Học giả Campuchia: Trách Phnom Penh không giải quyết được vấn đề Biển Đông

03/03/2015 14:39
Hồng Thủy
(GDVN) - Những lời buộc tội chống lại Campuchia khá căng, nhưng nó thất bại trong việc giải quyết các vấn đề chính đối với ASEAN trong vai trò đoàn thể.
Học giả Phoak Kung, đồng sáng lập kiêm đồng Chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược Campuchia.
Học giả Phoak Kung, đồng sáng lập kiêm đồng Chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược Campuchia.

Tờ Eurasia Review ngày 3/3 đăng bài phân tích của học giả Phoak Kung, đồng sáng lập viên kiêm đồng Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Campuchia đánh giá lại vấn đề Biển Đông 3 năm sau thất bại của hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm 2012 khi Campuchia làm Chủ tịch luân phiên.  Ông cho rằng những lời buộc tội Campuchia về hội nghị này không ra được nghị quyết xung quanh căng thẳng ở Biển Đông chính là sự không thừa nhận những thách thức mà mỗi quốc gia thành viên ASEAN phải đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm 2012 tại Phnom Penh đã kết thúc mà không ra được tuyên bố chung lần đầu tiên, cho đến nay dư luận vẫn còn nhắc tới vai trò của Phnom Penh. Có thể rút ra bài học gì từ sự việc này khi ASEAN bước vào một năm quan trọng để chính thức hóa tầm nhìn trở thành một Cộng đồng kinh tế? Ngay năm 2012, mọi ánh mắt đều đã đổ dồn về phía Campuchia xem nước này sẽ xử lý căng thẳng Biển Đông giữa đồng minh thân cận nhất - Trung Quốc với các thành viên ASEAN là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei như thế nào.

Theo dự kiến, Philippines và Việt Nam đã yêu cầu nêu vấn đề Biển Đông vào nội dung các cuộc đàm phán của hội nghị. Khi ASEAN thất bại trong việc đưa ra một tuyên bố chung lần đầu tiên trong 45 năm, nhiều người nhanh chóng chỉ trích Phnom Penh, Campchia đã đặt quyền lợi của họ lên trên sự đoàn kết thống nhất, vai trò trung tâm của ASEAN.

Campuchia chỉ là một phần của vấn đề phức tạp

Hậu quả của sự kiện này ảnh hưởng ngay tới quan hệ giữa Campuchia với các nước láng giềng, đặc biệt là Philippines. Đại sứ Campuchia tại Philippines đã bị gọi về sau khi có những phát ngôn gây tranh cãi đối với Philippines và Việt Nam. Nguyên nhân là các quốc gia thành viên ASEAN không đồng ý với cách diễn đạt của các tuyên bố chung liên quan đến tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough.

Trên thực tế, đây chỉ là một khía cạnh của những thay đổi chưa từng có trong trật tự khu vực và toàn cầu. Những lời buộc tội chống lại Campuchia khá căng, nhưng nó thất bại trong việc giải quyết các vấn đề chính đối với ASEAN trong vai trò đoàn thể. Lý do Campuchia (ngăn cản ra tuyên bố chung về Biển Đông) được chỉ ra là sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Trung Quốc về kinh tế. Trong thập kỷ qua Trung Quốc đã rót hàng tỉ USD viện trợ, cho vay và đầu tư sang Campuchia, Bắc Kinh trở thành nhà đầu tư lớn nhất của vương quốc Đông Nam Á này.

Ngoài ra các nhà lãnh đạo Campuchia cũng được coi là có mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc. Họ luôn ủng hộ Trung Quốc về một số vấn đề, bao gồm chính sách "một Trung Quốc". Tuy nhiên không riêng Campuchia, nhiều nhà lãnh đạo ASEAN cũng quan tâm đến "sáng kiến" của Bắc Kinh khi Tập Cận Bình tuyên bố thành lập ngân hàng Đầu tư châu Á 50 tỉ USD và lập Quỹ Con đường tơ lụa mới 40 tỉ USD và muốn trỏa thành "một phần của sáng kiến này".

Vì vậy chưa chắc cuộc họp Ngoại trưởng ASEAN năm 2012 đã có kết quả khác nếu một nước thành viên khác làm Chủ tịch luân phiên, tất nhiên Campuchia nên xử lý vấn đề một cách hiệu quả hơn, tìm giải pháp chấp nhận được cho tất cả các bên. Thất bại trong việc đưa ra tuyên bố chung đã phá hỏng hình ảnh quốc gia này và đặt Campuchia vào chỗ "khó xử" với các quốc gia láng giềng trong khu vực.

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm 2012 tại Phnom Penh thất bại trong việc ra tuyên bố chung là bởi Campuchia.
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm 2012 tại Phnom Penh thất bại trong việc ra tuyên bố chung là bởi Campuchia.

Lựa chon đá tảng hay nơi khó khăn?

Là một nước nhỏ và nghèo, Campuchia không muốn đứng về phía nào trong các bên tranh chấp khu vực cũng như quốc tế. Nếu như có thể lựa chọn, Phnom Penh sẽ đứng trung lập. Campuchia luôn giữ lập trường như vậy với các tranh chấp khác, không chỉ Biển Đông, Phoak Kung bình luận. Ví dụ như căng thẳng gần đây giữa Nhật Bản và trung Quốc ở Senkaku/Điếu Ngư. Khi Thủ tướng Hun Sen gặp người đồng cấp Nhật Bản tháng 12/2013, ông nhắc lại quan điểm trung lập của Campuchia, Phnom Penh cũng truyền tải thông điệp tương tự đến Trung Quốc.

Campuchia dự kiến sẽ có cách tiếp cận tương tự với tranh chấp hàng hải ở Biển Đông, Phnom Penh hỗ trợ mạnh mẽ đối với việc chống leo thang xung đột, tránh gây nguy hiểm cho hòa bình và làm gián đoạn các hoạt động thương mại trong khu vực. Cuộc đụng độ gần đây giữa Trung Quốc với 2 nước ASEAN, Philippines và Việt Nam đã đặt ra mối quan tâm an ninh nghiêm trọng.

Hành động đơn phương của các bên tranh chấp không nhất thiết giúp họ có thêm ưu thế trong tranh chấp ở Biển Đông, mà càng đẩy các cuộc đàm phán trong tương lai vào thế khó khăn hơn. Tệ hơn nữa, hiện tại việc tăng cường lực lượng quân sự và triển khai lực lượng ở Biển Đông có thể dẫn đến những tính toán sai lầm tiềm ẩn. Điều quan trọng cần lưu ý là tranh chấp không thể giải quyết được bằng vũ lực.

Đàm phán tay đôi bất lợi cho các nước nhỏ

Trung Quốc nhấn mạnh vào việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua đàm phán tay đôi với từng nước. Bắc Kinh đã rất tức giận khi Philippines đưa vụ việc ra Tòa án trọng tài Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Mặc dù Bắc Kinh cho là "hành đông đơn phương, làm leo thang căng thẳng", nhưng nó lại có rất nhiều ý nghĩa với các quốc gia nhỏ như Philippines để sử dụng luật pháp quốc tế như phương tiện giải quyết tranh chấp.

Vấn đề là ngay cả khi tòa án phán quyết có lợi cho Manila, Bắc Kinh có thể không tuân thủ, mặc dù điều này không có nghĩa là lợi ích của Trung Quốc không bị ảnh hưởng. Trong thực tế Campuchia đã có những kinh nghiệm tương tự trong tranh chấp biên giới với Thái Lan. Từ quan điểm của Campuchia, một giải pháp bền vững cho những tranh chấp này sẽ được giải quyết thông qua đàm phán song phương với các tổ chức khu vực như ASEAN và cộng đồng quốc tế tham gia vào với một vai trò trung gian, hỗ trợ các quốc gia nhỏ hơn trong đàm phán.

Một mình Philippines không thể tìm kiếm được một thỏa thuận công bằng với kẻ mạnh hơn là Trung Quốc. Mặt khác bất kỳ sự leo thang nào ở Biển Đông đều không có lợi cho Trung Quốc. Bắc Kinh thừa hiểu rằng, trở thành kẻ thù của các nước trong khu vực sẽ chỉ đẩy các nước này vào vòng tay Hoa Kỳ vốn đang tìm cách duy trì ảnh hưởng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cái Campuchia và các thành viên khác của ASEAN cần làm bây giờ là đẩy mạnh việc tạo ra một kênh đối thoại. ASEAN đã đúng khi giúp các bên tranh chấp thúc đẩy đàm phán ký kết bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC). Mặc dù thiếu sự tiến triển về COC (do Trung Quốc tìm mọi cách trì hoãn - PV), nhưng cho đến nay nó là con đường hứa hẹn nhất đối với một giải pháp hòa bình cho Biển Đông. Đổ lỗi cho Campuchia vì thất bại trong việc ra tuyên bố chung không phải là câu trả lời, Phoak Kung bình luận.

Cho dù có muốn hay không, ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực sẽ chỉ tăng lên, sự trỗi dậy của Trung Quốc không nên được xem như một trò chơi có tổng bằng 0. Một ASEAN vững mạnh, đoàn kết và hiệu quả có thể đại diện cho tiếng nói các thành viên của mình chính là những gì cần thiết ngay lúc này.

Hồng Thủy