Thủ tướng "chỉ đạo khẩn", cước vận tải đồng loạt giảm từ 1-25%

25/01/2015 07:07
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Bộ Giao thông vận tải vừa thông tin về tình hình giảm giá cước vận tải ở một số tỉnh sau chỉ đạo khẩn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tại phiên họp thảo luận về những tác động của giá dầu thế giới giảm đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2015 và đưa ra các kiến nghị, giải pháp với Chính phủ về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian tới diễn ra chiều 22/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu ngay trong tuần này, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các Bộ liên quan họp bàn và đưa ra giải pháp và chỉ đạo giảm giá cước vận tải. Thủ tướng yêu cầu phải giảm giá cước dịch vụ vận tải trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu điều hành hợp lý giá xăng dầu bán lẻ trong nước trên tinh thần so sánh với mặt bằng giá bán lẻ các nước trong khu vực nhằm chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới; đảm bảo lợi ích của đất nước, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Bộ Giao thông vận tải đã có Công điện về công tác kê khai, niêm yết giá cước, thực hiện giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm.

Theo báo cáo, đã có doanh nghiệp vận tải ở 43 tỉnh, thành phố thực hiện giảm giá cước với mức giảm từ 1-25% với mỗi loại hình vận tải. (Ảnh: DNTM)
Theo báo cáo, đã có doanh nghiệp vận tải ở 43 tỉnh, thành phố thực hiện giảm giá cước với mức giảm từ 1-25% với mỗi loại hình vận tải. (Ảnh: DNTM)

Không lâu sau đó, các địa phương đã quyết liệt chỉ đạo về quản lý giá cước vận tải và điều chỉnh giảm giá cước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính.

Theo báo cáo, đã có doanh nghiệp vận tải ở 43 tỉnh, thành phố thực hiện giảm giá cước với mức giảm từ 1-25% với mỗi loại hình vận tải. Như vậy việc giảm giá cước vẫn tải đã và đang diễn ra ở diện rộng và đều khắp. Các địa phương đều đang tiếp tục rà soát để nếu đơn vị vận tải chưa giảm hoặc giảm ít sẽ kiểm tra và yêu cầu đơn vị tính toán, kê khai lại giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm.

Tại Hải Phòng, tính đến hết ngày 19/01 vừa qua, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã có 37 đơn vị vận tải hành khách thực hiện việc giảm giá cước vận tải ở mức từ 1,3% - 23,5%, tính trung bình mức giảm là 7,7% đối với tuyến cố định và 5,5% đối với taxi; khối vận tải hàng hóa chưa có số liệu thống kê đầy đủ, tuy nhiên qua theo dõi thì hầu hết các đơn vị vận tải hàng hóa đều đã thực hiện giảm giá cước vận tải ở mức từ 2 - 3%.

Thủ tướng "chỉ đạo khẩn", cước vận tải đồng loạt giảm từ 1-25%  ảnh 2

>> Cước vận tải sẽ giảm mạnh trong tuần này?

(GDVN) - Trước tình trạng giá xăng đã giảm mạnh mà cước vận tải vẫn án binh bất động, Thủ tướng vừa có chỉ đạo khẩn.

Trong ngày 21/1/2014, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hải Phòng đã lập biên bản xử lý tại 1 đơn vị vận tải tuyến cố định do lỗi vi phạm trong đăng ký, kê khai, niêm yết giá cước tại bến xe, xử phạt vi phạm 1 phương tiện về niêm yết giá cước, tổng số tiền: 10.000.000 đồng.

Từ ngày 20 - 22/01/2015, tại Hải Phòng đã có thêm 33 đơn vị vận tải tiếp tục kê khai, điều chỉnh giảm giá cước để phù hợp với giá nhiên liệu giảm từ 3 - 18%.

Như vậy, tính đến hết ngày 22/01/2015, trên địa bàn Hải Phòng đã có tổng số 57/60 đơn vị vận tải thực hiện việc kê khai, giảm giá cước vận tải, trong đó 100% số đơn vị taxi thực hiện giảm giá.

Tại Nghệ An, đến ngày 05/01/2015 đã có 34/35 đơn vị kê khai giá cước giảm  từ 5%-25% (có 01 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt không có hỗ trợ từ địa phương, giá cước đơn vị đưa ra thấp, tuyến hoạt động khó khăn, UBND tỉnh và các Sở ban ngành liên quan đang xem xét trợ giá cho đơn vị, bên cạnh đó từ năm 2011 đến nay không tăng giá nên đợt này đơn vị không kê khai giảm).

Từ ngày 05/01/2015 đến ngày 22/01/2015 đã có 16/35 đơn vị tiếp tục kê khai giảm giá cước lần 2, với mức giảm 2% đến 25%. Qua 02 đợt giảm giá, 16 đơn vị kê khai giảm giá lần 2 đã thực hiện điều chỉnh giảm giá cước vận tải từ 8 - 35%.

Trong năm 2013 và 2014  Sở GTVT đã thành lập 03 đoàn kiểm tra, qua kiểm tra đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối vơi 09 đơn vị kinh doanh vận tải liên quan đến việc kê khai, niêm yết giá cước vận tải (cụ thể đối với các hành vi kê khai giá cước nhưng không niêm yết hoặc niêm yết không đúng giá kê khai). Tổng mức tiền xử phạt khoảng 45.000.000 đồng.

Từ ngày 15/01/2015, Tổng công ty Hàng không Việt Nam triển khai bổ sung chính sách giảm giá trên các đường bay kinh tế - xã hội cho các hành khách có hộ khẩu thường trú; quân nhân, công nhân viên chức Nhà nước làm việc tại Côn Đảo, Cà Mau, Pleiku.

Cụ thể, giá vé đường bay TP.Hồ Chí Minh - Côn Đảo được giảm giá thêm 5%, nâng tổng mức giảm là 30% so với giá vé thông thường, tương ứng với mức giá tối đa là 1.085.000 đồng/vé một chiều (so với mức giá tối đa thông thường là 1.550.000 đồng/vé một chiều).

Giá vé đường bay TP.Hồ Chí Minh - Cà Mau và Đà Nẵng - Pleiku đều được giảm giá 15% so với giá vé thông thường, tương ứng với mức giá tối đa là 1.317.500 đồng/vé một chiều (so với mức giá tối đa thông thường là 1.550.000 đồng/vé một chiều).

Do thị trường cạnh tranh, Jetstar Pacific đã thực hiện giảm giá vé trên hầu hết các đường bay từ tháng 05/2014; Vietjet Air cũng thực hiện giảm giá hạng vé skyboss trên hầu hết các đường bay.

PHONG NGUYÊN