30 năm đổi mới và đấu tranh với tiêu cực trong Đảng

01/02/2015 10:23
Ngọc Quang
(GDVN) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: "Ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức trong Đảng".

Giải phóng miền Nam năm 1975 đã kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc bảo vệ tổ quốc kéo dài 30 năm, tuy nhiên trước tình hình đất nước bị tàn phá nặng nề vì chiến tranh đã đặt ra cho Đảng ta nhiều bài toán khó trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, nhất là những năm đầu sau giải phóng nền kinh tế nước ta chủ yếu là sản xuất nhỏ.

10 năm vượt qua thử thách

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong 10 năm (1975- 1985), cách mạng Việt Nam tiếp tục vượt qua những trở ngại lớn, giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc.

Trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, nhân dân ta đã có những cố gắng to lớn trong công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, bước đầu bình ổn sản xuất và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, những thành tựu ấy còn thấp so với yêu cầu kế hoạch và công sức bỏ ra, nền kinh tế có mặt mất cân đối nghiêm trọng, tỷ lệ lạm phát cao quá mức đe dọa tới đời sống của nhân dân ta.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (12-1986) đã nghiêm khắc kiểm điểm sự lãnh đạo của mình, khẳng định những mặt làm được, phân tích rõ những sai lầm, khuyết điểm, đặc biệt là khuyết điểm chủ quan, duy ý chí trong lãnh đạo kinh tế, đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

30 năm đổi mới và phát triển, Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế. Ảnh: Đấu thầu.
30 năm đổi mới và phát triển, Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế. Ảnh: Đấu thầu.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2000 và nhiệm vụ kinh tế- xã hội 5 năm 1991- 1995, cụ thể hóa hơn nữa đường lối đổi mới ở nước ta. Sau 10 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, đất nước ta vượt qua một giai đoạn thử thách gay go. Trong hoàn cảnh phức tạp, khó khăn, cách mạng nước ta không những đứng vững mà còn vươn lên đạt những thắng lợi nổi bật trên nhiều mặt.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (22/6 đến 1/7/1996) đã nhận định: “Công cuộc đổi mới trong 10 năm qua đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiệm vụ do Đại hội VII đề ra cho 5 năm 1991- 1995 đã được hoàn thành về cơ bản. Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế- xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc. Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành, cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

30 năm đổi mới và đấu tranh với tiêu cực trong Đảng ảnh 2Đảng Cộng sản Việt Nam: Quá trình hình thành và sứ mệnh giải phóng dân tộc

Đại hội đã đề ra nhiệm vụ từ năm 1996 đến năm 2000 là: “tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả cao và bền vững đi đôi với giải quyết những vấn đề bức xúc về xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao tích lũy từ nội bộ nền kinh tế, tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển cao hơn vào thế kỷ sau”3.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (4-2001) đã chỉ rõ: "Thực tiễn phong phú và những thành tựu thu được qua 15 năm đổi mới đã chứng minh tính đúng đắn của Đảng, đồng thời giúp chúng ta nhận thức càng rõ hơn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Thế kỷ XX là thế kỷ đấu tranh oanh liệt và chiến thắng vẻ vang của dân tộc ta. Thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ nhân dân ta tiếp tục giành thêm nhiều thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đưa nước ta sánh vai cùng các nước phát triển trên thế giới".

Dân chủ trong Đảng được tăng cường

Đại hội X của Đảng họp vào lúc toàn Đảng, toàn dân ta kết thúc 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX và đã trải qua 20 năm đổi mới.

Đại hội có nhiệm vụ: kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - x hội 5 năm 2001 - 2005 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010, nhìn lại 20 năm đổi mới; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng; bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X.

Đại hội đã căn cứ vào thực tiễn tình hình cách mạng Việt Nam đề ra nhiệm vụ hết sức quan trọng: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển.

Đồng chí Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã khẳng định tại lễ kỹ niệm 80 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam:

Có thể coi công cuộc đổi mới là cuộc cách mạng toàn diện và sâu sắc nhất trong thời kỳ mới. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển nhanh theo hướng thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu và tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đất nước không những đi ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội mà còn vượt qua được những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính tiền tệ ở khu vực những năm 1997 - 1998 và cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu.

Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp. Đó là sự nỗ lực phi thường của toàn thể nhân dân, của Đảng, Nhà nước ta. Cần nhấn mạnh, từ thực tiễn phong phú và sáng tạo của công cuộc đổi mới, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn; hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về xã hội xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản.

Hội nghị Trung ương 10 vừa qua tiếp tục bàn về về vấn đề ngăn chặn tiêu cực, suy thoái phẩm chất đạo đức trong Đảng. Ảnh: VGP.
Hội nghị Trung ương 10 vừa qua tiếp tục bàn về về vấn đề ngăn chặn tiêu cực, suy thoái phẩm chất đạo đức trong Đảng. Ảnh: VGP.

Tại Hội nghị Trung ương 10 Khóa XI vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt vấn đề: "Đánh giá về kết quả của 30 năm đổi mới (1986-2016) cũng như 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng (2011-2015), Trung ương yêu cầu phải với tinh thần thực sự khách quan, cầu thị, nhìn thẳng vào sự thật, không phiến diện, cực đoan. Thấy rõ, 30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

30 năm đổi mới và đấu tranh với tiêu cực trong Đảng ảnh 4Thủ tướng nói gì về nỗi khổ và sự bức xúc của người dân?

Đổi mới mang tầm vóc lịch sử và ý nghĩa cách mạng to lớn, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta. Nhìn tổng thể, sau 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Đồng thời, cũng phải thấy còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, bất cập cần tiếp tục nghiên cứu, tập trung giải quyết để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn. Năm năm gần đây, trong bối cảnh thế giới và trong nước có những diễn biến mới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành quả quan trọng, nhưng cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém".

Tổng Bí thư cũng đề cập tới vấn đề hết sức thời sự hiện nay, đó là công tác xây dựng Đảng: "Trung ương đặc biệt nhấn mạnh phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, nhất là tiếp tục thực hiện kiên trì, quyết liệt hơn Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức trong Đảng và trong xã hội; giữ vững, kiên định bản chất cách mạng và vai trò tiên phong gương mẫu của Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng; tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước. Tăng cường công tác tổ chức và cán bộ; xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy tính tiên phong, gương mẫu, gần dân, sát dân của cán bộ, đảng viên; có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội; cải cách hành chính trong Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng".

Trải qua 85 năm thăng trầm cùng lịch sử đất nước, Đảng ta là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; tuy đôi lúc còn có những yếu kém, khuyết điểm, nhưng điều quan trọng là Đảng sớm phát hiện ra những sai lầm, khuyết điểm của mình, đề ra những biện pháp sửa chữa đúng đắn, kịp thời. Đảng công khai tự phê bình, nhận khuyết điểm trước nhân dân, quyết tâm sửa chữa và sửa chữa có kết quả; không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tiếp thu những tinh hoa trí tuệ của nhân loại. Vì vậy, Đảng vẫn được nhân dân tin cậy là đội tiên phong chính trị, là người lãnh đạo chân chính duy nhất của cả dân tộc.

Ngọc Quang