“TQ đã triển khai tên lửa Đông Phong 21 trên dãy núi Trường Bạch”

19/01/2015 10:57
Bình Nguyên
(GDVN) - Các lợi thế này cho phép hình thành các vị trí chiến lược có thể được quân đội của TQ sử dụng để chiếm ưn thế trong trường hợp xảy ra chiến sự.
Trang International Herald Leader – một trong những ấn bản do tờ Tân Hoa xã bảo trợ gần đây có đưa tin cho biết, để có thể hình thành khả năng răn đe đối với Nhật Bản và Đài Loan, quân đội TQ đã triển khai các hệ thống phóng tên lửa đạn đạo Đông Phong 21 đến khu vực dãy núi Trường Bạch ở khu vực Đông Bắc nước này.

Dãy núi Trường Bạch là nơi tọa lạc ngọn núi dạng núi lửa cùng tên Trường Bạch nằm trên biên giới giữa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Trung Quốc.Với chiều cao 2.744 mét, núi Trường Bạch là đỉnh cao nhất trong dãy Trường Bạch ở phía bắc và dãy Bạch Đầu Đại Cán ở phía nam. Đây cũng là đỉnh núi cao nhất trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Mãn Châu.

Trước đó, trước khi kết thúc năm 2014 (Dương lịch) vừa qua, trong một phóng sự của mình, Đài truyền hình trung ương TQ đã phát đi hình ảnh một cuộc diễn tập quy mô lớn của quân đội TQ trong có thể thấy rõ các xe vận chuyển tên lửa đạn đạo của Sư đoàn tên lửa chiến lược thuộc lực lượng Pháo binh II.

Giới chuyên gia quân sự khi ấy tin rằng các phương tiện vận chuyển tên lửa của PLA đang dùng để chở các tên lửa đạn đạo Đông Phong 21 – một trong những loại tên lửa đạn đạo tầm trung, sử dụng động cơ đẩy bằng nhiên liệu rắn, mang đầu đạn tấn công đơn nhất do Viện công nghệ điện tử - cơ khí Changfeng nghiên cứu, chế tạo.

Trang International Herald Leader cho biết, dựa trên các thông tin được TQ công bố công khai, nhiều chuyên gia nhận định rằng tên lửa Đông Phong -21 đã được quân đội TQ triển khai tại khu vực dãy núi Trường Bạch ở khu vực Đông Bắc nước này.

Các hình ảnh được tiết lộ cho thấy, vị trí của các tên lửa Đông Phong 21 được bố trí ở một căn cứ có rất nhiều tuyết rơi, ứng với điều kiện khí hậu rất đặc trưng tại vùng núi Trường  Bạch ở vùng Đông Bắc, gần biên giới giữa Bắc Triều Tiên và TQ.

Giới chuyên gia quân sự cũng chỉ ra một trong những bằng chứng khác để khẳng định lập luận này bởi vì trong các hình ảnh được công bố đã vô tình để lộ khung cảnh, đặc biệt là các loài thực vật vốn là những loại rất đặc hữu tại vùng núi Trường Bạch.

Quan trọng hơn cả, xét về vị trí chiến lược, dãy Trường Bạch là địa điểm duy nhất trên lãnh thổ Trung Quốc có thể dùng để triển khai các tên lửa Đông Phong 21 mà tầm bắn của nó có thể vươn đến tất cả các mục tiêu chủ chốt trên lãnh thổ của Nhật Bản.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong trường hợp xảy ra đụng độ trên biển giữa lực lượng của TQ và Nhật Bản, các tên lửa Đông Phong 21 của Nhật Bản sẽ có thể tạo ra những mối đe dọa nghiêm trọng, có thể bịt chặt lối vào và lnối ra quanh vùng Biển Nhật Bản, cho phép quân đội của TQ có thể làm suy yếu đáng kể năng lực và sức mạnh của Hải quân Nhật Bản.

Dãy núi Trường Bạch trải dài trên địa bàn các tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh. Các lợi thế này cho phép hình thành các vị trí chiến lược có thể được quân đội của TQ sử dụng để chiếm ưn thế trong trường hợp xảy ra chiến sự với quân đội nước ngoài trên Biển Hoa Đông.

Nếu phóng tên lửa Đông Phong 21 từ các vị trí này, PLA có thể kiểm soát được Eo biển La Perouse, nơi chia cắt phần phía Nam của quần đảo Sakhalin (Nga) với phần phía bắc của quần đảo Hokkaido của Nhật Bản. Ở phía Bắc, có thể kiểm soát Eo Tsushima nối liền giữa Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông ở phía Nam.

Khu vực dãy núi Trường Bạch cũng được xem là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đâylà  khu vực phát triển công nghiệp tiên tiến được TQ đầu tư xây dựng. Nơi đây cũng đã hình thành các nhà máy sửa chữa, cơ sở vận chuyển thuận lợi, đã biến nó thành khu vực trọng yếu về quân sự, quan trọng, tiềm năng về kinh tế.

Việc triển khai các tên lửa Đông Phong 21 ở khu vực Trường Bạch cũng được xem là biện pháp răn đe, ứng phó trong trường hợp xung đột với Đài Loan.

Trong tháng 10 năm 2014 vừa qua, nhiều báo cáo từ phía Đài Loan cho biết quân đội của hòn đảo này hết sức quan ngại khi nắm được tin quân PLA đã triển khai các tên lửa Đông Phong 21 – có biệt danh sát thủ tàu sân bay ở các khu vực Đông Bắc và Đông Nam của TQ.

Đài Loan cho rằng, hoạt động triển khai tên lửa Đông Phong 21 của TQ là một phần chiến lược răn đe quân đội Mỹ cũng như các quốc gia láng giềng trong khu vực, đặc biệt là nhằm uy hiếm Eo Đài Loan.

Tạp chí Kanwa năm 2010 cũng đã cho biết tên lửa Đông Phong 21 Trung Quốc được cho là tên lửa chống hạm đạn đạo hạng nặng đầu tiên của nước này với tầm bắn khoảng 1800 km.

Loại tên lửa này có thể được PLA dùng để đánh vào các căn cứ quân sự của quân đội Nhật Bản bố trí trên đất liền cũng như các căn cứ hải quân của Mỹ ở Okinawa, nằm ở tận cùng phía Nam của Nhật.

Tình báo Mỹ cũng nhận định rằng PLA có khoảng từ 50 đến 100 tên lửa Đông Phong 21 với suy đoán tầm bắn hiệu quả của chúng là từ 1450 đến 2150 km hoặc khu nâng cấp có thể vươn đến tầm tối đa 3000 km.

Liên quan đến tên lửa Đông Phong 21 của TQ, ngày 6/1/2015, tờ Tạp chí Lợi ích quốc gia của Mỹ có đăng tải bài viết của học giả nghiên cứu Peter Mattis của Qũy Jamestown nhấn mạnh phán đoán rằng Trung Quốc có thể đã triển khai các tổ hợp tên lửa đạn đạo DF-21D tại địa bàn do Quân khu Quảng Châu của nước này phụ trách.

Theo chuyên gia nghiên cứu Peter Mattis của Qũy Jamestown, để phô diễn và chuẩn bị cho khả năng xung đột quân sự với các địch thủ của mình trên khu vực Biển Hoa Đông và đặc biệt là Biển Hoa Đông, Trung Quốc dường như đã triển khai các tên lửa chống hạm DF-21 tới các căn cứ bí mật ở tỉnh Quảng Châu.

Tỉnh Quảng Châu nằm trên địa bàn phụ trách của Quân Khu Quảng Châu, là một trong bảy đại Quân khu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Quân khu này nằm ở phía nam Trung Quốc, địa bàn tiếp giáp với biên giới phía Bắc của Việt Nam.

Bình Nguyên