Báo Đài Loan: Mỹ, Nhật đóng vai trò bảo hộ, xây dựng ở Biển Đông

10/02/2015 07:38
Hồng Thủy
(GDVN) - Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản không giới hạn phạm vi, khi cần thiết sẽ điều lực lượng tham gia các sự vụ ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani.

Tờ Vượng Báo của Đài Loan ngày 10/2 bình luận, cục diện Biển Đông hiện nay vô cùng phức tạp bởi mỗi bên liên quan đều có những tính toán riêng của mình, không chỉ các bên có yêu sách trực tiếp mà ngay cả Mỹ và Nhật Bản cũng lần lượt đóng vai trò người bảo hộ tích cực và hợp tác mang tính xây dựng.

Tư lệnh Hạm đội 7 của hải quân Hoa Kỳ mới đây bày tỏ hoan nghênh Nhật Bản sẽ tuần tra bầu trời Biển Đông, ngay sau đó Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản khẳng định, Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia của Nhật Bản. Do đó hoạt động tuần tra cảnh giới của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản không giới hạn phạm vi, khi cần thiết sẽ điều lực lượng tham gia các sự vụ ở Biển Đông, Vượng Báo lý giải.

Ngoài Mỹ và Nhật Bản liên tục có hoạt động ở Biển Đông, gần đây Philippines cũng lần đầu tiên công khai yêu cầu ASEAN bày tỏ rõ lập trường phản đối Trung Quốc xây dựng, cải tạo bất hợp pháp đá thành đảo ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Manila cũng cảnh báo, hành vi của Bắc Kinh sẽ uy hiếp trực tiếp Đông Nam Á.

Vượng Báo nhấn mạnh, Philippines đã nỗ lực phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam chỉ sau Mỹ và Nhật Bản để đoàn kết các nước nhỏ ở Biển Đông lại với nhau. So với các nỗ lực của Mỹ, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam thì Malaysia tỏ ra khá trầm lặng, Vượng Báo bình luận. Tuy nhiên trong năm 2014 Malaysia cũng đã tích cực tham dự các hội nghị về Biển Đông, đồng thời còn cho thấy sẽ mở rộng thực lực quân sự và ngoại giao chiến lược tren hướng Biển Đông.

Trong một động thái có liên quan, tờ The Diplomat của Nhật Bản ngày 10/2 lưu ý, Trung Quốc đang ra sức o bế hành động của Đài Loan cải tạo (bất hợp pháp) đảo Ba Bình nằm trong quần đảo Trường Sa. Đài Loan đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp vận tải Trung Quốc để chở vật liệu xây dựng ra đảo Ba Bình và được giám sát bởi các tàu của Đài Loan khi hàng hóa được bốc dỡ.

The Diplomat cho biết, Bắc Kinh dung túng hành động của Đài Bắc ở Biển Đông với ý niệm "đại diện cho yêu sách lãnh thổ (vô lý, phi pháp) của người Hoa ở Biển Đông, bao gồm 2 bờ eo biển Đài Loan". Năm ngoái, người phát ngôn của Ủy ban Đài Loan từ Bắc Kinh kêu gọi 2 bờ nên hợp tác bảo vệ (cái gọi là) chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chung của dân tộc.

Tuy nhiên báo Nhật lưu ý, Đài Loan không có khả năng theo đuổi hợp tác đáng kể với Trung Quốc ở Biển Đông bất chấp việc thuê tàu Trung Quốc chở vật liệu ra Ba Bình đang dấy lên mối quan ngại từ giới lập pháp Đài Bắc.

Hồng Thủy