Đa Chiều: Cấm quân Trung Nam Hải "binh biến" chỉ là tin đồn

12/03/2015 13:46
Hồng Thủy
(GDVN) - Tuy nhiên ông Tập Cận Bình đã "nhanh tay" hơn, quyết định "thay máu" Cục Cảnh vệ Trung ương bằng lực lượng tinh nhuệ và thân tín từ tập đoàn quân 38.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Đa Chiều ngày 11/3 bình luận, trong lúc kỳ họp lưỡng hội (Quốc hội và Chính hiệp) đang diễn ra ở Bắc Kinh, những tin đồn chính trị về Trung Nam Hải lại nổi lên như nấm sau mưa, đặc biệt kể từ khi Trung tướng Tào Thanh - Tư lệnh Cục Cảnh vệ Trung ương xuất hiện trong kỳ họp lưỡng hội với quân phục mang phù hiệu "đại quân khu Bắc Kinh" càng khiến tin đồn "cấm vệ quân Trung Nam Hải binh biến bất thành" lan rộng.

Hôm 10/3 tờ Nhật báo Kinh tế, Nhật báo Quốc tế của truyền thông tiếng Hoa hải ngoại đưa tin, sau khi được ông Tập Cận Bình phê duyệt, Quân ủy Trung ương đã đứng ra điều chỉnh nhân sự lãnh đạo cấp cao Cục Cảnh vệ Trung ương. Theo đó Tào Thanh được điều sang làm Phó Tư lệnh đại quân khu Bắc Kinh (có báo nói là Phó Chính ủy), Thiếu tướng Vương Thiếu Quân, Phó Tư lệnh lên thay ông Thanh nắm "cấm vệ quân".

Tướng Vương Thiếu Quân còn kiêm nhiệm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh vệ Trung ương. Xuất thân là Tư lệnh Tập đoàn quân 38 bảo vệ kinh thành, ông Vương Thiếu Quân năm nay 60 tuổi được Tập Cận Bình rất tin cậy và  thường được theo tháp tùng, bảo vệ ông Bình.

Không chỉ thay thế lãnh đạo, lần này Cục Cảnh vệ Trung ương cũng thay thế một loạt "ngự lâm quân" chuyên bảo vệ lãnh đạo cơ quan đầu não gồm Thường vụ Bộ chính trị, Quân ủy trung ương, Quốc hội, Chính phủ.

Biên chế của "ngự lâm quân" cũng được thay thế hoàn toàn bởi lực lượng tinh nhuệ tuyển chọn từ tập đoàn quân 38 điều động sang. Cục Cảnh vệ Trung ương có tiền thân là Sở Cảnh vệ Trung ương, về mặt biên chế chính thức đơn vị này thuộc Bộ Công an Trung Quốc với phiên hiệu Cục 9.

Tuy nhiên lãnh đạo Bộ Công an Trung Quốc không có thực quyền chỉ huy và quản lý đội "ngự lâm quân" này. An toàn cá nhân 7 thành viên Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc do lực lượng này chịu trách nhiệm.

"Cấm quân Trung Nam Hải" binh biến chỉ là tin đồn

Tào Thanh (khoanh tròn màu đỏ) theo sát bảo vệ Tập Cận Bình trong một dịp công cán năm 2012.
Tào Thanh (khoanh tròn màu đỏ) theo sát bảo vệ Tập Cận Bình trong một dịp công cán năm 2012.

Nhân sự lãnh đạo Cục Cảnh vệ Trung ương thay đổi là hoạt động luân chuyển, hoán tướng thường xuyên hay là một cuộc "thay máu" như tin đồn từ truyền thông người Hoa hải ngoại? Đa Chiều cho rằng, trong đời sống chính trị đằng sau thảm đỏ và hội trường trang nghiêm, chính khách ra vào nườm nượp bao giờ cũng có "mật thất".

Những gì xảy ra trong "mật thất" người ngoài không ai biết được, chính vì thế nó gây ra sự tò mò, đồn đoán và bàn tán không ngớt.

Ở Trung Quốc do tính đặc thù chính trị, hoạt động "chính trị mật thất" này trở thành đề tài bàn tán thường xuyên của dư luận. Hậu quả đầu tiên và dễ thấy nhất của "chính trị mật thất" chính là tin đồn. Thật giả ra sao, hư thực thế nào thì ngay cả những người tưởng như am tường về nền chính trị Trung Quốc hay hoạt động của Trung Nam Hải cũng nhiều lúc rơi vào biển tin đồn, không biết đâu hư đâu thực.

Tin đồn "cấm quân Trung Nam Hải làm binh biến bất thành" lần này xuất hiện do sự thay thế bộ máy lãnh đạo Cục Cảnh vệ Trung ương ngay trước thềm kỳ họp lưỡng hội.

Những người tung tin này suy đoán, sau khi Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch bị bắt và ngay cả Quách Bá Hùng cũng đã bị điều tra, nhiều con hổ lớn khác không thể ngồi im khoanh tay đợi bắt nên đã tìm cách lợi dụng đội "cấm vệ quân Trung Nam Hải" để làm binh biến.

Tuy nhiên ông Tập Cận Bình đã "nhanh tay" hơn, quyết định "thay máu" Cục Cảnh vệ Trung ương bằng lực lượng tinh nhuệ và thân tín từ tập đoàn quân 38. Toàn bộ cảnh vệ bên cạnh Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn đều đã được thay thế.

Lúc này việc truyền thông phát hiện Tào Thanh mang phù hiệu đại quân khu Bắc Kinh trên quân phục cấp tướng càng làm cho tin đồn lan xa. Nhưng tin đồn rốt cuộc vẫn chỉ là tin đồn, không ai có thể xác minh được chân tướng. Tin đồn binh biến lần này nảy sinh từ 3 yếu tố.

Đầu tiên là thời cơ, chiến dịch chống tham nhũng đả hổ đập ruồi của Tập Cận Bình đã phá vỡ những quy tắc bất thành văn trước đó, bắt cả cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị lâu nay vốn được xem như người nắm "miễn tử kim bài". Lúc này những tin đồn về các "âm mưu chính trị" muốn mưu sát ông Bình hay làm binh biến có đất để nảy sinh.

Chỉ những con hổ tầm cỡ như Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu mới có thể làm được những chuyện động trời.
Chỉ những con hổ tầm cỡ như Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu mới có thể làm được những chuyện động trời.

Thứ hai là tin đồn xoay quanh các nhân vật cấp cao trong bộ máy chính quyền hoặc đã nghỉ hưu. Chỉ có những con hổ lớn bị dồn vào đường cùng như vậy mới có khả năng làm chuyện động trời, binh biến.

Tầm cỡ như Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch và đang trong tâm điểm tin đồn là Quách Bá Hùng, người thì cựu Chánh văn phòng Trung ương, kẻ từng là Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương, quyền uy khuynh đảo triều chính. Hơn nữa Cục Cảnh vệ Trung ương trực thuộc Văn phòng Trung ương quản lý càng khiến tin đồn "binh biến" trở nên thuyết phục hơn.

Yếu tố thứ 3 là trong lịch sử Trung Quốc cận hiện đại, "binh biến" của Cục Cảnh vệ không phải chưa từng xảy ra. Sự kiện ngày 6/10/1976 Hoa Quốc Phong - Phó Chủ tịch thứ nhất Trung ương đảng kiêm Thủ tướng cùng với Diệp Kiếm Anh - Phó Chủ tịch Trung ương đảng và Uông Đông Hưng - Chánh Văn phòng Trung ương đã bắt giữ 4 ủy viên Bộ chính trị đương nhiệm gồm Trương Xuân Kiều, Giang Thanh, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn (còn gọi là bè lũ 4 tên).

Lúc đó Uông Đông Hưng trực tiếp nắm Cục Cảnh vệ Trung ương và chỉ huy lực lượng này tham gia bắt giữ "bè lũ 4 tên". Mặc dù "tính chính thống" của sự kiện này theo Đa Chiều là không có gì đáng hoài nghi, nhưng vẫn có những học giả xem đây là một cuộc "binh biến" sử dụng lực lượng cấm vệ quân Trung Nam Hải.

Tuy nhiên những phân tích này cũng chỉ nói lên một điều rằng, tin đồn có thể được tạo ra từ những khả năng như vậy. Về tin đồn "binh biến" lần này, nếu Tào Thanh tham gia âm mưu đảo chính, hay chí ít quản quân không nghiêm để cấp dưới làm binh biến liệu có thể ung dung hạ cánh an toàn sang đại quân khu Bắc Kinh hay không?

Mặt khác Trung Nam Hải có biến có thể xem như sự kiện trời long đất lở, tại sao dư luận Trung Quốc không có động tĩnh gì, hoàn toàn chỉ là một số tờ báo tiếng Hoa ở hải ngoại đưa đi đưa lại? Hơn nữa sau vụ Lệnh Kế Hoạch bị bắt, lãnh đạo Văn phòng Trung ương được thay đổi liên tục, hiện tượng thay thế lãnh đạo Cục Cảnh vệ Trung ương cũng là lẽ thường. Tin đồn binh biến chẳng qua là dư âm của vụ án Lệnh Kế Hoạch, Đa Chiều kết luận.

Hồng Thủy