Học giả Trung Quốc xuyên tạc: Đối tác chiến lược Việt-Phil chẳng đi đến đâu

10/03/2015 07:50
Hồng Thủy
(GDVN) - Cần nhắc lại lần nữa với học giả Trung Quốc này rằng, Việt Nam không đánh đổi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ lấy một thứ hữu nghị viển vông nào đó.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 9/3 đăng bài phân tích của Li Kaisheng từ học viện Quan hệ quốc tế Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải cho rằng, quan hệ giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN đang được chú ý trong những năm gần đây. Đối với ASEAN, Trung Quốc là một nước láng giềng họ cần tìm hiểu làm thế nào để có thể sống chung, còn vơi Trung Quốc, ASEAN là một liên kết mạnh mẽ không thể thay thế trong sáng kiến "Một vành đai, một con đường".

Khi các tranh chấp chủ quyền liên quan đến lợi ích cốt lõi không thể giải quyết trong ngắn hạn, theo Li Kaisheng cách thiết thực nhất để đối phó với vấn đề này là thiết đặt một số quy tắc kiểm soát tình hình. Về vấn đề này, các bên liên quan phải thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua các kênh ngoại giao, kinh tế và pháp lý thay vì sử dụng vũ lực, đặt quá trình giải quyết vấn đề trong một phạm vi có khả năng kiểm soát.

Nếu chỉ dừng ở đây, học giả này đã nói không sai và đó cũng là mục tiêu của các bên yêu sách khác ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu nói về kênh ngoại giao thì Bắc Kinh chỉ khăng khăng đòi đàm phán tay đôi với từng nước, phủ nhận vai trò của ASEAN, phủ nhận mối quan ngại và tham gia của cộng đồng quốc tế. Về pháp lý, Trung Quốc phủ nhận vai trò của Tòa án Quốc tế về Luật Biển nơi Philippines đệ đơn khởi kiện đường lưỡi bò phi pháp. Còn về Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông, hết lần này đến lần khác Bắc Kinh tìm mọi cách trì hoãn - PV.

Li Kaisheng nói rằng: Hiện nay Trung Quốc đã bị chỉ trích đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông bàng cách mở rộng hoạt động xây dựng trên một số "hòn đảo tranh chấp", tuy nhiên những người chỉ trích bỏ qua thực tế rằng một số bên yêu sách khác, đặc biệt là Philippines và Việt Nam đã khai phá các hòn đảo Bắc Kinh gọi là "bị chiếm đóng" trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã cho thấy chữ NHẪN như thế nào?!

Đầu tiên cần phải nói sòng phẳng rằng, bản chất sự việc khác xa những gì học giả Trung Quốc này đang nói về "hoạt động xây dựng trên một số hòn đảo tranh chấp". 7 địa điểm mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp là 7 bãi đá, rặng san hô và chúng đang bị Bắc Kinh biến thành đảo nhân tạo, một sự thay đổi rõ rệt diện mạo, cấu trúc vật lý. Mặt khác, 7 bãi đá này nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hoàn toàn không có tranh chấp, Trung Quốc cất quân xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1988, 1995 đến nay. Cướp của người khác một phần lãnh thổ rồi rêu rao rằng mình là chủ sở hữu là bản chất hành động của Trung Quốc ở Trường Sa - PV.

Từ khởi đầu gian dối, đánh lận con đen đó học giả Trung Quốc kiếm cớ nói rằng Việt Nam và Philippines khai phá cải tạo các điểm đảo "tranh chấp" trong nhiều năm qua là một kiểu đánh tráo khái niệm để dễ gây ngộ nhận, bởi chủ sở hữu thực sự và kẻ nhảy vào tranh cướp là 2 đối tượng bản chất khác nhau. Mặt khác, dư luận quốc tế đều thấy rõ hoạt động của Trung Quốc là thay đổi bản chất cấu trúc, biến bãi đá, rặng san hô thành đảo nhân tạo, còn các hoạt động cải tạo của Việt Nam, chỉ nhằm gia cố các cơ sở mà người Việt đã xây dựng tại đó từ ngày đặt chân khai phá chủ quyền tại quần đảo này, phục vụ nhu cầu chính đáng và hợp pháp của mình - PV

Hoàn Cầu nói rằng trong trường hợp này những gì thực sự quan trọng là các bên tranh chấp làm thế nào để tìm ra một cơ chế tương tác hiệu quá, tránh đối kháng gây ra những hiểu làm và tinh toán sai lầm. Cơ chế ấy chính là COC thì đang bị Trung Quốc ra sức tránh né. Cái học giả Li Kaisheng cho là "Trung Quốc tích cực ký một thỏa thuận với ASEAN" phải chăng là DOC? Tuyên bố chung chính Trung Quốc đã vi phạm hết lần này đến lần khác? 

Hình minh họa ẩn ý trên Thời báo Hoàn Cầu.
Hình minh họa ẩn ý trên Thời báo Hoàn Cầu.

Tờ báo cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn lời Li Kaisheng nói rằng, ASEAN cần có bước đi tích cực để khám phá một cơ chế tương tác dễ chịu với Trung Quốc, tuy nhiên Philippines và Việt Nam lại đang nghĩ đến một cái gì khác?! ASEAN luôn nỗ lực tương tác với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh thì tìm mọi cách né tránh, câu giờ. Còn "cái gì khác" mà Li Kaisheng nói Việt Nam, Philippines nghĩ đến phải chăng là một giải pháp pháp lý cho Biển Đông, thí dụ như việc Philippines khởi kiện đường lưỡi bò Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển? Nếu đúng như vậy thì đây chính là một giải pháp văn minh được chính học giả này thừa nhận ngay từ đầu.

Nhưng cái Li Kaisheng nghĩ tới không phải như vậy. Học giả này cho rằng, kể từ năm 2014 Việt Nam và Philippines đã nỗ lực thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, một kế hoạch chi tết đã được xây dựng trong vòng chưa đầy một năm và mối quan tâm chung đến vấn đề Biển Đông là yếu tố lớn nhất khiến hai nước trở nên gần gũi hơn. Li Kaisheng tuyên truyền, có vẻ Philippines và Việt Nam tìm kiếm hợp tác để đối phó với Trung Quốc "một cách tự nhiên", nhưng tiếp cận bằng cách đối đầu chỉ làm phức tạp và tê liệt các tranh chấp?!

Bình luận này của học giả Trung Quốc như một phản ứng có tật giật mình, nhìn đâu cũng thấy láng giềng liên kết chống lại Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Việt Nam từ lâu đã liên tục khẳng định, Việt Nam không dựa vào nước này để chống nước kia và muốn làm bạn với nhân dân tất cả các nước yêu chuộng hòa bình và công lý, trong đó có nhân dân Trung Quốc. Nhưng đồng thời, Việt Nam cũng quyết không đánh đổi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ lấy một thứ hữu nghị viển vông!

Học giả Trung Quốc này nói rằng, các nước ASEAN có "nhiều lựa chọn" trong việc xử lý tranh chấp với Trung Quốc, gồm: Thứ nhất là đàm phán 1 - 1 với Bắc Kinh; Thứ hai là các bên yêu sách liên kêt lại để đối phó với Trung Quốc mà hợp tác Việt Nam - Philippines là một trong những động thái mới nhất về hướng đó; Thứ ba là lấy ASEAN làm diễn đàn thảo luận một cách công bằng; Thứ tư là đưa các đối tượng bên ngoài vào Biển Đông làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc, ví dụ như Mỹ và Nhật Bản.

Lựa chọn đầu tiên do Bắc Kinh đưa ra sẽ là lựa chọn cuối cùng của Việt Nam và Philippines, theo Li Kaisheng, nhưng cả hai nước không lên chọn cái thứ tư, bởi theo báo  Trung Quốc thì Mỹ không thể hy sinh lợi ích riêng của mình để hỗ trợ Việt Nam, Philippines. Còn về lựa chọn thứ hai, học giả này cho rằng dù kết hợp lại sức mạnh của Việt Nam và Philippines cũng không bằng một phần Trung Quốc. Đúng, nhưng đó chỉ là sức mạnh cơ bắp của kẻ võ biền. Còn sức mạnh của công lý và chính nghĩa thì không đứng về phía Trung Quốc - PV.

Học giả Trung Quốc lại một lần nữa lôi vấn đề "chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa" ra làm con mồi đánh đồng với chủ quyền lãnh thổ để cho rằng, hợp tác đối tác chiến lược Việt Nam - Philippines không thể đi đến đâu, nhưng đó chỉ là nhận thức hoặc cách tuyên truyền của cá nhân Li Khaisheng và các cơ quan tuyên truyền Bắc Kinh như Thời báo Hoàn Cầu. Cần nhắc lại lần nữa với học giả Trung Quốc này rằng, Việt Nam không đánh đổi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ lấy một thứ hữu nghị viển vông nào đó.

Học giả Trung Quốc cho rằng trong ngắn hạn, quan hệ Việt Nam - Philippines có thể đạt được một số đòn bẩy trong việc đối phó với Trung Quốc, nhưng "không tốt cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Vì vậy theo Thời báo Hoàn Cầu, lựa chọn tốt nhất là giải pháp thứ 3 trong đó ASEAN đóng vai trò trung gian hòa giải. Thời báo Hoàn Cầu cho rằng Trung Quốc đã đưa ra giải pháp linh hoạt, và các bên còn lại nên thấy được sự "chân thành" của Trung Nam Hải?!

Hồng Thủy