Cạnh tranh thị trường hàng không: Cần minh bạch!

28/01/2015 10:31
PGS.TS Phạm Quý Thọ
(GDVN) - "Để minh bạch thị trường hàng không, nhà nước nên cho phép đơn vị thứ ba thực hiện kinh doanh dịch vụ mặt đất...", PGS.TS Phạm Quý Thọ nhận định.

LTS: Gửi đến báo điện tử bài viết đánh giá về thị trường hàng không Việt Nam hiện nay và đặt ra câu hỏi về tính sòng phẳng trong cạnh tranh thị trường hàng không, PGS.TS Phạm Quý Thọ - chuyên gia chính sách công (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: "Để minh bạch thị trường hàng không, nhà nước nên cho phép đơn vị thứ ba thực hiện kinh doanh dịch vụ mặt đất kể cả vấn đề nơi đỗ máy bay, đường băng, giờ bay… Khi đó cả 3 ba hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet và Jetstar Pacific muốn được hưởng giá dịch vụ mềm thì buộc phải đấu giá..."...

Doanh nghiệp nhà nước vẫn được ưu ái?

Thị trường hàng không Việt Nam hiện nay ghi nhận 3 doanh nghiệp lớn gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet. Dù vừa qua Vietnam Airlines tiến hành IPO, bán cổ phần nhưng vốn nhà nước vẫn giữ 70%. Trong khi đó từ 2011, Vietnam Airlines tiếp nhận phần vốn nhà nước chuyển giao và Vietnam Airlines nắm cổ phần lớn trong Jetstar Pacific. 

Như vậy, dù nói thị trường hàng không đang ở thế "chân kiềng" nhưng Vietjet vẫn là hãng hàng không tư nhân duy nhất với số vốn của các cổ đông, còn Vietnam Airlines và Jetstar vẫn có phần vốn nhà nước.

Vietnam Airlines đang nhận được nhiều ưu đãiị hàng không tư nhân khó cạnh tranh (Ảnh minh họa)
Vietnam Airlines đang nhận được nhiều ưu đãiị hàng không tư nhân khó cạnh tranh (Ảnh minh họa)

Là doanh nghiệp có vốn nhà nước, trên thực tế Vietnam Airlines vẫn đang nhận được nhiều ưu ái. Như năm 2014 vừa qua, Vietnam Airlines đã đề xuất xin thêm hàng loạt cơ chế từ Bộ Giao thông Vận tải. Cụ thể như giảm 25% giá các dịch vụ hàng không áp dụng cho Vietnam Airlines trong năm 2014, bao gồm các dịch vụ hạ cất cánh, soi chiếu an ninh hàng hóa/hành lý, điều hành đi, đến; Xin giảm mức thuế suất nhập khẩu xăng dầu áp dụng cho Vietnam Airlines trong năm 2014 xuống 3%, từ mức thuế 7% hiện nay vì chi phí nhiên liệu bay hiện chiếm tới 38% tổng chi phí của hãng, xin Bộ chỉ đạo Cục hàng không ủng hộ Vietnam Airlines trong việc tái cơ cấu nguồn lực máy bay, cân đối chung giữa Vietnam Airlines, Jestar và K6…

Ngay trong phương án cổ phần hóa gửi lên Bộ Giao Thông vận tải hồi cuối tháng 6/2014, Vietnam Airlines cũng đã xin hàng loạt các cơ chế, đáng chú ý như xin giữ lại thặng dư vốn cổ phần (khoản chênh lệch giữa giá bán cổ phiếu thực tế với mệnh giá, ước khoảng 3.129 tỷ đồng trong trường hợp bán thành công 25% cổ phần giá 22.300 đồng/cp).

Và dù cổ phần hóa nhưng Vietnam Airlines vẫn tiếp tục được Nhà nước bảo lãnh miễn phí 100% vốn khi mua máy bay và cho phép miễn áp dụng quy định về tài sản thế chấp khi vay tín dụng xuất khẩu và vay vốn hỗn hợp có bảo lãnh để tiếp tục mua máy bay như đã từng được Chính phủ cho phép trong thời điểm 2011-2015.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines có lợi thế hơn nhiều các hãng hàng không còn lại, đơn cử chỉ riêng giá vé, Vietnam Airlines luôn cao hơn giá vé các hãng hàng không nội địa khác. Bên cạnh Vietnam Airlines còn được độc quyền khai thác các đường bay như TP.HCM đi Côn Đảo, TP.HCM đi Phú Yên, Pleiku, Chu Lai, Thanh Hóa… 

Cùng với lợi thế về kinh nghiệm, ưu tiên đường bay... nhưng khi Vietnam Airlines báo cáo tình hình khó khăn do tình hình khách quan đem lại, Bộ Giao thông Vận tải đã chấp thuận ngay một số kiến nghị của Vietnam Airlines như điều chỉnh giới hạn slot (lượt cất - hạ cánh) để Vietnam Airlines tăng chuyến một số đường bay. Và từ tháng 5/2014, Bộ cũng đã cho phép giảm 25% trên biểu phí dịch vụ điều hành bay đi/đến, giá cất hạ cánh, soi chiếu an ninh hàng hóa, hành lý.

Rõ ràng những ưu đãi này với doanh nghiệp có vốn nhà nước đang khiến thị trường hàng không dù có 3 hãng nhưng thực chất Vietnam Airlines vẫn nắm thế độc quyền khi chiếm phần lớn thị phần.

Cần minh bạch giá thuê dịch vụ

Không chỉ được ưu tiên về vốn, giảm giá xuất nhập khẩu xăng dầu một trong vấn đề bất cập hiện nay giữa các hãng hàng không là giá thuê dịch vụ mặt đất. Các hãng hàng không có thể mua sắm máy bay, đào tạo hoặc thuê phi công đảm bảo dịch vụ tốt trên máy bay tuy nhiên dịch vụ mặt đất lại là vấn đề khó.

Việc Air MeKong gặp khó khăn rồi ngừng bay và cuối cùng bị rút giấy phép xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng trong đó chắc chắn có việc phải cạnh tranh thị phần trong khi phải thuê giá dịch vụ cao, chi phí trả lương nhân viên lớn cộng với việc các hãng hàng không tư nhân đang phải thuê dịch vụ mặt đất tại sân bay đang là bất cập.

Trong khi đó Vietnam Airlines đang nắm quyền điều hành việc cung ứng các dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất, các dịch vụ tại nhà ga hành khách, ga hàng hóa, dịch vụ giao nhận hàng hóa, dịch vụ thương nghiệp, bán hàng miễn thuế tại nhà ga hàng không và tại các tỉnh, thành phố, các dịch vụ phục vụ sân đỗ tại các cảng hàng không, sân bay và các dịch vụ hàng không khác.

Nói cách khác trong khi các hãng hàng không khác phải thuê dịch vụ thì Vietnam Airlines vừa là hãng hàng không, vừa kinh doanh điều hành dịch vụ mặt đất... điều này không công bằng trong cạnh tranh.

Để minh bạch thị trường, nhà nước nên cho phép đơn vị thứ ba thực hiện kinh doanh dịch vụ mặt đất kể cả vấn đề nơi đỗ máy bay, đường băng, giờ bay… Khi đó cả 3 ba hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific muốn được hưởng giá dịch vụ mềm thì buộc phải đấu giá theo nguyên tắc giá cao sẽ có được giờ bay đẹp, sẽ thuê được mặt bằng dịch vụ tốt, dịch vụ tốt hơn. Như vậy “cuộc chơi” mới công bằng.

Vấn đề minh bạch thị trường, minh bạch giá thuê dịch vụ đều hướng đến các hãng hàng không cạnh tranh bình đẳng, cạnh tranh về giá vé, về vấn đề an toàn, an ninh…Tất cả đưa đến người tiêu dùng được hưởng lợi, nhà nước giảm gánh nặng từ doanh nghiệp nhà nước.

PGS.TS Phạm Quý Thọ