Báo Mỹ: Không quân Trung Quốc mở rộng phạm vi tấn công ở Biển Đông

27/01/2015 09:12
Việt Dũng
(GDVN) - Không quân TQ hiện sở hữu trên 600 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 3, hầu hết tự sản xuất, còn đang phát triển thế hệ mới J-20, J-31 và các loại khác...
Trung Quốc được cho là đã triển khai 24 máy bay chiến đấu J-11B ở đảo Hải Nam - lãnh thổ cực nam của Trung Quốc - hướng Trung Quốc đòi bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông.
Trung Quốc được cho là đã triển khai 24 máy bay chiến đấu J-11B ở đảo Hải Nam - lãnh thổ cực nam của Trung Quốc - hướng Trung Quốc đòi bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông.

Mạng "Lợi ích quốc gia" Mỹ ngày 24 tháng 1 đã đăng bài viết đánh giá lực lượng không quân của các nước châu Á, cho rằng ngoài nhân tố Mỹ, Trung Quốc là lực lượng tấn công đường không đông nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện nay.

Theo bài báo, từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, không quân đều đóng vai trò then chốt trong tất cả các cuộc xung đột quân sự ở khu vực châu Á, từ chiến tranh Triều Tiên đến chiến tranh Việt Nam và chiến tranh Ấn Độ-Pakistan, sự tham gia của lực lượng đường không đã đóng vai trò mang tính quyết định. Tấn công đường không đã làm thay đổi cục diện chiến lược và ép đối thủ vào bàn đàm phán.

Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản được thành lập vào năm 1954, khởi điểm chỉ là một lực lượng bán quân sự trong khuôn khổ hiệp ước và sau Chiến tranh, trong khi đó, trải qua vài chục năm phát triển và được Mỹ giúp sức, đã trở thành một lực lượng đường không mạnh.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sở hữu trên 300 máy bay chiến đấu F-15J và F-2 cùng với số lượng nhất định máy bay chiến đấu F-4 do Mỹ chế tạo; ngoài ra, còn sở hữu rất nhiều máy bay cảnh báo sớm và một phi đội máy bay tiếp dầu trên không.

Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản xưa nay xuất sắc và nổi tiếng với chất lượng quân sự. Lực lượng Phòng vệ hàng năm tham gia diễn tập quân sự Red Flag do Mỹ chủ đạo, những năm gần đây cũng nhiều lần tổ chức diễn tập với Không quân Hàn Quốc.

Máy bay chiến đấu JH-7A của sư đoàn 9 lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc triển khai ở hướng Biển Đông, trên đảo Hải Nam
Máy bay chiến đấu JH-7A của sư đoàn 9 lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc triển khai ở hướng Biển Đông, trên đảo Hải Nam

Đến nay, để ứng phó tranh chấp lãnh thổ với Nga và Trung Quốc, tốc độ phát triển của họ đã vượt tốc độ phát triển thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nhưng, chi phí phát triển cao là một nhân tố quan trọng chi phối sự phát triển của họ như chi phí chế tạo máy bay chiến đấu F-2 dựa trên nền tảng F-16 là quá cao, tính năng lại cải thiện không lớn; tính năng của máy bay chiến đấu tàng hình F-35 đặt mua của Mỹ còn tồn tại nghi vấn.

Không quân Ấn Độ cũng là một lực lượng quan trọng của khu vực này. Không quân Ấn Độ trang bị trên 300 máy bay chiến đấu tiên tiến, trong đó phần lớn là máy bay chiến đấu Su -30MKI do Nga chế tạo cùng với rất nhiều máy bay chiến đấu MiG-21 cũ và khoảng 200 máy bay tấn công đối đất. Ấn Độ đã nhận được máy bay vận tải C-17 của Mỹ để tăng cường năng lực vận chuyển và tìm cách nhận được máy bay cảnh báo sớm.

Nhưng nền tảng công nghiệp hàng không của Ấn Độ mỏng yếu, lực lượng đường không lệ thuộc nghiêm trọng vào mua sắm vũ khí. Hiện nay, máy bay chiến đấu T-50 hợp tác nghiên cứu chế tạo với Nga vẫn đang trong quá trình nghiên cứu chế tạo và tồn tại rất nhiều vấn đề, trong khi đó kế hoạch mua sắm máy bay chiến đấu Rafale với Pháp có vô vàn điểm hoài nghi và nhiều tranh cãi.

30 năm trước Trung Quốc đã duy trì một lực lượng không quân khổng lồ, nhưng đa số là máy bay đánh chặn cũ, huấn luyện phi công không đủ, sức chiến đấu tổng thể thấp. Nhưng đến nay, tình hình đã có sự thay đổi mang tính căn bản. Hiện nay Không quân Trung Quốc trang bị trên 600 máy bay thế hệ thứ ba và rất nhiều máy bay chiến đấu cũ, máy bay cường kích – làm nhiệm vụ bổ sung sức chiến đấu.

Trung Quốc được cho là bắt đầu trang bị máy bay chiến đấu J-16 cho lực lượng hàng không Hải quân
Trung Quốc được cho là bắt đầu trang bị máy bay chiến đấu J-16 cho lực lượng hàng không Hải quân

Điều quan trọng hơn là, Trung Quốc có thể tự sản xuất hầu hết máy bay chiến đấu của họ, chẳng hạn các máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba như J-10, J-11. Trung Quốc còn có lực lượng nghiên cứu phát triển mạnh, hiện nay đang đồng thời cho bay thử hai loại máy bay chiến đấu tàng hình như J-20 và J-31.

Đồng thời, Trung Quốc cũng đang ra sức phát triển lực lượng chi viện đường không, như máy bay vận tải hạng trung và hạng nặng. Ngoài ra, máy bay cảnh báo sớm và máy bay tiếp dầu trên không với số lượng không ngừng gia tăng cũng giúp cho Không quân Trung Quốc "tiếp tục mở rộng phạm vi tấn công ở biển Hoa Đông và Biển Đông".

Cùng với việc nâng cao trình độ phần cứng, chất lượng của phi công Không quân Trung Quốc cũng đã nâng cao về chất. Hiện nay, cường độ huấn luyện phi công của Trung Quốc đã vượt đồng nghiệp Quân đội Mỹ. Không quân Trung Quốc còn tích cực tham gia giao lưu quốc tế như tìm cách tham gia các cuộc diễn tập quân sự như Red Flag, Vành đai Thái Bình Dương do Mỹ chủ đạo.

Bài viết cuối cùng cho rằng, hiện nay, nhân tố chủ yếu kiềm chế sự phát triển của Không quân Trung Quốc là vấn đề kiểm soát chất lượng của sản phẩm công nghiệp quân sự, đặc biệt là tính ổn định của động cơ nội. Ngoài ra, công nghiệp quân sự Trung Quốc còn chưa thoát khỏi công nghệ của nước ngoài, bản thân thiếu năng lực sáng tạo. Trung Quốc đang thông qua các loại con đường để phát triển sức mạnh quân sự của họ.

Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển các loại máy bay quân sự tầm xa như máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 (trong hình), nhằm tăng cường năng lực điều động, tập kết lực lượng, tác chiến tầm xa...
Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển các loại máy bay quân sự tầm xa như máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 (trong hình), nhằm tăng cường năng lực điều động, tập kết lực lượng, tác chiến tầm xa...
Việt Dũng