Chuyên gia Nga nghi ngờ năng lực chế tạo tàu sân bay của Trung Quốc

20/02/2015 08:31
Đông Bình
(GDVN) - Kinh phí cải tạo tàu cũ không khác gì chế tạo mới, kinh nghiệm về tàu Vikramaditya của Nga cho thấy việc cải tạo gặp rất nhiều khó khăn.
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc

Mạng "Sputnik" Nga ngày 16 tháng 2 đưa tin, gần đây ngày càng nhiều dân mạng Trung Quốc bày tỏ quan tâm tới khả năng tàu tuần dương Kiev và Minsk của Liên Xô cũ được cải tạo thành tàu sân bay hiện đại, điều nãy cũng đã thu hút sự quan tâm của các nhà quan sát nước ngoài.

Chuyên gia Cashin thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga đã tiến hành đánh giá về khả năng Trung Quốc cải tạo tàu Kiev và tàu Minsk thành tàu sân bay cũng như việc Trung Quốc dựa trên cơ sở này để phát triển mạnh mẽ tàu sân bay.

Về vấn đề thứ nhất, có thể đưa ra đáp án hoàn toàn rõ ràng: Hoàn toàn có thể cải tạo thành tàu sân bay. Tàu Kiev và Minsk có thể cải tạo thành "tàu sân bay thực sự", máy bay có thể hoàn thành cất hạ cánh bên trên.

Vấn đề thứ hai - việc cải tạo phải chăng có ý nghĩa, đáp án cũng rất rõ ràng. Việc cải tạo này có hiệu quả rất ít, khả năng Trung Quốc cải tạo chúng rất nhỏ. Nếu muốn thực hiện, số tiền bỏ ra cũng tương đương với chi phí chế tạo tàu sân bay mới, hơn nữa còn phải gánh rủi ro công nghệ to lớn, cuối cùng thu lại là một sản phẩm rất bình thường.

Tàu Kiev và tàu Minsk khác với tàu tuần dương Varyag của Liên Xô cũ, được người Trung Quốc cải tạo, chỉ có thể mang theo máy bay Yak-38 và trực thăng cất hạ cánh thẳng đứng. Hơn nữa, chúng phải cũ hơn nhiều so với Varyag. Kiev là tàu tuần dương chở máy bay kiểu cũ nhất, bắt đầu phục vụ từ năm 1975; còn tàu Minsk chính thức biên chế cho Hải quân Liên Xô vào năm 1978. Trước khi Liên Xô tan rã, những tàu chiến này đã lão hóa nghiêm trọng.

Có thể thấy, quy mô công tác cải tạo những tàu tuần dương này thành tàu sân bay thực sự không thể so sánh với việc cải tạo tàu Varyag thành tàu Liêu Ninh. Gần 70% công tác chế tạo tàu Varyag của Trung Quốc đã hoàn thành, sau này, việc cải tạo nó của người Trung Quốc chủ yếu thể hiện ở việc cải tạo không gian bên trong, sự cải thiện ở các chỗ cụ thể và phối hợp với các thiết bị chuyên môn và thiết bị radar.

Tàu sân bay INS Vikramaditya Nga cải tạo cho Ấn Độ
Tàu sân bay INS Vikramaditya Nga cải tạo cho Ấn Độ

Trong 4 tàu tuần dương chở máy bay của Liên Xô, chỉ có 1 chiếc Đô đốc Gorshkov được cải tạo thành tàu sân bay có thể chở máy bay chiến đấu MiG-29K kinh điển, nó chính là tàu sân bay Vikramaditya. Nó là tàu tuần dương chở máy bay trẻ nhất, hoàn thiện nhất của lớp này.

Chỉ trong năm 1987, nó bắt đầu trang bị cho Hải quân Liên Xô, đến năm 1992 chấm dứt sử dụng, về sau ăn mòn không lớn. Điều cần đặc biệt chỉ ra là, nơi cải tạo nó thành Vikramaditya chính là Cục thiết kế Neva - nơi thiết kế tất cả các tàu sân bay lớp 1143.1-4.

Không thể nghi ngờ, cục thiết kế này có các chuyên gia kinh nghiệm phong phú và toàn bộ thông tin, tài liệu trên phương diện thiết kế tàu sân bay. Mặc dù vậy, nhiệm vụ cải tạo vẫn tương đối nặng nề. Trên thực tế, đã tiến hành thiết kế lại đối với toàn bộ con tàu. Phần lớn các bộ kiện được thay thế, bao gồm nồi hơi của hệ thống động lực chính, nhà chứa máy bay và đường băng lắp toàn bộ thiết bị.

Ngoài ra, kiến trúc bên trên được xây dựng lại toàn bộ, đã thay thế vũ khí và thiết bị điện tử vô tuyến điện. Công tác cải tạo thường bị gián đoạn, bị gác lại, chi phí cải tạo không ngừng tăng lên. Ngay từ năm 2004 đã ký kết tất cả văn kiện hợp đồng liên quan đến cải tạo. Kế hoạch ban đầu hoàn thành vào năm 2008, nhưng trên thực tế, Hải quân Ấn Độ mãi đến năm 2013 mới nhận được tàu sân bay này.

Điều này không chỉ cho thấy việc cải tạo tàu tuần dương chở máy bay của Liên Xô trở thành tàu sân bay là khả thi về nguyên tắc, hơn nữa cũng cho thấy nhiệm vụ cải tạo khó khăn như thế nào.

Trung Quốc tiến hành cải tạo như vậy phải khó khăn hơn Nga nhiều, bởi vì Trung Quốc không có toàn bộ tài liệu cần thiết về 2 tàu tuần dương, cũng không có chuyên gia tham gia thiết kế và cải tạo nó. Về lý thuyết, Trung Quốc có thể nhờ sự trợ giúp của Cục thiết kế Neva Nga có kinh nghiệm cải tạo.

Nhưng, phải biết rằng, Trung Quốc luôn tìm cách độc lập thực hiện kế hoạch chế tạo tàu sân bay của họ. Ngoài ra, cũng phải cân nhắc tới sự hủy hoại nghiêm trọng của thân và thiết bị của tàu Kiev và Minsk. Cải tạo chúng phải tiêu tốn rất nhiều tiền, có khả năng phải bỏ ra thời gian hơn 10 năm.

Hơn nữa, số lượng máy bay được chở trên loại tàu sân bay này không lớn lắm, việc cất hạ cánh liên tục sẽ làm mòn nghiêm trọng thân tàu. Vì vậy, nhìn vào tình hình hiện nay, việc cải tạo như vậy rõ ràng không có ý nghĩa.

Đông Bình