Nên bỏ quan niệm đậu, rớt ở kỳ thi quốc gia

04/02/2015 06:06
QUỐC THẮNG
(GDVN) - Sự thay đổi liên tục kỳ thi THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng làm cho xã hội không an tâm, cần có giải pháp lâu dài đối với kỳ thi này.

Dự kiến trong tháng 2 này, Bộ GD&ĐT sẽ kết thúc lấy ý kiến góp ý cho  dự thảo tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia. Với tâm huyết của mình, một thầy giáo giảng dạy ở trường Chu Văn An, Phú Tân, An Giang có bút danh Quốc Thắng đã gửi một bài viết đến Tòa soạn.

Bài này, là "góp ý gan ruột, xuất phát từ chính thực tế giảng dạy" nhằm gửi đến lãnh đạo ngành giáo dục, mong được tiếp thu.

Tòa soạn cho rằng, đây không chỉ là góp ý với ngành, mà các ý kiến của thầy Quốc Thắng cho chúng ta nhiều góc độ nhìn nhận để thực hiện Kỳ thi quốc gia tốt nhất; tránh phải vết xe đổ như trường hợp của Thông tư 30 áp dụng với Tiểu học từ đầu năm học đến giờ.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Thực hiện Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, theo lời người đứng đầu ngành giáo dục: đổi mới thi cử là khâu đột phá. Điều này cho thấy trong vài năm trở lại đây, ngành giáo dục mỗi năm đều có sự điều chỉnh về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi Tuyển sinh đại học, cao đẳng. 

Chính sự thay đổi này làm cho mọi người không an tâm về tính ổn định của thi cử nước ta hiện nay. Ngay cả giáo viên – người trong ngành giáo dục mà còn không biết năm nay thi như thế nào, rồi năm sau có thay đổi nữa không,… Thi cử cần có sự ổn định, ít nhất trong một thời gian nhất định để giáo viên, học sinh an tâm dạy và học; xã hội hình dung và biết được cách tổ chức thi cử hiện nay để định hướng cho con em họ trong tương lai.

Nên bỏ quan niệm đậu, rớt

Giáo dục tiểu học đang thực hiện việc đổi mới cách đánh giá bằng nhận xét, bỏ qua con điểm trên cơ sở học tập kinh nghiệm giáo dục ở một số nước. Việc dạy và học tiếng Anh, Bộ đang áp dụng Khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung Châu Âu để đánh giá mức độ đạt chuẩn: A2; B1; B2; C1; C2 tương ứng mức điểm đạt tối thiểu là 3,0; 4,5; 5,5; 6,5; 7,5. Trong thi cử, người thi đạt mức điểm nào thì tương ứng với chuẩn đạt được chứ không có quan niệm đậu, rớt.

Nên bỏ quan niệm đậu, rớt ở kỳ thi quốc gia ảnh 1Mong đổi mới giáo dục lên hừng hực, nhưng thực tế lại lạnh lùng, thách thức

(GDVN) - “Tư tưởng về đổi mới tư duy giáo dục xem ra vẫn đang bốc lên hừng hực, nhưng thực tế giáo dục thì lạnh lùng, có vẻ thách thức dư luận”.

Ở kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia (kỳ thi QG) vẫn có thể áp dụng hình thức này. Việc áp dụng thực hiện như sau: chúng ta vẫn qui định có bốn môn thi, trong đó môn Văn và Toán là hai môn bắt buộc; hai môn còn lại người học tự chọn. 

Kết quả kỳ thi cũng được áp dụng tương tự như cách tính đánh giá theo Khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung Châu Âu. Những học sinh có tổng điểm bốn môn đạt trên 20 điểm thì được dự thi đại học, đạt từ 15 đến dưới 20 điểm được dự thi cao đẳng, đạt dưới 15 điểm thì học các trường trung cấp, trường nghề.

Điểm số thi được bảo lưu hàng năm. Những học sinh đạt dưới 20 điểm nhưng có nguyện vọng học đại học thì những năm sau có thể thi lại một số môn cộng với các môn bảo lưu nếu đạt trên 20 điểm thì vẫn có thể dự thi đại học. 

Với cách tính trên chúng ta loại bỏ các điểm khuyến khích, điểm trung bình cuối năm của lớp 12. Học sinh sau khi học xong lớp 12, ngành giáo dục chỉ cần cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông; nếu như học sinh không có nguyện vọng thi ở kỳ thi quốc gia thì coi như giống với các thí sinh có thi đạt dưới 15 điểm tức là họ vẫn theo học ở các trường trung cấp, trường nghề. 

Đối với người có công, người dân tộc vẫn có thể áp dụng chế độ ưu tiên với điểm chuẩn thấp hơn tương ứng 18 và 13 điểm.

Có nên lo lắng chất lượng giáo dục ở bậc phổ thông?

Việc bỏ quan niệm đậu, rớt làm cho giáo viên và cán bộ quản lý ở các trường, các sở Giáo dục đào tạo không chịu áp lực chạy theo thành tích tốt nghiệp ở đơn vị, thành tích thi đua ở địa phương; ngược lại giáo viên an tâm đầu tư tốt hơn cho giảng dạy, có điều kiện đổi mới phương pháp dạy học. 

Ngành giáo dục chỉ cần đưa ra các tiêu chí đánh giá và đầu tư nhiều vào các khâu kiểm định chất lượng giáo dục. Ở bậc trung học cơ sở, nhiều năm qua ngành giáo dục đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở lớp 9 và chỉ xét công nhận. Bậc trung học phổ thông ngành giáo dục vẫn làm được, quan trọng là sự quyết tâm của ngành.

Quy chế tuyển sinh cũng thay đổi ở các trường đại học, cao đẳng

Quy chế tuyển thẳng vẫn được áp dụng tuyển thẳng vào đại học như đã làm trong các năm qua đối với học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia; tùy theo trường mà có những quy định thêm như học sinh thi bốn môn trong kỳ thi quốc gia đạt tổng điểm là 36 hoặc 32 trở lên được tuyển thẳng vào trường. 

Quy chế tuyển sinh bình thường; tùy theo ngành, khoa các trường có thể tổ chức thi xét tuyển với 2 môn theo quy định của trường đó là hai môn văn hóa; hoặc một môn văn hóa và một môn năng khiếu; hoặc một môn văn hóa kết hợp phỏng vấn.

Việc ngoại ngữ không bắt buộc mà chỉ là môn chọn trong kỳ thi quốc gia cũng không ảnh hưởng đến đề án dạy ngoại ngữ hiện nay. Học sinh được cấp học bổng du học nước ngoài, đầu tiên là phải đạt chuẩn ngoại ngữ thì các trường cho học bổng, nhưng khi vào học thì năm thứ nhất phải học tiếp ngoại ngữ để đạt chuẩn học chuyên ngành. 

Vậy trong quy chế tuyển sinh đại học ở ta có thể thêm tiêu chí xét tuyển, ngoài hai môn xét tuyển ở trên, các trường quy định học sinh đầu vào ngoại ngữ phải đạt chuẩn A2, B1,… hoặc sau khi vào học năm thứ nhất ở đại học phải đạt chuẩn A2, B1,…; nếu đạt chuẩn thì được tiếp tục học các năm tiếp theo.

Ở nhiều nước, học sinh thi đạt mức độ nào thì học ở mức độ đó, còn thấp thì tiếp tục thi để đạt mức cao hơn chứ không quan niệm đậu, rớt. Ngành giáo dục nên nghiên cứu và đưa chuẩn để học sinh đạt được, việc tổ chức thi vẫn tiến hành như các năm trước đây. 

Nếu chưa áp dụng ngay trong năm học này thì có thể áp dụng cho những năm sau này, tạo sự ổn định lâu dài trong thi cử, hạn chế sự thay đổi liên tục; nhất là sự an tâm của xã hội về kỳ thi quốc gia.

QUỐC THẮNG