Sổ liên lạc điện tử: Trợ thủ giảng dạy hay kẻ "đào mỏ" núp bóng?

14/01/2015 06:33
Hồng Nhung
(GDVN) - Với mức giá khác nhau từ 5 nghìn đến 40 nghìn đồng/tháng, sổ liên lạc điện tử có phải là trợ thủ đào tạo hay chỉ là công cụ kiếm thêm tiền của các nhà trường?

Sinh ra dưới mỹ từ trợ thủ đắc lực cho công tác giảng dạy, là công cụ kết nối gia đình với học sinh...Sổ liên lạc điện tử thực chất là sự phát triển của Sổ liên lạc truyền thống đã có vài chục năm nay ở các nhà trường. Không phủ nhận nó thuận tiện, nhanh chóng hơn, song cũng ngốn rất nhiều tiền của phụ huynh học sinh. Ở nhiều nơi, có dấu hiệu rõ ràng của hành vi trục lợi thông qua dịch vụ này.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tiến hành tìm hiểu và phát hiện ra khá nhiều bất ngờ về loại hình dịch vụ không hẳn mới những cũng chưa cũ ở các trường học, nhất là ở đô thị. 

Loạn giá

Nếu như trước đây, hình thức thông tin giữa giáo viên và phụ huynh chủ yếu qua sổ liên lạc viết thông thường. Thì giờ đây, với sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là sự ra đời của các phần mềm quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng hiện đại, sổ liên lạc viết đã được thay thế bằng sổ liên lạc điện tử.

Chỉ với một chiếc điện thoại di động có đăng ký số điện thoại sử dụng dịch vụ sổ liên lạc điện tử, phụ huynh có thể cập nhật thông tin của con mọi lúc mọi nơi. Ảnh: Hồng Nhung
Chỉ với một chiếc điện thoại di động có đăng ký số điện thoại sử dụng dịch vụ sổ liên lạc điện tử, phụ huynh có thể cập nhật thông tin của con mọi lúc mọi nơi. Ảnh: Hồng Nhung

Sổ liên lạc điện tử là hình thức gửi tin nhắn SMS về điểm số, kết quả học tập, rèn luyện, sức khỏe của học sinh hàng ngày tại trường đến điện thoại cho phụ huynh. Ngoài ra, còn có thông báo nghỉ học, nhắc nhở bài tập, chuẩn bị bài... Số điện thoại nhận tin nhắn là số được đăng ký trước. Qua đó, phụ huynh sẽ biết được tình trạng học tập của con mình trong ngày hôm đó tại trường như thế nào.

Sổ liên lạc điện tử được giới thiệu là hình thức liên lạc giữa nhà trường và gia đình nhanh chóng, chính xác và tiện lợi.

Vào mạng internet, gõ vào mục tìm kiếm các công ty cung cấp dịch vụ sổ liên lạc điện tử, không khó để tìm được tên công ty đang khai thác dịch vụ này. Các công ty cung cấp đưa ra lời chào gọi với nhiều mức giá khác nhau.

Theo khảo sát của PV tại một số trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội, mức phí cho dịch vụ sổ liên lạc điện tử là không đồng đều.

Theo cô Nguyễn Thị Mai Anh – Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Giót (Hà Nội) cho biết, dịch vụ sổ liên lạc điện tử khá tiện lợi. Trường Phan Đình Giót đang sử dụng dịch vụ sổ liên lạc điện tử do công ty Quảng Ích cung cấp với mức phí là 20 nghìn đồng/tháng/ học sinh. Tin nhắn được gửi cho mỗi học sinh một tuần một lần.

Cô Mai Anh cho biết, số lượng tin nhắn nhiều hay ít là tùy thuộc vào hợp đồng giữa các trường với đơn vị cung cấp dịch vụ.

Không chỉ khai thác dịch vụ qua tin nhắn SMS, nhiều doanh nghiệp khai thác dịch vụ sổ liên lạc điện tử còn đưa ra thêm hình thức khác như tra cứu qua website, mail hoặc tạo sự tương tác với phụ huynh bằng việc phụ huynh gửi tin nhắn phản hồi lại (nhưng có thu phí).

Còn theo cô Phùng Tố Nga – Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngọc Khánh cho biết trường đang sử dụng dịch vụ của bên VNPT với mức phí là 35 nghìn/tháng.

Tại Trường tiểu học Trung Yên, phí sử dụng dịch vụ sổ liên lạc điện tử là 40 nghìn/tháng, Trường tiểu học Lê Ngọc Hân là 35 nghìn/ tháng…Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm đang sử dụng dịch vụ Sổ lên lạc điện tử Gapschool với mức phí là 25 nghìn/tháng.

Tại một số địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo có chỉ đạo mức thu phí tối đa đối với dịch vụ sổ liên lạc điện tử. Tháng 10/2013, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng có yêu cầu các nhà trường, nếu thực hiện dịch vụ này (sổ liên lạc điện tử) phải bảo đảm mức thu không quá 40.000 đồng/học sinh/tháng với từng gói dịch vụ. Tại Hà Nam, mức phí không được quá 100 nghìn đồng/năm đối với học sinh...

Nhiều trường thuộc nhiều địa phương, mức phí cho sổ liên lạc điện tử được tính theo năm từ 60 nghìn đến 100 nghìn đồng/tháng/học sinh. 

Như vậy, mức phí cho dịch vụ này dao động từ 5 nghìn đồng cho đến 40 nghìn đồng/tháng/học sinh - một sự chênh lệch giá gấp 8 lần, mà nguyên nhân của điều này được hiểu là do các gói dịch vụ khác nhau.

Phụ huynh mua được gì?

Một phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Hà Nội) cho biết: “ngày nào đi học là có tin nhắn, tin nhắn thông báo đến điện thoại như hôm nay trên lớp con học gì, rồi nhắc nhở công việc cho ngày mai cần chuẩn bị bài tập Toán, Tiếng Việt, làm lại toán sai, đóng tiền… nhưng nhiều hôm được một vài dòng, chả có nội dung gì”.

Phụ huynh lấy ví dụ như tin nhắn được gửi ngày 17/12 vừa qua có nội dung: "Con cần ôn tập làm tính thêm ở nhà. Trân trọng". Chị thắc mắc: “tin nhắn này chắc là gửi chung cho học sinh cả khối”.

Tin nhắn ngày 17/12 được phụ huynh phản ánh. Ảnh: Hồng Nhung
Tin nhắn ngày 17/12 được phụ huynh phản ánh. Ảnh: Hồng Nhung

Không chỉ có vậy, vị phụ huynh này cũng cho biết, có lần còn nhận được tin nhắn viết “nhắc nhở con cắt móng chân móng tay”, trong khi chị lúc nào cũng chú ý điều này cho con. Hay như năm trước, trời rét dưới 8 độ học sinh được nghỉ học, vậy mà 8h kém mới nhận được tin nhắn báo nghỉ học. Nếu cha mẹ không xem dự báo thời tiết có phải vẫn đưa con đến lớp không.

Còn một điều nữa mà chị vẫn băn khoăn với dịch vụ sổ liên lạc điện tử này, các tin nhắn được viết không dấu nên nhiều khi khó dịch hoặc không dịch được.

Theo vị phụ huynh ở tiểu học Lê Ngọc Hân chia sẻ, giáo viên chủ nhiệm thông báo là đăng ký tự nguyện, nhưng ở lớp hơn 50 học sinh có ai là không đăng ký đâu, nhưng đăng ký rồi mới càng thấy là không cần thiết. Vị phụ huynh này cho rằng, sổ liên lạc điện tử “không cần cũng được, vì bây giờ con lên lớp 2 cũng biết viết rồi, có quyển dặn dò thấy viết còn chi tiết hơn là tin nhắn”.

Một phụ huynh khác có con học tại Trường tiểu học Trung Yên (Hà Nội) cũng than thở rằng: “Tin nhắn thường báo tầm 5,6 giờ chiều, lúc con đã đi học về. Tuy nhiên, cũng có hôm phải 9h tối chị mới nhận được tin nhắn”.

Với mức phí thu tối đa 40 nghìn đồng/tháng, có ngày phụ huynh này cũng nhận được khoảng 2,3 tin nhắn nhưng nhiều khi là tin nhắn không cần thiết, hoặc là tin nhắn dài nên thành 2,3 tin liền nhau. Phụ huynh này bày tỏ: “Bây giờ bỏ chấm điểm hàng ngày rồi nên thông báo điểm số cũng không còn, nhiều khi chỉ là tin nhắn nhắc chung chung, có cũng được không cũng được, mà vào học sinh nào cũng đúng”. 

40 nghìn đồng/tháng, 35 nghìn đồng/tháng... tin nhắn ngày nào cũng được gửi đến số điện thoại di động thông báo về tình hình học tập, rèn luyện của con, vậy mà phụ huynh vẫn còn nhiều băn khoăn. Vậy với tần suất tin nhắn 1,2 lần/tuần thì liệu có đảm bảo sát sao đến việc học hành của con hay chỉ là những tin nhắn thông báo cho có hình thức...

Hồng Nhung