Hiểu phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về mạng xã hội như thế nào?

26/01/2015 06:09
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) - Câu nói “người khen đúng là bạn ta, người chê đúng là thầy ta” nêu lên triết lý sống, đó là đừng ngại nghe lời nói thẳng.

Ngày 15/1/2015, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: “Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên Facebook xem thông tin. Trên mạng ai nói gì thì nói, nhưng có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân mới có lòng tin. Đây là nhiệm vụ mới cần phải làm tốt hơn trong năm nay”. [1]

Thủ tướng cũng cho rằng: “Ta không cấm, không ngăn được mà quan trọng nhất là đưa thông tin đúng, chính xác, kịp thời, từ đó tạo niềm tin”. Có thể thấy Thủ tướng đã rất quan tâm đến niềm tin của nhân dân, đánh mất niềm tin thì rất dễ, tạo dựng lại niềm tin đã mất thì khó khăn vô cùng.

Ý của Thủ tướng là rất rõ ràng: “Ta không cấm, không ngăn được (mạng xã hội-TG)” do vậy những ý kiến của một số người, rằng phải thắt chặt quản lý mạng xã hội, phải có chế tài xử phạt hoặc truy tố chỉ là cách giải quyết từ ngọn. Nói chính xác, phạt hoặc truy tố một người, một trang mạng hoặc một trang cá nhân đôi khi lại phản tác dụng, nó càng kích thích tò mò của cộng đồng mạng, nó cũng khiến cho đối tượng bị phạt đề phòng hơn, tinh vi hơn, trở nên “cao thủ” hơn khi cơ quan chức năng sử dụng hình thức phạt “vi phạm hành chính”.

Hiểu phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về mạng xã hội như thế nào? ảnh 1Nghịch lý Tiền - Quyền

(GDVN) - Tiền và quyền vốn là đôi bạn đồng hành từ thủa loài người sáng tạo ra tiền, ngay từ khi ra đời, Tiền và Quyền đã tạo nên “Cặp đôi hoàn hảo” ...

Từ nhận thức ngây thơ về chuyện “chống thiên tai bão lũ” đến nhận thức đúng là “sống chung với lũ” nhân loại phải trải qua một chặng đường khá dài và đã phải trả giá bằng nhiều của cải, thậm chí là cả sinh mạng hàng triệu con người. Chính bởi thế Thủ tướng mới cho rằng không thể cấm, mà dù có cấm cũng không thể ngăn được các thông tin trái chiều xuất hiện với tần xuất ngày càng dày đặc trên mạng xã hội. Cách tốt nhất là cung cấp cho người dân các thông tin chính xác, kịp thời thông qua chính mạng xã hội.

Có thể thấy thời gian qua các cơ quan nhà nước với công cụ truyền thông chính thống chưa chủ động cung cấp thông tin cho nhân dân mà thường là bị động trước các nguồn không chính thống. 

Một số trường hợp thông tin cung cấp chưa mang tính khách quan mà nặng tính bao che, đối phó, chính vì thế nó không trở thành thông tin định hướng dư luận ngay từ đầu. Trong hoàn cảnh như thế các thông tin trái chiều dù không được kiểm chứng vẫn kích thích trí tò mò của một bộ phận không nhỏ người đọc, việc chúng gây hoang mang trong nhân dân là điều không thể tránh khỏi.

Vì sao mạng xã hội lại tập trung vào chủ đề tham nhũng liên quan tới các cán bộ cấp cao? Vì đơn giản là người dân không biết tìm ở đâu thông tin về kê khai tài sản của những người này. Nắm được điểm yếu đó, các đối tượng phát tán thông tin hoàn toàn yên tâm sẽ không bị cộng đồng mạng “ném đá” vì làm gì có thông tin đối chứng.

Một số bài viết, một số ý kiến trao đổi… tập trung vào phản bác các luận cứ mà mạng xã hội đề cập về cán bộ cấp cao, việc làm ấy tuy có ý nghĩa song cũng như chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng. 

Mục đích của việc đưa các thông tin về quan chức lên mạng không hẳn chỉ là tạo nên hình ảnh không đúng về một cá nhân nào đó mà còn nhằm tạo nên một sự nghi ngờ, một câu hỏi đeo bám dai dẳng người đọc về sự minh bạch, về chủ trương chống tham nhũng cũng như các đường lối, chính sách khác, và có lẽ đây mới là mục đích chính mà ai đó mong mỏi.

Cung cách phản ứng với thông tin tiêu cực, bịa đặt và khống nguồn gốc trên mạng xã hội của chúng ta hiện nay giống như bón thêm phân cho cỏ dại phát triển, loại “phân bón siêu tốc” đó chính là sự im lặng. Sự im lặng dù là có lý hay không có lý trước những tư liệu mà mạng xã hội cung cấp cho người đọc đã biến các thông tin này từ chỗ chỉ là những ngọn gió phất phơ có nguy cơ tích tụ thành “áp thấp nhiệt đới”.

Trên mạng xã hội đang phổ biến một tài liệu gọi là kết quả lấy phiếu tín nhiệm với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư mặc dù cho đến nay chưa hề có công bố chính thức nào về vấn đề này. Nguyện vọng của  người dân, mà trước hết là hơn ba triệu đảng viên của Đảng muốn biết thông tin chính thống về kết quả lấy phiếu tín nhiệm là điều dễ hiểu. Công bố hay không công bố còn tùy vào sự cân nhắc của trung ương, tuy nhiên cần một cách xử lý sao cho vừa bảo đảm dân chủ trong Đảng, vừa giữ vững định hướng “dân biết, dân bàn, dân làm chủ”, tránh những phân vân không cần thiết.

Hiểu phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về mạng xã hội như thế nào? ảnh 2"Nhân dân mong muốn được biết kết quả lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị"

(GDVN) - Ông Vũ Mão: "Việc lấy phiếu tín nhiệm với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã cho thấy quyết tâm chính trị, sự dũng cảm của các đồng chí lãnh đạo Đảng".

Hai đối tượng quan tâm nhiều nhất đến kết quả lấy phiếu tín nhiệm là nhân dân của chúng ta và kẻ thù của chúng ta. Nhân dân ta là 90 triệu người, kẻ thù của chúng ta lúc ẩn lúc hiện nhưng không một thế lực nào, dẫu là hùng mạnh nhất lịch sử nhân loại có thể huy động 90 triệu quân xâm lược. Thế nên cần phải biết nghe dân, biết làm theo ý dân chứ không phải là nghe, là làm theo bất kỳ  ý kiến tham mưu nào khác.

Dù rơi vào trường hợp nào thì cá nhân hay tổ chức đưa tin cũng đạt được mục đích là tạo nên sự hoài nghi trong một bộ phận cư dân, những người luôn quan tâm đến các vấn đề chính trị, xã hội.

Facebook, Blogspot… những công cụ mang tính toàn cầu này không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia, không một quyền lực nào có thể ngăn chặn bởi truyền thông cũng là một quyền lực ngang hàng với lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Dân gian có câu chuyện ngụ ngôn: Gió sợ tường vì gió bị tường cản, tường sợ chuột vì chuột suốt ngày đào tường, chuột sợ thiên địch là mèo, mèo sợ bợm rượu vì với bợm rượu thì “tiểu hổ” là món khoái khẩu, nhưng mà bợm rượu ra gió thì có ngày toi mạng nên bợm nào cũng sợ gió, mà gió thì lại sợ tường…

Xây tường chắn gió (hay tường lửa - Firewall) với hy vọng gió không tích tụ thành bão chỉ là “sáng kiến ngắn hạn”. “Trung hạn” là tạo hành lang cho gió thổi, hướng nó thổi đi chỗ khác, còn “dài hạn” là phải biến mình thành cây đại thụ có bộ rẽ khỏe bám sâu vào lòng đất dù bão táp hay sóng thần cũng không thể làm cây nghiêng ngả.

Một ý kiến tiềm ẩn những điều “rất lạ” mà Thủ tướng đề xuất là “ứng dụng công nghệ để có thể tổ chức các cuộc họp trực tuyến từ Chính phủ xuống chính quyền cấp xã, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo điều hành trong bối cảnh cần có phản ứng nhanh”. Phải chăng nhân đây Thủ tướng cũng muốn được nghe ý kiến của dân về những hàm ý trong phát biểu này?

Mong muốn của Thủ tướng có thể xem là một cuộc cách mạng thực sự về cải cách nền hành chính quốc gia, một cuộc cải cách chưa từng có tiền lệ, nếu trở thành hiện thực đó sẽ là  động lực cho sự phát triển. 

Từ ý kiến của Thủ tướng, người viết “suy diễn” như thế này: thông qua Internet và mạng xã hội, Chính phủ làm việc trực tiếp đến tận xã nghĩa là có thể xóa bỏ cấp trung gian là cấp huyện, khi đó chỉ còn ba cấp là trung ương, tỉnh và xã. Đội ngũ công chức, viên chức cấp huyện chiếm một tỷ lệ rất lớn trong tổng số những người hưởng lương từ ngân sách, đây cũng là lực lượng hàng ngày động chạm với dân và do đó nguy cơ “tham nhũng vặt” cũng dễ thấy nhất ở đội ngũ trung gian này.

Theo một thống kê của Bộ Thông tin & Truyền thông công bố [2] năm 2010, cả nước có  129.117 công chức cấp huyện. Giả thiết mức lương bình quân mỗi người là 5 triệu đồng/tháng thì ngân sách phải chi mỗi tháng khoảng 650 tỷ và mỗi năm là 6800 tỷ đồng, nếu tính thêm các khoản chi phí điện nước, xăng xe, văn phòng phẩm, thi đua khen thưởng, xây dựng cơ bản, khấu hao tài sản… thì đây là một con số khổng lồ mà ngân sách – tức là tiền thuế của dân phải gánh chịu.

Cũng theo thống kê đã dẫn, năm 2010 cả nước có gần 700 huyện, bỏ được cấp huyện có nghĩa là có thể chuyển toàn bộ cơ sở vật chất của chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội cấp huyện làm trường học, bệnh viện…, với 700 huyện sẽ có khoảng hơn 2.000 cơ sở có thể chuyển đổi.

Hiểu phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về mạng xã hội như thế nào? ảnh 3Ông Vũ Quốc Hùng bình luận về có thêm 8 ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương

(GDVN) - Bình luận về việc có thêm 8 ủy viên Ủy ban Kiểm tra TƯ, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng có thể là do tham nhũng đang hoạt động hung hăng, xảo quyệt hơn.

Áp dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, như ý kiến Thủ tướng cần bắt đầu từ Văn phòng Chính phủ. Nhưng muốn đồng bộ, muốn đưa thông tin chính thống lên mạng xã hội thì đội ngũ công chức, viên chức đầu ra – tức là nguồn cung cấp thông tin (các cơ quan công quyền) và đầu nhận (người dân, cán bộ cơ sở) phải có hiểu biết nhất định về Công nghệ thông tin, điều này hiện nay thực sự đang bị một rào cản.

Phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, Lê Mạnh Hà phát biểu: “tin buồn là tính chung chỉ có 50% lãnh đạo sử dụng thư điện tử… Nơi chỉ có một lãnh đạo dùng là Sở VH-TT-DL. 100% không sử dụng là Sở LĐ-TB-XH. Sở Xây dựng chỉ có 13% sử dụng thư điện tử”. [4] Nếu không phải do chính Phó chủ tịch UBND nói ra thì liệu có ai tin thành phố Hồ Chí Minh, đầu tầu cả nước về kinh tế lại có tởi 50% lãnh đạo không biết sử dụng thư điện tử.

Giả thiết rằng tình trạng của các tỉnh thành phố khác trong cả nước cũng tương tự như thành phố Hồ Chí Minh, nghĩa là cũng chỉ khoảng một nửa biết dùng thư điện tử. Nếu Chính phủ muốn thông qua mạng xã hội truyền tải thông tin đến tận cấp xã mà một nửa cán bộ cấp tỉnh còn chưa được xóa nạn “mù email” thì có lẽ chúng ta lại phải quay về thời kỳ sau cách mạng tháng 8/1945, phải tiến hành xóa nạn “mù tin học” trong đội ngũ công chức, viên chức tất cả các cấp.

Xóa mù tin học ngày nay không còn là chuyện dạy soạn thảo văn bản như ngày xưa mà phải là biết cách tạo trang cá nhân, biết tạo hộp thư điện tử, biết trao đổi thông tin…  Cũng nên có sự phối hợp đồng bộ, lồng ghép việc giảng dạy tin học với các kiến thức quốc phòng, an ninh, đặc biệt là cần trang bị cho người tốt nghiệp đại học các kiến thức cơ bản về chính phủ điện tử.

Đưa thông tin lên mạng xã hội cần kèm theo một điều luật về quyền tiếp cận thông tin và giải mã thông tin nhạy cảm, chẳng hạn một số nước quy định thời gian bảo mật là 30 năm.

Minh bạch thông tin có thể ảnh hưởng đến một bộ phận cán bộ, quan chức, nhưng lấy được niềm tin của toàn thể dân chúng. Đó chính là điều mà cha ông chúng ta đã dạy khi nhấn mạnh, đừng có "tham bát bỏ mâm”. Nghe lời khen hiện tại thì sướng bản thân mình, để tương lai chê thì khổ cho con cháu, dòng họ, đó là “cái lý” mà người quen nhìn gần, quen nhìn chân ghế không dễ nhận ra.

Câu nói “người khen đúng là bạn ta, người chê đúng là thầy ta” nêu lên triết lý sống, đó là đừng ngại nghe lời nói thẳng. Vì sao hiện nay mạng xã hội và truyền thông chính thống ồ ạt đưa các tin bài kiểu “cướp, hiếp, tụt cởi, chân dài óc ngắn…”? Vì các tin bài kiểu này hầu như không bị ngăn cản, không bị phạt vi phạm hành chính, còn các phát biểu, kể cả phát biểu mang tính phản biện xã hội đều có nguy cơ khiến tòa báo bị cơ quan quản lý “nhắc nhở”.

Mạng xã hội, cũng như bất kỳ công cụ truyền thông nào khác luôn là con dao hai lưỡi. Cả đời cầm dao gọt đẽo thể nào cũng có lúc bị đứt tay, chảy máu. Nhưng không vì thế mà quay về thời đại dùng rìu đá làm công cụ sáng tạo nghệ thuật, càng không thể dùng rìu đá để xây lâu đài quyền lực.

“Sống chung với lũ” là điều mà các nhà khoa học đã ngộ ra và giới chính trị gia cũng đã gật đầu công nhận. Sống chung với “mạng xã hội” thì Thủ tướng đã chỉ ra rồi, cấp dưới và đồng liêu chắc cũng nhận thấy, vấn đề là phải mất mấy tháng hay mấy năm người dân mới có thể yên tâm đón nhận thông tin chính thống trên mạng xã hội mà không phải mất công vượt tường lửa để tìm kiếm món ăn tinh thần mà không biết nó bổ hay độc!

Một bài viết trên Tạp chí Cộng sản ngày 7/5/2013 có đoạn: “Tham nhũng làm tổn hại nghiêm trọng sức mạnh của chế độ, làm tổn thương xã hội và xâm hại lợi ích của nhân dân. Tham nhũng còn làm hoen ố thanh danh của Đảng, làm sụt giảm niềm tin của nhân dân. Nếu không kiên quyết chống tham nhũng thì cũng không thể xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. [5]

Chống tham nhũng không thể tách rời việc minh bạch thông tin và cung cấp thông tin kịp thời cho người dân, sử dụng mạng xã hội cho mục đích này là sự đúng đắn không cần bàn cãi. Hy vọng quan điểm của người viết cũng trùng với quan điểm của tòa soạn và bạn đọc.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Khi-Thu-tuong-noi-ve-Facebook/218398.vgp

[2]http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Nhan-dan-mong-muon-duoc-biet-ket-qua-lay-phieu-tin-nhiem-Bo-Chinh-tri-post154628.gd

[2] http://thongke2010.mic.gov.vn/Default.aspx?tabid=133

[4] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/211369/50--lanh-dao-tp-hcm-khong-dung-email.html

[5] http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=21351&print=true

XUÂN DƯƠNG