Nhà máy xi măng gây ô nhiễm được đề nghị tăng 6 lần công suất

10/02/2015 07:02
Duy Phong
(GDVN) - UBND tỉnh Hòa Bình vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nâng công suất Nhà máy xi măng Trung Sơn (Lương Sơn –Hòa Bình) lên gần 6 lần.

Ngày 03/2/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang ký Văn bản số 135/UBND-CNXD gửi Thủ tướng Chính phủ với nội dung: "Dự án xây dựng Nhà máy xi măng Trung Sơn đã được Thủ tướng cho phép đầu tư tại Công văn số 535/TTg-CN ngày 06/4/2006 và được UBND tỉnh Hòa Bình cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Nhà máy có công suất 910.000 tấn/năm…

Hiện, nhà máy được cấp 01 mỏ đá vôi tại xã Trung Sơn với diện tích khai thác là 23,19ha và 01 mỏ sét tại xã Tân Thành (Lương Sơn) diện tích 15ha; mặt bằng xây dựng nhà máy với diện tích 54,7ha…

Để tận dụng nguồn nguyên liệu hiện có, mặt bằng nhà máy và những công trình phụ trợ đã đầu tư, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ và tăng thu ngân sách địa phương, UBND tỉnh Hòa Bình kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng và nâng công suất Nhà máy từ 910.000 tấn xi măng/năm lên đến 5,5 triệu tấn xi măng/năm; đồng thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030...".

Nếu tăng công suất Nhà máy xi măng Trung Sơn lên gần 6 lần thì hàng ngàn hộ dân địa phương sẽ đứng trước nguy cơ phải gánh chịu thêm cảnh ô nhiễm trầm trọng. (Ảnh: Duy Phong)
Nếu tăng công suất Nhà máy xi măng Trung Sơn lên gần 6 lần thì hàng ngàn hộ dân địa phương sẽ đứng trước nguy cơ phải gánh chịu thêm cảnh ô nhiễm trầm trọng. (Ảnh: Duy Phong)

Như vậy, nếu kiến nghị của UBND tỉnh Hòa Bình được chấp thuận thì hàng ngàn hộ dân sống xung quanh khu vực Nhà máy xi măng Trung Sơn lại có nguy cơ gánh chịu ô nhiễm tăng thêm nhiều lần.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Dương Thanh Bình, Phó Giám đốc phụ trách Nhà máy xi măng Trung Sơn cũng thừa nhận: “Đấy là quy hoạch sai lầm nhất của cái tỉnh này và các bộ ngành… Khi quy hoạch nhà máy xi măng phải đẩy dân đi chỗ khác. Tớ phê phán với tỉnh này rồi chứ. Khi quy hoạch khu công nghiệp thì phải buộc giãn dân đi, nhưng lại giãn ngay bên cạnh nhà máy xi măng, trường học cấp 2 cũng để bên cạnh nhà máy rồi để dân khiếu kiện...".

Ông Bình còn có phát ngôn gây sốc khi khẳng định: “Thanh tra, Công an môi trường tỉnh vào 02 lần rồi, tôi đều đuổi về cả vì không hiểu biết. Đáng lẽ ra các cơ quan môi trường của tỉnh phải quá hiểu biết trong giai đoạn bắt đầu … ".

Ông Dương Thanh Bình, Phó Giám đốc phụ trách Nhà máy xi măng Trung Sơn có phát ngôn đầy "thách thức" khi khẳng định: Thanh tra, Công an môi trường tỉnh vào 02 lần rồi, tôi đều đuổi về cả... (Ảnh: Duy Phong).
Ông Dương Thanh Bình, Phó Giám đốc phụ trách Nhà máy xi măng Trung Sơn có phát ngôn đầy "thách thức" khi khẳng định: Thanh tra, Công an môi trường tỉnh vào 02 lần rồi, tôi đều đuổi về cả... (Ảnh: Duy Phong).

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại xã Trung Sơn có đến 02 nhà máy xi măng là Trung Sơn và Vĩnh Sơn. Tình trạng ô nhiễm nặng nề đã tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân các xóm Bến Cuối, Mái, Lộc Môn… khiến tài sản, cây cối, hoa màu và rau các loại bị phủ những lớp bụi dày, không phát triển và không sử dụng được.

Đặc biệt, việc học tập và giảng dạy của giáo viên và học sinh trường THCS ở ngay cạnh nhà máy bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bụi và tiếng ồn. Bụi xi măng đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe trước mắt và lâu dài cho dân cư trên địa bàn với các loại bệnh về mắt và đường hô hấp, nhất là người già và trẻ em.

Ngay bên cạnh Trung Sơn là người dân xã Thành Lập cũng bị khốn khổ vì các nhà máy xi măng. Thôn Ao Kềnh (Thành Lập) có 10 ha lúa gần nhà máy, trước đây là cánh đồng tốt nhất của thôn, nhưng nay là khu vực lúa xấu, năng xuất thấp do ảnh hưởng nặng nề của khói bụi. Các loại cây ăn quả và các loại rau cũng trong tình trạng tương tự. Một số diện tích nuôi trồng thủy sản vào buổi sáng phải dùng sào đập nước để tạo không khí cho cá vì bụi xi măng phủ kín mặt ao...

Duy Phong