Hợp tác truyền thông góp phần cải thiện chính sách kinh tế

12/03/2015 15:15
Mai Anh
(GDVN) - Nhà báo Mạnh Quân cho rằng cần gỡ bỏ các rào cản, tạo điều kiện cho báo chí, truyền thông tham gia đầy đủ hơn việc giám sát thực hiện chính sách pháp luật.

Chương trình “Hợp tác truyền thông góp phần cải thiện Chính sách Kinh tế” là dự án khai thác các lợi thế của truyền thông để phục vụ cho mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng và giám sát thực thi chính sách tại Việt Nam. Dự án do Ban điều phối dự án Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED Communication) - được tài trợ bởi Chính phủ Canada thông qua Bộ Ngoại giao cùng tổ chức Thương mại và Phát triển (DFATD) phối hợp tổ chức.

Theo đánh giá, hiện nay sự giao tiếp giữa có quan nhà nước và người dân trong xây dựng chính sách chưa hiệu quả, chưa tương xứng với sự phát triển của công nghệ và truyền thông. Các ý kiến của người dân bị phân tán chưa thể thống kê, đánh giá một cách khoa học.

Lễ khởi động Dự án“Hợp tác truyền thông góp phần cải thiện Chính sách kinh tế.” (Ảnh: TTXVN)
Lễ khởi động Dự án“Hợp tác truyền thông góp phần cải thiện Chính sách kinh tế.” (Ảnh: TTXVN)

Chính vì vậy cần có những mô hình, công cụ truyền thông hiệu quả, một môi trường, một cộng đồng khuyến khích việc tham gia vào góp ý chính sách. Dự án hy vọng sẽ góp phần giải quyết những thực trạng trên. 

Chuỗi hoạt động của dự án bao gồm: Xây dựng một “Kênh chính sách”, tạo ra môi trường sinh hoạt chính sách trực tuyến, đồng thời cung cấp một bộ công cụ lấy ý kiến của công chúng; tổ chức các khóa tập huấn nâng cao kỹ năng phân tích chính sách; tổ chức các phiên đối thoại chính sách; phân tích – truyền thông cho các dự thảo chính sách, kết nối các bên liên quan… 

Trình bày tham luận tại Lễ Khởi động Dự án “Hợp tác truyền thông góp phần cải thiện chính sách kinh tế”, nhà báo Mạnh Quân (báo Thanh Niên) cho rằng: Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật phục vụ việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực. Trong quá trình đó truyền thông xã hội, các tổ chức xã hội đã và tham gia tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát, thực thi chính sách ở Việt Nam.

“Báo chí qua việc phát hiện, phản ánh những chính sách trong quá trình soạn thảo hoặc ban hành có những quy định bất hợp lý cần phải sửa đổi hoặc bãi bỏ ngay trong quá trình soạn thảo hoặc sau khi ban hành. Điều này cho thấy báo chí ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật của Việt Nam”, nhà báo Mạnh Quân nhấn mạnh.

Mặc dù có sự tham gia của báo chí, tổ chức xã hội, phương tiện truyền thông... tuy nhiên hệ thống văn bản chính sách, pháp luật của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Nguyên nhân xuất phát từ cả phía cơ quan chính phủ, báo chí và phương tiện truyền thông, tổ chức xã hội.

Thứ nhất về phía cơ quan chính phủ nhiều chính sách, dự thảo các phương án chính sách không được thông tin rộng rãi ra công chúng để lấy ý kiến. Thiếu phương án nghiên cứu, phân tích tác động của chính sách…

Thứ hai báo chí với vai trò xây dựng, giám sát thực hiện các chính sách pháp luật nhưng chưa phát hiện kịp thời những bất cập những bất hợp lý tại nhiều văn bản pháp luật. Thực tế nhiều văn bản chính sách phải sau thời gian áp dụng thực tế báo chí mới phát hiện những điều không phù hợp, không đồng bộ.

Từ thực tế trên nhà báo Mạnh Quân cho rằng cần gỡ bỏ các rào cản, tạo điều kiện cho báo chí, truyền thông tham gia đầy đủ hơn việc giám sát thực hiện chính sách pháp luật. Có phương án đào tạo, nâng cao kỹ năng phân tích chính sách cho nhà báo, đại diện các tổ chức xã hội.

Theo số liệu của Bộ Tư pháp thì tính trong 10 tháng đầu năm 2014 cả nước đã có 9.017 văn bản pháp luật có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp hiến, hợp pháp, vi phạm thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản… chiếm tỷ lệ 22% trong số tổng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Riêng Bộ Tư pháp cũng phát hiện 885 văn bản vi phạm các điều kiện hợp hiến, hợp pháp…

Mai Anh