Ai bảo vệ dân khi họ đã "tan cửa nát nhà" vì bị lừa đi lao động xuất khẩu?

26/01/2015 06:08
Xuân Hòa
(GDVN) - Nạn XKLĐ chui dẫn đến rất nhiều hệ lụy, các nạn nhân không chỉ phải mang gánh nặng nợ nần mà tính mạng, công việc, quyền lợi không được đảm bảo nơi xứ người.

Tiếp tục bài viết Tan cửa nát nhà vì xuất khẩu lao động chui, ở bài này, chúng tôi thông tin về các giải pháp của chính quyền, đã có những biện pháp nào để bảo vệ người dân của mình?

Không chỉ chui, họ còn bị lừa

Trở lại vụ lừa đảo do nhóm đối tượng do Lê Đạo cầm đầu. Khoảng tháng 7/2013, Công an huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã liên tục nhận được đơn của nhiều người dân tại huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hướng Hóa và TP.Đông Hà (Quảng Trị) trình báo việc họ bị lừa đảo hàng chục triệu đồng mỗi người để đi XKLĐ sang Hàn Quốc.

Ngay lập tức, Công an huyện Gio Linh đã xác lập Chuyên án 139XK ngày 9/8/2013 để vào cuộc điều tra. Phải mất hơn 2 tháng đấu tranh, Công an huyện này mới bắt được 3 tên lừa đảo Nguyễn Minh Tuấn (28 tuổi, trú tại thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh); Ngô Anh Tuấn (38 tuổi, trú tại khu phố 4, phường 3, TP.Đông Hà) và Lê Đạo (32 tuổi, trú thị trấn Đạ Tẻh, H.Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng). Cả 3 đối tượng trên sau đó đã bị khởi tố tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Không biết đến bao giờ nước mắt của người mẹ Vân Kiều này mới thôi rơi vì đứa con trai độc nhất của bà vẫn đang bặt vô âm tín nơi xứ người (ảnh Ngọc Xanh)
Không biết đến bao giờ nước mắt của người mẹ Vân Kiều này mới thôi rơi vì đứa con trai độc nhất của bà vẫn đang bặt vô âm tín nơi xứ người (ảnh Ngọc Xanh)

Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 4/2013, Minh Tuấn móc nối với Anh Tuấn và Lê Đạo ra Quảng Trị dụ dỗ nhiều lao động đi Hàn Quốc với giá 85 triệu đồng/người. Có 9 nạn nhân đã nêu sập bẫy của chúng. Hậu quả là các nạn nhân phải gánh chịu khoản nợ khổng lồ, đã nghèo nay còn khốn đốn hơn.

Không những nạn nhân của nhóm Minh Tuấn chịu khổ cực, chính gia đình của Tuấn cũng chịu sự ghẻ lạnh, điều tiếng của làng xóm. Bà Đặng Thị Th. (63 tuổi, mẹ Nguyễn Minh Tuấn) đôi mắt thâm quầng vừa khóc vừa cho biết: Chồng bà qua đời khi Minh Tuấn chưa tròn 2 tuổi. Một mình bà lăn lộn với nuôi 5 đứa con ăn học. Đến tuổi xế chiều những tưởng bà được nương nhờ con cái nhưng nay lại phải chịu điều tiếng rằng “không biết dạy con để con đi lừa đảo”.

“Tôi khổ lắm các chú ơi! Bây giờ tôi ra đường có dám nhìn mặt ai đâu. Nuôi nó (Minh Tuấn-PV) từ nhỏ tới lớn, đến khi hắn đi làm cũng chẳng cho tôi nổi một đồng. Tôi không trách nó vì chuyện đó mà chỉ buồn, tại sao nó không chịu làm ăn lương thiện mà đi lừa gạt người khác. Ngay cả hàng xóm, láng giềng mà nó cũng không tha”, bà Th. nghẹn giọng nói.

Bị cáo Phan Văn Quy bị kết tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép (ảnh Ngọc Xanh)
Bị cáo Phan Văn Quy bị kết tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép (ảnh Ngọc Xanh)

Trước đó, vào năm 2011 Công an huyện Cam Lộ (Quảng Trị) cũng đã phát hiện ra một đường dây môi giới XKLĐ trái phép sang Trung Quốc. Qua theo dõi, đơn vị này đã bắt quả tang Nguyễn Thị Tuyết (26 tuổi, trú xã Cam Nghĩa, Cam Lộ) về hành vi tổ chức đưa người XKLĐ trái phép sang Quảng Châu (Trung Quốc).

Theo cơ quan điều tra, mỗi người muốn đi sang Trung Quốc phải đưa cho Tuyết 6 triệu đồng. Các lao động khi đi không cần hợp đồng lao động, hộ chiếu, giấy thông hành và cũng không cần phải học tiếng. Từ tháng 3 đến tháng 6/2011, Tuyết đã đưa hơn 30 người, chủ yếu là dân của xã Cam Nghĩa và Cam Chính, huyện Cam Lộ sang Trung Quốc. Theo số liệu của Công an huyện Cam Lộ, đến thời điểm này trên địa bàn đã có 58 trường hợp bỏ nhà, vượt biên sang Trung Quốc lao động chui.

Chị H.T.N. (24 tuổi, trú tại xã Cam Chính, người từng sang Trung Quốc theo đường dây của Tuyết) cho biết: “Chúng tôi phải chui lủi đi đường rừng, đường sông để sang Trung Quốc. Sau đó được đưa vào làm trong một công ty sản xuất hoa nhựa ở tỉnh Quảng Châu. Mỗi tháng chúng tôi mỗi người được trả lương 4,5 triệu đồng nhưng Tuyết giữ lại hết. Tuyết nói qua Trung Quốc làm 8 tiếng mỗi ngày nhưng thực tế qua đó chúng tôi phải làm 10 tiếng mỗi ngày. Ai chịu không nổi muốn về thì phải nộp cho Tuyết 12 triệu đồng”.

Anh Nguyễn Thanh Tình đã khốn khó nay lại rơi vào cảnh nợ nần chồng chất do quá tin tưởng và những kẻ lừa đảo trong một đường dây lao động chui (ảnh Ngọc Xanh)
Anh Nguyễn Thanh Tình đã khốn khó nay lại rơi vào cảnh nợ nần chồng chất do quá tin tưởng và những kẻ lừa đảo trong một đường dây lao động chui (ảnh Ngọc Xanh)

Ngày 27/11/2014, đối tượng Phan Văn Quy (38 tuổi, trú huyện Gio Linh, Quảng Trị) cũng bị đưa ra xét xử vì tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.

Theo cáo trạng, năm 2013 Phan Văn Quy vượt biên sang Trung Quốc lao động tại một công ty nội thất. Đầu năm 2014, biết Quy về quê ăn Tết nên phía công ty đề nghị, nếu Quy đưa người sang công ty lao động sẽ được thưởng 2.000 nhân dân tệ (tương đương 6 triệu đồng) trong suốt 3 tháng.

Thấy món làm ăn béo bở nên ngay lập tức, Quy về quê phao tin công ty cần tìm lao động mức lương 8-10 triệu đồng/tháng, công việc nhẹ nhàng. Nghe vào những lời đường mật của Quy nên đã có 28 người đến nhờ Quy giới thiệu. Ngày 4/3/2014, Quy thuê xe và đưa số người trên ra Hà Giang. Sau đó, Quy cùng Giàng Văn Phà đưa tất cả vượt biên sang xuất khẩu lao động chui tại Trung Quốc.

Mỗi năm có hàng nghìn lao động tại Quảng Trị đến Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh để làm thủ tục đăng ký đi xuất khẩu lao động nước ngoài (ảnh Ngọc Xanh)
Mỗi năm có hàng nghìn lao động tại Quảng Trị đến Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh để làm thủ tục đăng ký đi xuất khẩu lao động nước ngoài (ảnh Ngọc Xanh)

Tuy nhiên, bị lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Giang phát hiện nên 15 trường hợp đã bị bắt giữ. Số còn lại đã cùng Quy trốn sang biên giới Trung Quốc trót lọt. Làm việc được 5 ngày ở công ty do Quy giới thiệu, số lao động trên bị đưa trả về Việt Nam vì bị lực lượng chức năng Trung Quốc truy quét.

Ngày 20/3/2014, Quy đến Đồn Biên phòng Cảng Cửa Việt đầu thú. Sau đó, Quy và Giàng Văn Phà đã bị hội đồng xét xử tuyên phạt hai bị cáo cùng mức án 2 năm tù treo.

Chỉ tuyên truyền là chưa đủ

Nạn XKLĐ chui dẫn đến nhiều hệ lụy, các nạn nhân không chỉ phải mang gánh nặng nợ nần mà tính mạng, công việc, quyền lợi không được đảm bảo và còn có nguy cơ dính vào cạm bẫy buôn bán người. Chính vì vậy, ngoài công tác triệt phá các đường dây, đối tượng lừa đảo đưa người vượt biên trái phép, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị còn ra sức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mỗi người dân để dần dần loại bỏ tệ nạn này.

Ông Hồ Văn Tấn - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết: “ Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số người dân đang cần việc làm. Đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, các đối tượng lừa đảo vẽ ra cho họ con đường XKLĐ sang các nước như Trung Quốc, Lào, Hàn Quốc… rất tươi sáng như việc nhẹ lương cao để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Cũng có những đối tượng mặc dù không có mục đích lừa đảo nhưng vì nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên đã tổ chức đưa người XKLĐ “chui”, vượt biên trái phép.

Việc XKLĐ chui sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ như mua bán người, mua bán nội tạng… Tính mạng, sức khỏe, quyền lợi của người XKLĐ sẽ không được đảm bảo bởi không có cơ quan giám hộ và chắc chắn họ phải sống chui lủi bởi vì chính quyền nước sở tại sẽ trục xuất khỏi nước họ khi bị phát hiện nhập cư trái phép”.

Cũng theo ông Tấn, để hạn chế và trấn áp tình trạng XKLĐ chui, Công an tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các cơ quan ban ngành tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật sâu rộng đến từng hộ dân.

Ông Tấn nhấn mạnh: “Người dân muốn XKLĐ thì hãy đến Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh hoặc tìm đến công ty được sự cấp phép của Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội để được tư vấn, hỗ trợ. Đừng vì các mối quan hệ thân quen mà dễ mắc vào cạm bẫy”.

Ông Võ Văn Hoàn – Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Trị cho biết: “Xuất khẩu lao động theo đường chính thống thì cần học tiếng, đào tạo cơ bản, cần đảm bảo các tiêu chí về sức khỏe, tuổi tác, thủ tục hồ sơ khá nhiều … Trong khi đó, XKLĐ chui bỏ qua các yêu cầu trên nên chi phí rẻ hơn và nhanh được xuất ngoại hơn. Chính vì thế mà nhiều người chỉ nhắm vào lợi ích trước mắt mà quên đi hệ lụy về sau để lao vào XKLĐ chui, cuối cùng phải gánh chịu hậu quả đáng tiếc”.

Ông Hoàn cho biết thêm: “Trong 3 năm gần đây, bình quân mỗi năm Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Trị hỗ trợ 180 đến 200 người XKLĐ sang các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia…. Gần 100% lao động mang lại hiệu quả cao, có thu nhập khá làm thay đổi được đời sống gia đình. Vậy nhưng, hiện nay cánh cửa XKLĐ đang bị bó hẹp lại bởi có nhiều lao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng vẫn không chịu về nước và nghiễm nhiên họ trở thành lao động trái phép, sống chui lủi tránh bị cơ quan nước sở tại bắt giữ”.

Về vấn đề trên anh Nguyễn Minh Sơn – Cán bộ Sở Lao động Thương Binh và XÃ hội tỉnh Quảng Trị cho hay: “Những năm qua, Sở đã phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Thanh niên… mở các hội nghị việc làm, tư vấn XKLĐ, sàn giao dịch việc làm lưu động đến tận các cụm xã trên toàn tỉnh để hỗ trợ người dân XKLĐ khi có nhu cầu. Tính đến hết tháng 10/2014, Quảng Trị đã giải quyết việc làm cho 10.061 lao động, trong đó XKLĐ có 1.232 lao động”.

Công tác dạy nghề cho nghề cũng được Quảng Trị chú trọng. Theo báo cáo gần nhất ngày 26/11/2014 thì Quảng Trị đã dạy nghề cho 3.615 người. Tuy nhiên, tại các vùng nông thôn (nơi công việc đang bức thiết, người dân dễ theo đường XKLĐ chui nhất) tỷ lệ học viên sau đào tạo có việc làm chưa cao. Đặc biệt ở các ngành phi nông nghiệp tỷ lệ lao động có việc làm càng thấp.

Như vậy, để giải quyết dứt điểm nạn xuất khẩu lao động “chui” các cấp, các ngành cần có giải pháp mạnh hơn nữa để giải quyết tỉnh trạng thiếu việc làm cho lao động, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Tránh để bị các đường dây, đối tượng lừa đảo lợi dụng đưa các lao động nơi đây vào cạm bẫy xuất khẩu lao động “chui”.

Xuân Hòa