quay trở lại phục vụ cho đất nước và tạo nên được một nước Singapore phát triển như hiện nay. Điều này khiến cho đất nước ta không chỉ yếu về khoa học – kỹ thuật mà còn cả về văn hóa, thể thao, kinh tế, dịch vụ xã hội.

Theo ông, việc tăng tỷ lệ sinh viên/vạn dân có đảm bảo việc tăng chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam không? 

Ông Phạm Hoài Nam: Câu trả lời của tôi là : ‘Không’. Việc tăng về số lượng không đồng nghĩa với việc tăng chất lượng, nếu không có sự thay đổi về cách thức, nội dung đào tạo trong nhà trường.

Dạy toàn lý thuyết, lấy đâu ra lao động chất lượng cao! ảnh 2

Chuyên gia Trần Đức Cảnh đưa ra giải pháp cho nguồn nhân lực Việt Nam

(GDVN) - Để đẩy mạnh “công nghiệp hóa và hiện đại hóa” đất nước trong thời gian tới thì việc tăng số lượng và chất lương đào tạo ở các cấp là điều bắt buộc”.

Thực tế hiện nay, số lượng sinh viên ra trường có việc làm không lớn. Điều này không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng, mà do chất lượng sinh viên không đáp ứng được các yêu cầu công việc đặt ra. Vì thế doanh nghiệp vẫn thiếu lao động và sinh viên ra trường vẫn không tìm được việc làm.

Với xu thế hội nhập quốc tế trong thời gian tới, đặc biệc năm 2015 Việt Nam tham gia cộng đồng Asean thì theo ông nguồn nhân lực Việt Nam cần đi theo hướng nào và làm gì để đi theo hướng đó?

Ông Phạm Hoài Nam: Chúng ta đang làm tốt phần đào tạo lý thuyết trong nhà trường, nhưng lại thiếu sót vô cùng trong đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng ngoài sách vở. Nguồn nhân lực của Việt Nam cần được nâng cao về các kỹ năng trong công việc, thay đổi phong cách làm việc, tăng tính dịch vụ của bản thân – ý thức trách nhiệm trong công việc, kỹ năng làm việc nhóm, xây dựng hình ảnh cá nhân - giảm bớt cái tôi cá nhân và phục vụ cho cái chung của tập thể. Tự trau dồi các hiểu biết về văn hóa xã hội để nâng cao hiệu suất công việc đáp ứng được yêu cầu ngày càng chuyên nghiệp, đặc biệt là môi trường làm việc quốc tế.

Ý thức, trách nhiệm trong công việc

Trong một báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế thì năng suất lao động Việt Nam so với các nước trong khu vực Đông Nam Á rất thấp, thậm chí chỉ bằng 1/15 đối với Singapore. Chúng ta đặt mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong nhiều năm qua nhưng chưa đạt được yêu cầu so với quốc tế. Giải bài toán này có ý kiến cho rằng cần nâng cao chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Phạm Hoài Nam: Việc “nâng cao chất lượng” là một vấn đề còn chung chung, chứ chưa đi vào thực tiễn. Nâng cao và phát triển nguồn nhân lực là cần thiết, nhưng nâng cao như thế nào, phát triển ra sao, theo định hướng, cách thức nào để có thể thực sự mang lại hiệu quả mới là vấn đề cần phải đầu tư và làm rõ.

Ở Việt Nam hiện nay có một bất cập trong việc phát triển nguồn nhân lực là cung và cầu trong quá trình đào tạo không ăn khớp với nhau (đào tạo không đúng nhu cầu sử dụng dẫn đến nhiều cử nhân,  thạc sỹ thất nhiệp, cử nhân cất bằng đại học đi làm công nhân…), ông có giải pháp nào cho thực trạng này?

Ông Phạm Hoài Nam: Như đã trả lời ở trên, hệ thống đào tạo ở Việt Nam còn nặng về lý thuyết do đó cần thay đổi tập trung đào tạo thêm các kỹ năng mềm, các kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, các kỹ năng thể hiện bản thân, đào tạo ý thức, thái độ, đạo đức nghề nghiệp ngoài kiến thức chuyên môn.

Dạy toàn lý thuyết, lấy đâu ra lao động chất lượng cao! ảnh 3

Năng suất lao động thấp, lỗi không phải của người làm!

(GDVN) - Mới đây, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã đặt câu hỏi, vì sao năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/15 Singapore, chúng ta cảm thấy thế nào?

Từng số và làm việc tại Hàn Quốc nhiều năm, ông cảm nhận thế nào về môi trường làm việc, về điều kiện cơ sở vật chất ở nước ngoài. Liệu đó có phải là yếu tố khiến nguồn nhân lực Việt Nam chưa phát triển? 

Ông Phạm Hoài Nam: Tôi đã là một sinh viên được đào tạo bài bản tại Việt Nam, sau khi tốt nghiệp tôi tiếp tục học chuyên sâu tại nước ngoài (Hàn Quốc). Ngay khi mới bước chân vào môi trường giáo dục của nước bạn, tôi đã nhận thấy rõ sự khác biệt. Hệ thống giáo dục Hàn Quốc có tính thực tiễn cao, các bạn sinh viên được học tập và có thể cho ra đời các sản phẩm ứng dụng ngay vào cuộc sống và sản xuất. Ngoài các kiến thức chuyên môn là các kiến thức về nghiệp vụ và kỹ năng, ý thức làm việc chuyên nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp tôi đã làm việc tại tập đoàn Sam Sung – một tập đoàn toàn cầu, có bề dày phát triển, các chu trình làm việc bài bản và hoàn thiện. Tại đây, một nhân viên mới được học về tính tự tôn của bản thân, sự tự hào khi là một phần của tập đoàn, sẵn sàng cống hiến hết mình cho công việc. Họ được dạy cách  phát triển thế mạnh của mỗi người và luôn được truyền lửa để hiệu quả công việc cao nhất. Các kỹ năng mềm, kỹ năng sắp xếp thời gian, quản trị tài liệu, quản trị thông tin, kỹ năng kiểm soát áp lực công việc, tính trách nhiệm… luôn được chú trọng trau dồi và bổi bổ.

Tôi cũng có nhiều cơ hội được làm việc và tham quan các đối tác nước ngoài, về cơ sở vật chất thì hoàn toàn tương đồng như ở Việt Nam nhưng ý thức làm việc của người lao động tại Hàn Quốc cũng như các nước phát triển khác thì cao hơn nhiều. Vì vậy không thể nói rằng chất lượng nguồn nhân lực kém là do thiếu thốn về cơ sở vật chất. Nguồn nhân lực Việt Nam chưa phát triển nằm ở vấn đề liên quan đến con người (kinh nghiệm, kỹ năng, ý thức tránh nhiệm) và cần được giải quyết càng sớm càng tốt.

Trân trọng cảm ơn ông.

Học viện đào tạo quốc tế GM Việt Nam vừa tham gia ký kết hợp tác đào tạo với đơn vị đào tạo số 1 Hàn Quốc -Trung tâm đào tạo nhân sự Followeship Center, đồng sử dụng bộ giáo trình đào tạo nhân sự chuyên nghiệp dành cho nhân viên văn phòng nói chung và ngành trợ lý, thư ký nói riêng trong công tác giảng dạy.

Đây được xem là nơi đào tạo trợ lý, thư ký, nhân sự, nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp. Không chỉ là trung tâm đào tạo, Học viện đào tạo quốc tế GM Việt Nam còn là nơi cung ứng nguồn nhân sự chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong thời kỳ hội nhập, nhu cầu năng lực nhân sự chuyên nghiệp ngày càng cao.

Xuân Trung