Đến 2035, kho bãi tại cửa khẩu Việt-Trung đáp ứng 100% xuất nhập khẩu

09/02/2015 12:45
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Theo Quy hoạch mới được phê duyệt, đến năm 2035, Việt Nam có thể sẽ có hệ thống kho bãi đáp ứng được 100% nhu cầu về quy mô kho bãi của hàng hóa xuất nhập khẩu

Bộ Công Thương vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển kho hàng hóa tại các cửa khẩu khu vực biên giới Việt Nam – Trung Quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là nhằm phát triển hệ thống kho bãi đồng bộ cùng với tích hợp các dịch vụ logistics trọn gói kèm theo, từng bước đi vào chuyên nghiệp và hiện đại, đáp ứng đầy đủ và thường xuyên nhu cầu tập kết lưu giữ và bảo quản hàng hóa xuất nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là xuất khẩu tại các cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc phát triển mạnh và bền vững.

Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025 có các kho bãi chủ yếu đủ để đáp ứng 80% nhu cầu về quy mô kho bãi (diện tích, sức chứa) của hàng hóa xuất nhập khẩu; cung cấp các dịch vụ quan trọng và cần thiết nhất trong quá trình tập kết, lưu giữ, chỉnh lý, bảo quản, sang xe sang tải, kiểm tra và làm thủ tục hải quan hàng hóa xuất nhập khẩu; duy trì sự ổn định và từng bước nâng cao tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Đến năm 2035, sẽ có hệ thống kho bãi hoàn chỉnh và đồng bộ, đáp ứng được 100% nhu cầu về quy mô kho bãi (Ảnh minh họa: KT - VOV)
Đến năm 2035, sẽ có hệ thống kho bãi hoàn chỉnh và đồng bộ, đáp ứng được 100% nhu cầu về quy mô kho bãi (Ảnh minh họa: KT - VOV)

Đến năm 2035, chúng ta có thể có hệ thống kho bãi hoàn chỉnh và đồng bộ, đáp ứng được 100% nhu cầu về quy mô kho bãi (diện tích, sức chứa) của hàng hóa xuất nhập khẩu; cung cấp trọn gói theo hướng tích hợp đồng bộ các dịch vụ logistics gắn với kho bãi (trong tất cả các công đoạn của xuất nhập khẩu hàng hóa); thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc phát triển mạnh và bền vững. 

Tiêu chí quy hoạch bao gồm số lượng, quy mô, cơ cấu loại hình theo công năng và mục đích sử dụng của kho bãi phải phù hợp với nhu cầu về kho bãi (nhu cầu về sức chứa, nhu cầu về dịch vụ phục vụ kèm theo) của hàng hóa xuất nhập khẩu và hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu.

Vốn đầu tư phát triển kho bãi ở đâu?

Để làm được điều này, Vụ thương mại Biên giới và miền núi đề nghị huy động vốn đầu tư. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã chấp thuận đề xuất của Vụ thương mại Biên giới và miền núi là nguồn vốn đầu tư phát triển kho bãi cơ bản là của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó chủ đạo và nòng cốt là các doanh nghiệp chuyên kinh doanh, khai thác kho bãi và dịch vụ kho bãi.

Về lựa chọn nhà đầu tư, Bộ trưởng nhấn mạnh cần chú trọng đến các công ty chuyên nghiệp về kho bãi (xây dựng, vận hành, khai thác và cung cấp dịch vụ), đảm bảo thỏa mãn các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp đầu tư đủ năng lực cả về tài chính, quản trị, có uy tín, thương hiệu trong ngành và tại địa phương, hoạt động hiệu quả trong 3 năm trở lại đây.

Cùng với đó, để khuyến khích đầu tư, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị có liên quan cung cấp quỹ đất sạch thỏa đáng theo nhu cầu của nhà đầu tư; vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật về tiền thuê đất (mức giá thuê, thời hạn, cách nộp tiền thuê) theo hướng có lợi cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, còn có các ưu đãi phù hợp về mặt tài chính, nhất là trong giai đoạn mới ra đời và hoạt động của nhà đầu tư kinh doanh kho bãi.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Vụ thương mại Biên giới và miền núi nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi đặc thù để khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển hệ thống kho bãi tại các cửa khẩu thuộc các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, phải phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, phát triển đội ngũ nhân lực quản trị, vận hành kinh doanh kho bãi, phát triển nhu cầu sử dụng kho bãi và dịch vụ kho bãi của thương nhân xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, phải tiếp tục trao đổi để thống nhất thỏa thuận với phía Trung Quốc về tổ chức cung cấp dịch vụ tại các cửa khẩu biên giới hai nước theo hướng các dịch vụ phục vụ cho hàng hóa và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có dịch vụ kho bãi (tập kết, lưu kho, lưu bãi, chỉnh lý, xếp dỡ, bao gói, bảo quản và sang xe sang tải, kiểm tra hàng hóa…) tập trung tiến hành tại hệ thống kho bãi của các cửa khẩu trên lãnh thổ Việt Nam.

PHONG NGUYÊN