“Đừng nhìn cái chân ghế của mình!”

16/01/2015 07:00
TRẦN SƠN
(GDVN) - Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt từng khuyên lãnh đạo Đà Nẵng: để phát triển thành phố “cần nhìn ra người dân, đừng nhìn xuống cái chân ghế của mình!”

Những ngày gần đây, dư luận trong nước và ngoài nước chú ý nhiều đến sự kiện ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng ban Nội chính Trung ương - trở về Việt Nam sau thời gian điều trị bệnh tại Hoa Kỳ.

Hầu như tất cả các báo đều đưa tin, khoảng 21h ngày 9/1/2015, chuyên cơ chở ông Nguyễn Bá Thanh đã hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng để về bệnh viện tiếp tục chữa bệnh.

Hàng ngàn người dân đứng dọc hai bên đường từ sân bay quốc tế Đà Nẵng đến Bệnh viện Đà Nẵng đón đoàn xe chở ông Nguyễn Bá Thanh và hô vang: "Bá Thanh! Bá Thanh!"

Không phải ngẫu nhiên mà ông Nguyễn Bá Thanh được lòng người dân như vậy. Ông là người có công lớn đưa Đà Nẵng trở thành thành phố năng động bậc nhất Việt Nam, một “thành phố đáng sống”.

Hàng ngàn người dân đứng dọc hai bên đường từ sân bay quốc tế Đà Nẵng đến Bệnh viện Đà Nẵng đón đoàn xe chở ông Nguyễn Bá Thanh. Ảnh Internet
Hàng ngàn người dân đứng dọc hai bên đường từ sân bay quốc tế Đà Nẵng đến Bệnh viện Đà Nẵng đón đoàn xe chở ông Nguyễn Bá Thanh. Ảnh Internet

Nhưng nếu chỉ vậy, thì có lẽ, người ta chỉ nể cái tài của ông thôi. Lý do mà người dân tin tưởng, quý trọng ông Nguyễn Bá Thanh là họ cảm nhận được ông là một người lãnh đạo biết quý trọng dân, biết “nhìn ra người dân”.

Một vị lãnh đạo khác cũng được dư luận chú ý trong thời gian gần đây là Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng.

Cũng như ông Nguyễn Bá Thanh, Bộ trưởng Thăng là một lãnh đạo rất quyết liệt. Lời nói luôn đi kèm với hành động quyết đoán.

Chẳng hạn, như vụ tai nạn xe khách xảy ra trên quốc lộ 4D SaPa-Lào Cai, ngày 1/9/2014, khiến 12 người chết và 40 người bị thương. Ngay trong đêm, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã lên đường tới Lào Cai, trực tiếp chỉ đạo công tác cứu nạn.

Ở một sự kiện khác, theo tin từ Vnexpress cho hay trong vụ sập giàn giáo công trình đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, ngày 28/12/2014, Bộ trưởng Thăng đã thẳng thắn cảnh cáo nhà thầu Trung Quốc. Ông cũng yêu cầu thay chỉ huy trưởng công trường, tư vấn giám sát, nhà thầu phụ không đủ năng lực để đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án. Và hơn tất cả là đảm bảo an toàn lao động, tính mạng người dân qua lại xung quanh dự án này.

Chính vì cách làm việc quyết đoán, sâu sát, thể hiện được trách nhiệm của một lãnh đạo đầu ngành trước nhân dân, nên Bộ trưởng Thăng đã tạo được ấn tượng tốt đối với người dân trong cả nước.

Trong cuộc sống hàng ngày, tôi cũng tiếp xúc, làm việc hoặc được biết nhiều cán bộ, đảng viên tận tụy với công việc, lời nói luôn đi đôi với việc làm. Họ không phải là những cán bộ lãnh đạo, không được nhiều người chú ý, nhưng họ được đồng nghiệp, bạn bè, người dân đánh giá cao vì “nói được, làm được”.

Tuy nhiên, thực tế cũng có không ít cán bộ, đảng viên mà lời nói chưa đi đôi với việc làm. Đành rằng, như người ta vẫn thường nói: “Nói thì dễ, làm mới khó”. Nhưng nếu khoảng cách giữa lời nói với việc làm quá xa thì khó tạo được sự tin tưởng, đồng thuận của người dân.

Có lần, tôi đến gặp đồng chí Bí thư một phường của thành phố nơi tôi sinh sống để trao đổi về những kiến nghị, bức xúc của người dân trên địa bàn đồng chí phụ trách, hỏi gì đồng chí cũng nói “không biết”(?!) Chốt lại, đồng chí chỉ căn dặn: “Có viết gì thì xem có đụng ở trên không nhé!”. Khi tôi đến gặp đồng chí Chủ tịch phường ấy tại nhà riêng thì người nhà nói đồng chí đi vắng. Nhưng hôm sau thì đồng chí ấy có nhắn lại: “Em vừa mới nhận chức nên cũng không biết những việc ấy, anh thông cảm!”

Nói thật là tôi cũng có phần thông cảm với các đồng chí ấy. Tôi hiểu là họ phải “giữ mình”, ngại đụng chạm. Nhưng tôi cũng không đồng tình với cách ứng xử như vậy – cách ứng xử mà theo lời của Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt là chưa “nhìn ra người dân”…

Một người bình thường, nếu chỉ nghĩ đến bản thân mình thì cũng khó được người khác quý trọng. Một cán bộ, đảng viên mà chỉ nghĩ đến bản thân mình thì khó được người dân tin tưởng, ủng hộ. Một cán bộ, đảng viên mà xa dân, vô cảm với dân là tự đánh mất đi chỗ dựa của mình.

Để phát triển, thịnh vượng, đất nước ta cần phải đổi mới, cần phải “mở cửa”. “Mở cửa” để hội nhập quốc tế một cách toàn diện, để học hỏi từ những thành tựu và tinh hoa của nhân loại. Điều đó, chúng ta đã và đang từng bước làm được.

Nhưng còn một ý nghĩa khác của “mở cửa”. Đó là: “mở cửa” để “nhìn ra người dân”…

Bài viết thể hiện quan điểm, nhận thức riêng của tác giả.

TRẦN SƠN