3.600 doanh nghiệp Việt kiều với 8,6 tỉ USD đang đầu tư tại Việt Nam

19/02/2015 09:34
Mai Anh
(GDVN) - Hiện có 51/63 tỉnh, thành phố trong nước có các dự án đầu tư của người VN ở nước ngoài, với hơn 3.600 doanh nghiệp, tổng số vốn đầu tư lên tới 8,6 tỉ USD.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 4 triệu người, đang sinh sống, học tập và lao động tại 101 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, là một bộ phận dân cư của Việt Nam, có tiềm năng về tài chính, tri thức, có sự ảnh hưởng trong sự phát triển, đổi mới của đất nước và hội nhập kinh tế thế giới.

Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có 51/63 tỉnh, thành phố trong nước có các dự án đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài, với hơn 3.600 doanh nghiệp kiều bào với tổng số vốn đầu tư lên tới 8,6 tỉ USD.

3.600 doanh nghiệp Việt kiều với 8,6 tỉ USD đang đầu tư tại Việt Nam (ảnh minh họa)
3.600 doanh nghiệp Việt kiều với 8,6 tỉ USD đang đầu tư tại Việt Nam (ảnh minh họa)

Nguồn lực tiềm năng

Thống kê năm 2010, lượng kiều hối về Việt Nam đạt 8,26 tỷ USD, năm 2011 đạt 9 tỷ USD, bù đắp được 92% chênh lệch cán cân thương mại. Trong năm 2012, dù tình hình kinh tế thế giới lẫn trong nước nhiều khó khăn nhưng lượng kiều hối vẫn có sự bứt phá, chạm mốc 11 tỷ USD. Hiện Việt Nam nằm trong số 10 nước nhận kiều hối hàng đầu thế giới.

Điều đáng nói để tạo ra nguồn tiền lớn như vậy gửi về cho người thân trong nước, kiều bào ta chắc chắn phải có thu nhập gấp nhiều lần con số đó. 

Đặt giả thiết nguồn tiền kiều hối là tiền lãi sau thuế của một doanh nghiệp, tạm gọi doanh nghiệp kiều hối thì để 1 doanh nghiệp có lãi sau thuế đến 11 tỉ USD, trong khi tính tổng số thuế của doanh nghiệp phải chịu thấp nhất khoảng 20%, như vậy lãi trước thuế doanh nghiệp kiều hối là khoảng hơn 13 tỉ USD.

Một doanh nghiệp đạt lợi nhuận trước thuế 13 tỉ USD, trong khi lợi nhuận doanh nghiệp hoạt động tốt chỉ chiếm 5 – 10% tổng doanh thu, như vậy nếu doanh nghiệp hoạt động tốt, lợi nhuận chiếm 5% doanh thu. Qua đó, để có lợi nhuận trước thuế 13 tỉ USD, doanh nghiệp ít nhất phải doanh thu 260 tỉ USD.

Tuy nhiên kiều hối chỉ là một phần nhỏ mang giá trị vật chất, trong khi đó một nguồn nhân lực lớn có trình độ là cách doanh nhân Việt kiều. Theo ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân Việt kiều, trước đây kiều hối được gửi về chủ yếu cho người thân, nhưng hiện nay kiều bào đã quan tâm hơn đến việc đầu tư kinh doanh theo quy mô gia đình hay liên kết đầu tư.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn vẫn còn những hiện tượng “lệ làng” gây khó khăn cản trở cho kiều bào về đầu tư trong nước - Ảnh: Trường Sơn
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn vẫn còn những hiện tượng “lệ làng” gây khó khăn cản trở cho kiều bào về đầu tư trong nước - Ảnh: Trường Sơn

Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có 51/63 tỉnh, thành phố trong nước có các dự án đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài, với hơn 3.600 doanh nghiệp kiều bào với tổng số vốn đầu tư lên tới 8,6 tỉ USD.

Con số 8,6 tỉ USD số vốn đăng ký đầu tư kinh doanh tại Việt Nam của Việt kiều không hề nhỏ gần bằng một nửa nguồn vốn doanh nghiệp FDI đăng ký đầu tư kinh doanh vào Việt Nam năm 2014.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) năm 2014 các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 20 - 23 tỷ USD. Tính đến ngày 15/12/2014, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 12,35 tỷ USD.

Mặt khác khi nguồn vốn đầu tư Việt kiều được đầu tư tại Việt Nam phát huy hiệu quả sẽ là kênh kết nối thu hút vốn đầu tư của kiểu bào đang sinh sống ở các nước.

“Lệ làng” đang cản trở đầu tư Việt kiều

Mặc dù tiềm năng lớn tuy nhiên những vướng mắc tại nhiều địa phương đang cản trở nguồn đầu tư của các doanh nhân Việt kiều. Đầu tháng 8/2014 họp báo trước thềm chương trình Gặp gỡ doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân trong nước lần thứ 2, Thanh Niên dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn cho rằng: “Lệ làng” cản trở đầu tư của kiều bào về nước.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, có một số địa phương coi đầu tư của các Việt kiều như đầu tư của nước ngoài, áp dụng các chính sách đầu tư, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan không đúng với tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, không đúng với đường lối chủ trương, chính sách về đầu tư của kiều bào ở nước ngoài về Việt Nam.

Trong khi đó Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài Bùi Đình Dĩnh, mặc dù chính sách thu hút đầu tư từ nguồn lực kiều bào ngày càng thông thoáng, như miễn tiền thuê đất, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn... nhưng môi trường đầu tư trong nước vẫn còn không ít trở ngại. 

Đánh giá mối trường thu hút đầu tư tại Việt Nam trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Thắng - một Việt kiều Đức trở về đầu tư trong nước 12 năm cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút đầu tư vào lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là dịch vụ, du lịch. Các cơ chế đầu tư ở Việt Nam khá thông thoáng, chi phí sinh hoạt rẻ, công nhân Việt Nam khéo tay, có năng suất lao động cao, với những người được đào tạo, không kém các nước khác.

Những khó khăn của doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài khi đầu tư vào trong nước chủ yếu liên quan đến chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, thủ tục hành chính, chính sách cần có định hướng lâu dài bền vững… Chính vì gặp nhiều khó khăn đặc biệt trong vấn đề thủ tục hành chính, những công nghệ ông Thắng đưa về Việt Nam không được lắng nghe áp dụng vì vậy doanh nhân này đang tính đường quay trở lại Đức để kinh doanh. 



Mai Anh