Nhật-Mỹ-Australia muốn cùng chế tạo tàu ngầm để đối phó Trung Quốc?

08/01/2015 09:58
Việt Dũng
(GDVN) - Nhật Bản quy định giới hạn xuất khẩu, nhưng nếu là "quốc tế cùng phát triển và sản xuất", chỉ cần có lợi cho an ninh Nhật Bản là có thể xuất khẩu...
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo

Tờ "Mainichi Shimbun" Nhật Bản ngày 5 tháng 1 đăng bài viết "Nhật-Australia cùng sản xuất tàu ngầm" cho rằng, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề nghị với Australia - nước có kế hoạch mua sắm tàu ngầm kiểu mới: hai nước cùng sản xuất thân tàu ngầm.

Ý tưởng của phía Nhật Bản là, hai nước cùng phát triển công nghệ vật liệu thép đặc biệt và vật liệu hấp thu sóng dùng cho tàu ngầm, phía Nhật đảm đương công tác lắp ráp chủ yếu của thân tàu.

Australia đã bày tỏ thái độ tích cực đối với vấn đề này. Nếu có thể đạt được thỏa thuận, sẽ trở thành trường hợp đầu tiên Nhật Bản hợp tác với nước khác trong sản xuất tàu ngầm. Trong năm 2015, hai nước rất có khả năng đạt được thỏa thuận chính thức về vấn đề này.

6 tàu ngầm hiện có của Australia đã cũ kỹ, vì vậy có kế hoạch vào khoảng năm 2030 nhập khẩu 12 tàu ngầm kiểu mới, đồng thời vào năm 2015 xác định đối tượng hợp tác. Nước này rất quan tâm tới "khoảng cách chạy liên tục có thể cảnh giới rộng rãi" và "khả năng chạy êm" của tàu ngầm lớp Soryu mới nhất của Lực lượng Phòng vệ, vì vậy tìm kiếm hợp tác với Nhật Bản.

Ngoài ra, Australia còn chuẩn bị lắp đặt hệ thống chiến đấu của Mỹ trên tàu ngầm mới, để hình thành cục diện ba nước Nhật-Mỹ-Australia cùng đối kháng với Trung Quốc - nước đang mở rộng "quyền lợi biển" ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo

Tuy nhiên, đối với việc Nhật Bản-Australia cùng sản xuất tàu ngầm, doanh nghiệp liên quan của Australia trước đó luôn phụ trách chế tạo tàu ngầm đã đưa ra ý kiến phản đối. Vì vậy, hai bên cân nhắc để Nhật Bản phụ trách sản xuất và lắp ráp linh kiện chủ yếu của thân tàu, Australia ngoài sản xuất một phần linh kiện, còn phụ trách chế tạo và bảo trì cuối cùng.

Trước đây, giữa Nhật Bản và Australia đã bắt đầu sử dụng công nghệ Nhật Bản, cùng nghiên cứu thuỷ động học tàu thuyền và cách thức giảm tiếng ồn khi tàu chạy (sinh ra từ trở lực và chân vịt).

Nhật Bản giữ thái độ thận trọng đối với việc cung cấp công nghệ toàn diện cho Australia, nhưng lại cho rằng, thông qua tận dụng thành quả nghiên cứu chung với Australia và thúc đẩy cùng phát triển vật liệu thân tàu, có lợi cho nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước của Nhật Bản.

Trong hội nghị nội các vào tháng 4 năm 2014, Chính phủ Nhật Bản đã xác định Ba nguyên tắc chuyển giao trang bị quốc phòng, đã xóa bỏ hạn chế xuất khẩu vũ khí, nhưng trang bị có thể xuất khẩu chỉ giới hạn ở "cứu nạn, vận tải, cảnh báo sớm, giám sát, quét mìn", Nhật Bản thực ra còn không thể xuất khẩu tàu ngầm.

Tuy nhiên, nếu như là "quốc tế cùng phát triển và sản xuất", chỉ cần đáp ứng điều kiện có lợi cho an ninh Nhật Bản là có thể xuất khẩu. Năm 2014, thông qua 5 vòng hội đàm giữa hai nước Nhật Bản-Australia, Chính phủ Nhật Bản xác định Australia là "nước gần như đồng minh" để đi sâu hợp tác an ninh.

Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo

Liên quan đến vấn đề này, tờ “Thời báo Hoàn Cầu” dẫn tờ "Guardian" Anh cho biết, một cuộc thăm dò dư luận ngày 5 tháng 1 của Viện nghiên cứu quan hệ Australia-Trung Quốc của Đại học khoa học kỹ thuật Sydney, Australia cho thấy, 71% người Australia được hỏi cho rằng, Australia nên giữ trung lập trong cuộc xung đột biển Hoa Đông giữa Trung-Nhật, cho dù Mỹ đứng về phía Nhật Bản. 15% người cho rằng, cần ủng hộ Mỹ-Nhật,  cá biệt có 4% người cho rằng Australia cần ủng hộ Trung Quốc, 9% không tỏ rõ thái độ.

Tổng cộng có 1.000 người tham gia cuộc thăm dò dư luận lần này. Viện trưởng Viện nghiên cứu quan hệ Australia-Trung Quốc Bob Carle cho rằng, cuộc thăm dò dư luận cho thấy tầm quan trọng của việc đưa ra quyết sách chiến lược hợp lý và bày tỏ rõ ý đồ trung lập của Australia. "Hiệp định an ninh giữa chúng tôi và Mỹ chỉ giới hạn ở cấp độ tham vấn, Australia cần thể hiện rõ với bên ngoài, chúng tôi không sẵn sàng can thiệp vào bất cứ cuộc xung đột nào".

Theo tờ "Guardian", Australia ủng hộ Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ Trung-Nhật khiến cho Trung Quốc không vui. Thủ tướng Australia tuyên bố Nhật Bản là người bạn tốt nhất của Australia ở châu Á. Theo Bob Carle, hiện nay, Chính phủ Australia đã thực hiện cân bằng có hiệu quả.

Bob Carle cho rằng, tiếp theo, khả năng Australia có đứng về phía Nhật Bản hay không phải nhìn vào hợp đồng mua sắm tàu ngầm. Rất nhiều người hiểu rõ, Canberra có thể giành đơn đặt hàng mua sắm tàu ngầm lớn nhất cho Nhật Bản, không thông qua đấu thầu, cho dù có nhiều nhà cung ứng cạnh tranh. Theo tờ "Mainichi Shimbun", Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đưa ra đề án cùng Australia sản xuất thân tàu ngầm và được Australia phản hồi tích cực.

Sĩ quan Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và Hải quân Australia
Sĩ quan Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và Hải quân Australia
Việt Dũng