Chậm chuyến bay trong tết Ất Mùi tăng gấp 3 lần: Vì sao?

25/02/2015 09:31
Mai Anh
(GDVN) - Theo Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh, tỷ lệ chậm chuyến ra tăng dịp Tết vừa qua một phần do ảnh hưởng của thời tiết xấu tại miền Bắc.

Báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải về tình hình khai thác của các hãng hàng không trong dịp Tết Ất Mùi, Cục Hàng không Việt Nam cho thấy: Trong 8 ngày Tết, 4 hãng hàng không nội (bao gồm cả VASCO) thực hiện 4.203 chuyến bay. Trong số này, 928 chuyến chậm, tương đương tỷ lệ 22,1%.

Vietnam Airlines dẫn đầu về tỷ lệ chậm chuyến với 23,8%.

So với dịp tết Giáp Ngọ 2014, số chuyến chậm trong tết Ất Mùi vừa qua tăng lên gấp 3 lần. Thời điểm tết Giáp Ngọ 2014 (từ 28 tháng Chạp đến 6 tháng Giêng năm 2014) tính tổng 4 hãng hàng không nội địa Vietnam Airlines, Jetstar, Vietjet Air và Vasco đã có 304 chuyến bay chậm.

Vietnam Airlines dẫn đầu về tỷ lệ chậm chuyến với 23,8%.
Vietnam Airlines dẫn đầu về tỷ lệ chậm chuyến với 23,8%.

Tuy chưa có báo cáo con số thiệt hại về kinh tế do vấn đề chậm chuyến dịp tết Ất Mùi vừa qua tuy nhiên chắc chắn việc số chuyến bị chậm ra tăng ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân dịp Tết.

Liên quan vấn đề chậm chuyến, tỷ lệ chậm chuyến tăng cao dịp tết vừa qua, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, nguyên nhân dẫn đến số chuyến bay chậm ra tăng vừa qua do thời tiết miền Bắc dịp Tết vừa qua có nhiều diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hàng không.

“Các sân bay như Cát Bi (Hải Phòng), Thanh Hóa, Vinh bị ảnh hưởng thời tiết xấu, trời mưa, mây mù khiến chuyến bay bị chậm, việc chậm một chuyến sẽ dẫn đến ảnh hưởng dây chuyền các chuyến bay khác”, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết.

Bên cạnh đó dịp Tết nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, các hãng hàng không tăng cường chuyến bay trong khi cơ sở hạ tầng nhiều sân bay còn hạn chế về bến đỗ, đường băng … các yếu tố này phần nào làm ra tăng số chuyến bay bị chậm.

Trước tết Ất Mùi 2015, tại sân bay Tân Sơn Nhất khi có trường hợp hành khách phải chờ đợi đến 12 giờ đồng hồ với được lên tàu bay. Tỷ lệ các chuyến bay trên các đường bay trục nội địa, từ TP.Hồ Chí Minh tới các Cảng hàng không khu vực miền Bắc (Hà Nội-Nội Bài, Hải Phòng-Cát Bi, Vinh, Thanh Hóa-Thọ Xuân) tăng đột biến.

Trước tình trạng này, người đứng đầu Cục Hàng không cho biết, ngay từ ngày 13/2 ( tức 25 tháng chạp) Cục Hàng không đã có Công điện Số: 826 /CĐ-CHK gửi các hãng hàng không, các cảng hàng không, công ty quản lý bay. Trong công điện của Cục Hàng không nêu rõ các hãng hàng không phải có kế hoạch bố trí tàu bay dự phòng để kịp thời đổi tàu bay có tải cung ứng lớn hơn hoặc tăng chuyến bay khai thác. Bố trí nhân viên có đủ thẩm quyền trực toàn bộ thời gian làm thủ tục các chuyến bay, kịp thời đưa ra các phương án xử lý cụ thể…

Năm 2015 ghi nhận nhiều đợt nghỉ lễ kéo dài, nhu cầu đi lại du lịch bằng hàng không của người dân sẽ tăng cao liệu rằng Cục Hàng không sẽ có những phương án nào để tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến không xảy ra?

Trả lời câu hỏi này, Cục trưởng Cục Hàng không cho rằng, giải pháp trước mắt Cục sẽ yêu cầu các hãng rà soát toàn bộ hệ thống đặt giữ chỗ, đặc biệt là tình trạng đặt chỗ trên các đường bay (over-booking). Yêu cầu các hãng cường nhân lực tại quầy thủ tục tại các cảng hàng không phục vụ người dân.

Cùng với đó giải pháp lâu dài theo Cục trưởng Lại Xuân Thanh phải phải đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng tại sân bay như bãi đỗ, đường băng, nhà ga… Vừa qua việc khánh thành Nhà ga hành khách ở  Cảng hàng không Vinh, khánh thành nhà ga T2 – Nội Bài, khởi công xây dựng nhà ga cảng hàng không Cát Bi… Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tăng khả năng phục vụ người dân tại các cảng hàng không, giảm được vấn đề chậm chuyến.

Dịp Tết Âm lịch 2015, thị trường hàng không Việt Nam tăng trưởng mạnh cả về hàng hóa lẫn hành khách. Trong 8 ngày Tết, tổng cộng có 1,35 triệu lượt hành khách quốc tế lẫn nội địa thông qua các cảng hàng không Việt Nam, tăng 24% so với cùng kỳ dịp Tết năm ngoái.

Trong đó các hãng hàng không Viêt Nam vận chuyển gần 655.000 khách, tăng 28% so với cùng kỳ. Vietjet có lượng tăng trưởng về khách nhiều nhất với 73,9%, Jetstar Pacific tăng 53,3%, Vietnam Airlines tăng 12,9% (403.525) và VASCO tăng 26,6% (6.570).
    
Bên cạnh đó, cả 4 hãng hàng không cũng tăng trưởng mạnh về hàng hóa, với tỷ lệ 50%. Tuy nhiên, riêng Jetstar Pacific không tăng, thậm chí lượng hàng hóa thụt lùi 7,3% so với cùng kỳ Tết năm ngoái.

Mai Anh