Nhận định “4 cơn đau đầu” trong chính sách ngoại giao của TQ năm 2015

12/01/2015 15:30
Bình Nguyên
(GDVN) - Việc giá dầu trên thị trường quốc tế liên tục giảm và có xu thế lao dốc chưa điểm dừng có thể khiến cho hoạt động khai thác dầu khí trên Biển Đông thay đổi.
 
Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đón Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hà Nội ngày 27/10/2014 Ảnh minh họa: TTXVN
Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đón Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hà Nội ngày 27/10/2014 Ảnh minh họa: TTXVN

Báo Học giả ngoại giao/The Diplomat trụ sở ở Tokyo, Nhật Bản mới đây có bài phân tích, nhận định về 4 vấn đề lớn mà biên tập viên của tờ này sử dụng cụm từ “4 cơn đau đầu” mà Bắc Kinh sẽ phải giải quyết trong chính sách ngoại giao của nước này năm 2015.

Theo The Diplomat 4 vấn đề lớn mà chính sách ngoại giao của Trung Quốc sẽ phải đối mặt đó là: vấn đề tranh chấp ở Biển Đông với các quốc gia láng giềng ở phía Nam, đặc biệt là Việt Nam và Philippines; vấn đề quan hệ song phương Trung Quốc – Nhật Bản; vấn đề quan hệ với Bắc Triều Tiên và vấn đề suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trong vấn đề Biển Đông, tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines sẽ ồn ào ngay từ nửa đầu năm 2015 trong khi đó, với vụ kiện Trung Quốc gia tòa án phân xử quốc tế thì Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đã có những tuyên bố và lập trường quan trọng của mình.

Theo nhận định của The Diplomat, thực tế thì trong bộ máy lãnh đạo của Bắc Kinh cũng đã xuất hiện mối lo ngại rằng Trung Quốc có thể sẽ bị dồn vào một góc trước sự đoàn kết của Mỹ, Nhật Bản cũng như các nước láng giềng bị Trung Quốc bắt nạt.

Đáng chú ý, việc giá dầu trên thị trường quốc tế liên tục giảm và có xu thế lao dốc chưa điểm dừng có thể khiến cho hoạt động khai thác dầu khí trên Biển Đông xuất hiện ít hơn, cùng với đó khả năng xung đột có thể cũng chưa xuất hiện ngay lập tức.

Cũng giống như nhiều nền kinh tế khác, Trung Quốc cũng phải suy tính cho mình trong trường hợp tình hình kinh tế thế giới có thể tiếp tục rơi vào suy thoái.

The Diplomat dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể nằm giữa mức 6,5 đến 7%, chậm hơn tương đối với mức tăng trưởng trong một số năm trước mà nền kinh tế của TQ đã đạt được.

Tuy nhiên, theo báo Nhật, đây mới chỉ là những dự báo chủ quan, thực tế thì các mối liên hệ giữa nền kinh tế của Trung Quốc và cộng đồng kinh tế toàn cầu càng tăng thì càng tạo ra nhưng mối nguy cơ khiến Trung Quốc không thể đạt được các chỉ tiêu mình kỳ vọng.

Trong quan hệ với Nhật Bản, theo nhận định của The Diplomat, năm 2015 sẽ là một năm tiếp tục có nhiều sóng gió bởi năm nay thế giới sẽ tổ chức kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II.

The Diplomat cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì các lợi thế của mình để tái khởi động lại các nỗ lực nhằm duy trì trật tự thế giới như đã được thiết lập sau thế chiến trong khi đó Nhật Bản sẽ tiếp tục tìm cách cởi bỏ các rào cản để phát triển thành cường quốc quân sự đúng nghĩa.

Trong trường hợp tàu thuyền, máy bay quân sự của Nhật Bản xảy ra va chạm với các phương tiện trên biển, trên không của Trung Quốc thì tình hình có thể leo thang một cách nhanh chóng, khó đoán bắt.

Về vấn đề quan hệ với Bắc Triều Tiên, báo The Diplomat cho biết Trung Quốc sẽ không hề dễ dàng thực hiện được các mục tiêu của mình trong năm 2015. Hơn nữa, có nhiều dự đoán cho rằng đất nước của ông Kim Jong Un có thể sẽ không đồng ý tham gia vào các vòng đàm phán 6 bên.

Bình Nguyên