Kỳ 2: Cuộc truy bắt trùm cướp bằng súng K54 Mạnh Bí

29/09/2011 06:06
Thảo Lăng
(GDVN) -Mạnh Bí là kẻ liều lĩnh tới mức, khi bắt gặp sự phản kháng của chủ xe là sẵn sàng nổ súng bắn chết. Trong người hắn lúc nào cũng có sẵn một khẩu K54...
Là người từng trực tiếp theo dõi và vây bắt nhiều giang hồ cộm cán nhất trong thời kì trước, trung tá Trường Tam (nguyên đội trưởng H88) được coi là huyền thoại sống của công an Hải Phòng. Vì thế, vị trinh sát tài ba của đội cảnh sát hình sự đặc biệt này giống như một kho tư liệu quý về giang hồ đất Cảng. 
Trong cuộc trò chuyện với ông tại trụ sở công an thành phố Hải Phòng, điều cuốn hút tôi nhất có lẽ là những câu chuyện vây bắt những tên cướp đường. Bởi vì khi nghe ông kể chuyện, tôi được cảm nhận được cả lòng yêu nghề lẫn những khó khăn, nguy hiểm mà ông và đồng đội đã trải qua. 
Trung tá kể rằng, ở Hải Phòng, nghề cướp đường được hình thành rất sớm. Nhưng chỉ sau giải phóng, khi hoạt động giao thương hàng hóa ở thành phố Cảng trở nên tấp nập thì “thời khắc vàng” của nghề này mới thực sự đến. Thủ đoạn cướp ngày càng manh động hơn. 

Trung tá Trường Tam, người trực tiếp vây bắt Mạnh BíTrung tá Trường Tam, người trực tiếp vây bắt Mạnh Bí
Trung tá Trường Tam, người trực tiếp vây bắt Mạnh BíTrung tá Trường Tam, người trực tiếp vây bắt Mạnh Bí

Lúc đầu, cướp đường Hải Phòng chỉ xuất hiện một vài phần tử thỉnh thoảng thiếu thốn, khó khăn quá, vác dao ra đường kiếm ăn. Nhưng càng về sau, nghề này càng phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa. Những băng cướp dùng súng cướp công khai giữa ban ngày ngày càng nhiều hơn, sẵn sàng giết người khi cảm thấy cần thiết. Cung đường số 5 được gọi là đường tử thần. 
Trong cả một thời gian dài, những người đi trên xe khách ở đây phải tìm đủ mọi cách để giấu diếm đồ đạc, của nải, chuẩn bị sẵn tinh thần chờ “cướp tới”. Còn cánh xe ôm, tuyệt nhiên không bao giờ nhận lời chạy xe trên quốc lộ này sau 9 giờ tối.
Trong những băng cướp đường ngày ấy, có lẽ băng cướp do Mạnh Bí là đáng sợ nhất. Mạnh Bí tên thật là Vũ Tiến Mạnh, nhà ở xóm 8, xã Dư Hàng Kênh, An Hải (nay là phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân). Đây là chủ soái của một băng cướp, chuyên cướp xe máy (tài sản cực kì quý thời đó) và lột tiền vàng của hành khách đi xe trên quốc lộ 5. 
Vì bọn này hoạt động theo nhóm, rất thạo nghề khiến cho câu chuyện về khả năng cướp bóc của chúng cũng được thêu dệt li kì: “đến và đi nhanh như gió”.
Mạnh Bí là kẻ liều lĩnh tới mức, khi bắt gặp sự phản kháng của chủ xe là sẵn sàng nổ súng bắn chết. Trong người hắn lúc nào cũng có sẵn một khẩu K54 cùng với 3 băng đầy ắp đạn cộng thêm bản tính đa nghi của tên cướp, việc tiếp cận hắn là vô cùng khó khăn, nguy hiểm. 
Có những đợt truy quét, khi nhận được nguồn tin, cả đội phục trước vài ngày để chờ đối tượng xuất hiện, đến phút trót, nó lại thay đổi kế hoạch, thê là công toi. Về nhà, chưa ngồi ấm chỗ lại nhận được tin chúng đã gây ra vụ cướp khác cách điểm phục kích vài cây số. Ông nói vui, sau những chuyến phục kích dài ngày, về nhà, nhiều khi chó không nhận ra, cắn rách quần chủ. 
Cơ hội chỉ thực sự đến khi ban chuyên án nhận được thông tin Mạnh Bí đang có mặt ở thành phố Hải Dương. 8 trinh sát giỏi của đội H88 cùng rin nhau trên chiếc xe UW lên đường tới Hải Dương truy bắt đối tượng, trong tay chỉ có tấm ảnh chụp Mạnh Bí chưa đầy 20 tuổi (rất khó nhận diện). 
Ở rạp chiếu bóng Hải Dương, trong khi các trinh sát H88 phục kích ngoài cửa rạp, chờ người biết mặt Mạnh tới thì hắn đã trốn ra ngoài.
Không lâu sau, các trinh sát lại nhận được tin đối tượng đang ở nhà người quen, nhưng nhà này nuôi hơn 10 con chó và chỉ có 1 lối độc đạo vào nhà. Nếu sơ sẩy, gây động, với bản tính hung hãn của mình, Mạnh sẽ sẵn sàng xả đạn. Vì thế, 8 trinh sát phải chia nhau thành 3 mũi chính để chờ đối tượng, mỗi mũi cách nhau rất xa, hầu như không thể liên lạc yểm trợ cho nhau. 
Trung tá Trường Tam cùng đồng đội Tô Sơn được phân công chờ ở đầu 1 con phố. Thức trắng cả đêm nhưng đối tượng không ra, hai chiến sĩ đã bắt đầu đói meo. Vừa nhìn thấy bà bán bánh trưng dọn hàng, họ vội vàng mua mỗi người 1 chiếc bánh, bóc gần xong lớp lá bên ngoài thì một thanh niên đi ra từ ngõ. Dù chưa biết mặt, nhưng đội trưởng Trường Tam có linh cảm đây chính là kẻ mà họ chờ đợi. Bỏ bánh xuống, hai người vội vàng theo sau kẻ tình nghi. Nhưng cũng không tượng ngay, tránh trường hợp bắt nhầm, đánh rắn động cỏ. 
Đi gần hết ngõ nhỏ, kẻ tính nghi bất chợt quay lại, rẽ vào một ngõ ngang khi tiếng còi xe của cảnh sát trật tự Hải Dương vang lên. Như vậy là phán đoán của các trinh sát đã đúng. Họ vội vàng bám sát đối tượng, nhưng không lâu sau thì Mạnh biến mất. 
Không lâu sau, các trinh sát lại nhận được tin Mạnh đã ra ga để tẩu thoát. Họ hộc tốc chạy ra ga mà chỉ kịp nhắn đồng đội: “Khả năng nó tìm đường đi Hà Nội hoặc Thanh Hóa, chúng tôi theo nó, nếu có cơ hội là “chơi” luôn”. Nhưng với bản chất đa nghi của mình, Mạnh Bí vẫn chưa thực sự yên tâm. Lên tới tàu, hắn đột ngột đổi ý, quay lại thành phố Hải Dương. Nhưng lần này, các trinh sát H88 không dễ gì đề đối tượng trốn thoát. Mạnh Bí không biết rằng, có 2 gã nhà quê mặc quần áo xộc xệch, vá víu chằng chịt đã đang theo sau hắn.
Đi trên vỉa hè thành phố Hải Dương, Mạnh kéo cao cổ chiếc áo Nato, kéo mũ che kín nửa mặt, tay đút túi quần nhưung thực chất là đang cầm sẵn khẩu K54 đầy ặc đạn. Bụng đói, đối tượng lại đi quá nhanh, hai ông nhà quê không tài nào đi kịp, một người hỏi người kia: “Chạy nhé!”. “Không”, người kia nói.
Bất chợt, họ gặp được 1 bác xe ôm, trình bày hoàn cảnh lạc đi tìm người nhà bị lạc, nhờ bác xe ôm đuổi theo thật nhanh. Nhưng không quên ra điều kiện: “Khi nào bảo họ là phải họ ngay lập tức”. Đi được một quãng, chiếc xe din 3 vọt lên phía trước tên cướp chừng 2 mét. Ông nông dân ngồi ngoài nói “họ”, chiếc xe phanh gấp. Dùng xe làm điểm tựa, đội trưởng Trường Tam lao thẳng vào, ôm chặt đối tượng. Trinh sát Tô Sơn cũng lao vào ôm chặt cánh tay đút trong túi quần của Mạnh Bí trong sự ngơ ngác của bác xe ôm: “Nông dân bây giờ khiếp quá”. 
Cuộc dằng co giữa hai ông nông dân đói và một tên cướp no diễn ra hồi lâu mà vẫn bất phân thắng bại. Bất ngờ, cảnh sát trật tự Hải Dương đi tới can thiệp, yêu cầu hai ông nông dân dừng tay, bỏ người kia ra. Nhưng nếu họ làm theo, chắc chắn sẽ có án mạng xảy ra, nhất là khi nơi xảy ra đụng độ rất gần trường học. Bất chấp sự can thiệp của công an, hai ông nông dân vẫn không tha con mồi. Cuối cùng đội cảnh sát này phải giáng cho một ông 1 cái tát “tóe son”, đồng thời khống chế tên cướp hung hãn. Rồi cả 3 bị đưa về trụ sở công an Hải Dương để xử lý.

Khẩu K54, loại vũ khí được Mạnh Bí sử dụng để cướp bóc
Khẩu K54, loại vũ khí được Mạnh Bí sử dụng để cướp bóc

Trung tá Trường Tam nói rằng, dù ăn đòn đau, nhưng chúng tôi phải cảm ơn cảnh sát Hải Dương, vì nếu họ không đến, không biết cuộc giằng co sẽ diễn ra bao lâu, vì lúc này tôi và đồng đội đã bắt đầu kiệt sức. 
Điều kì lạ là tới giờ, ông cũng không hiểu vì sao ông có thể ôm trúng phóc tên tội phạm trong lúc bụng đói meo và khoảng cách xa như vậy. Chỉ biết rằng, lúc này suy nghĩ về những tháng ngày phục kích dài dằng dặc mà không thấy tăm hơi hắn, giáp mặt mà không bắt được thì quả là có lỗi với đồng đội. 
Không lâu sau, Mạnh Bí và đồng bọn đã phải nhận án tử hình để trả giá cho những tội trạng mà chúng đã gây ra. 
Chống tội phạm vốn là một công việc vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Và nó càng gian nan hơn ở một nơi mà tội phạm nổi tiếng là liều lĩnh, manh động bậc nhất. Đã khi nào trong cuộc chiến cam go này, các chiến sĩ trinh sát của đội H88 cảm thấy sợ hãi trước sự tàn ác của kẻ thù?

Mời độc giả đón đọc kì tiếp theo “Phút định mệnh của vị trung tá trong hang ổ trùm Cu Nên ”.
Thảo Lăng