Đổi mới dạy học - kiểm tra, đánh giá môn lịch sử?

16/05/2015 07:43
Trần Quốc Thường
(GDVN) - Năm nào ngành cũng hô hào cải cách, đổi mới nội dung phương pháp, cách đánh giá thi cử nhưng hiệu quả chưa được là bao nhiêu, nhiều khâu bị phê phán nặng nề.

LTS: Quý độc giả đang theo dõi bài viết của thầy giáo Trần Quốc Thường. Hôm nay, thầy bàn một việc không mới: dạy và học môn lịch sử, nhưng góc tiếp cận và góc nhìn mới của nhà khoa học.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Đổi mới nội dung sách giáo khoa, đổi mới dạy và học nói chung, môn lịch sử nói riêng là một vấn đề khó khăn trong bối cảnh giáo dục hiện nay. Nhất là khi phương pháp dạy truyền thống đã ăn sâu trong tiềm thức của các thế hệ thầy giáo từ giáo viên sư phạm đến giáo viên phổ thông. Năm nào ngành cũng hô hào cải cách, đổi mới nội dung phương pháp, cách đánh giá thi cử nhưng hiệu quả chưa được là bao nhiêu, nhiều khâu bị phê phán nặng nề.

Biên soạn sách giáo khoa lịch sử cần phải trung thực với lịch sử, phải có tính hệ thống khi nêu các sự kiện, nhân vật.  Không thể xem nhẹ hoặc bỏ qua các sự kiện lịch sử cho dù đó là những sự kiện đau lòng, bất lợi cho thể chế chính trị. Việc đánh giá nhân vật sự kiện trong quá phải trên tinh thần khoa học, khách quan, từ đó giúp chúng ta rút ra bài học bổ ích, nhằm giúp cuộc sống hiện tại được tốt hơn, tương lai đi đúng hướng hơn.

 Đổi mới dạy học - kiểm tra, đánh giá môn lịch sử? ảnh 1

Học Lịch sử như nhồi sọ, Giáo sư Phan Huy Lê thi được mấy điểm?

(GDVN) - GS Nguyễn Lân Dũng ví von, với kiểu học Lịch sử ép nhớ quá nhiều số liệu, GS Phan Huy Lê không dở tài liệu mà phải viết ngay lời giải thì liệu được mấy điểm?

Đánh giá hoạt động dạy học không chỉ nhằm đánh giá thành quả học tập của học sinh mà còn bao gồm cả đánh giá quá trình dạy học nhằm cải tiến quá trình dạy học. Bên cạnh đó kiểm tra còn phải giúp cho học sinh biết được khả năng học tập của mình so với yêu cầu được đặt ra, từ đó điều chỉnh phương pháp học tập, phát triển kỹ năng tự đánh giá. Tất cả điều đó đều nhằm đảm bảo cho kiểm tra, đánh giá là một động lực thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học. 

Ngoài ra, các biện pháp đổi mới kiểm tra, đánh giá cần có tác dụng phát huy tính tích cực học tập của học sinh. Lý luận dạy học hiện đại đã nói đến vai trò tích cực, chủ động của học sinh như một yếu tố quan trọng nhất quyết định đến kết quả của quá trình dạy học “mọi sự tác động từ phía giáo viên chỉ là những tác động bên ngoài, khách quan, yếu tố quyết định chất lượng dạy học phải là hoạt động tư duy tích cực của chính bản thân người học”. 

Trong nhà trường với phương pháp dạy học truyền thống thụ động, giáo viên nắm vai trò chủ đạo truyền đạt kiến thức còn học sinh chỉ thụ động lắng nghe và ghi chép lại. Cách dạy và học như vậy không những không phát huy được tính tích cực học tập của học sinh mà còn làm các em mất dần đi tư duy sáng tạo, độc lập của mình. Điều này đã không còn phù hợp với yêu cầu của thời đại ngày nay.

Hiện nay, yêu cầu đặt ra cho ngành giáo dục là phải đào tạo những con người năng động, sáng tạo, biết phản biện xã hội, biết khai thác thông tin khi có thế giới phẳng. Con người mới phải thích ứng với môi trường xã hội mở cửa, hội nhập quốc tế. Môi trường đó không dung nạp và phù hợp với những ai không chủ động tìm tòi, sáng tạo và vươn lên. 

Như vậy, rõ ràng cách dạy truyền thống đã không còn phù hợp. Đổi mới phương pháp dạy học hiện nay là phải gắn liền với việc phát huy tính tích cực học tập của học sinh. Đổi mới khâu kiểm tra, đánh giá cũng không nằm ngoài yêu cầu đó. 

Ở Việt Nam ta với môn Lịch sử trong nhà trường hiện nay thầy không muốn dạy, trò chẳng muốn học, phụ huynh chẳng mấy ai thích cho con mình học môn lịch sử, không cho con em mình thi vào khối C vì ra trường ít có việc làm.

Xét về nguyên nhân, ngoài yếu tố xã hội, học sinh học sử ra trường khó tìm việc làm còn do nhiều nguyên nhân khác, trong đó phải kể đến sự lạc hậu về nội dung, chậm đổi mới về phương pháp dạy học cũng như công tác kiểm tra, đánh giá.  

Sách giáo khoa lịch sử so với các môn học khác quá dài, nhiều sự kiện, nhiều niên đại, lượng kiến thức phải tiếp thu trong một tiết học còn nhiều, học sinh khó nắm vững. Sách giáo khoa làm các em chán nản không thích thú học môn Lịch sử. Việc xây dựng và chọn lựa sách giáo khoa ở Mỹ có sự tham gia của người dân và học sinh, trong khi ở Việt Nam sách giáo khoa được áp từ trên xuống. Sách giáo khoa lịch sử ở nước ta đã từng được nhà xuất bản chỉnh sửa, góp ý nhiều lần  nhưng đến khi sách in ra vẫn có nhiều lỗi, sai sót, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. 

Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam

Bác Hồ dạy thế nhưng tại sao học sinh ta hiện nay biết nhiều về lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử Việt Nam? Câu hỏi này nhiều người đã biết, thiết nghĩ không cần trình bày lại.

Xuất phát từ những vấn đề trên, theo tôi muốn nâng cao chất lượng dạy học bộ môn lịch sử chúng ta phải nổ lực hết mức và thực hiện đổi mới tất cả các khâu trong quá trình dạy học.  

Thực trạng kì thi năm học 2013-2014:

Giám thị đánh số báo danh cho thí sinh duy nhất thi môn Sử tại hội đồng thi trường THPT Thái Lão (Hưng Nguyên- Nghệ An). ( Ảnh: Internet)
Giám thị đánh số báo danh cho thí sinh duy nhất thi môn Sử tại hội đồng thi trường THPT Thái Lão (Hưng Nguyên- Nghệ An). ( Ảnh: Internet)

Kì thi tốt nghiệp THPT vừa qua của trường THPT Quang Trung ( Hà Nội), THPT Thái Lão (Hưng Nguyên- Nghệ An) mỗi trường chỉ có 1 em đăng kí thi môn Lịch sử là một nỗi đau không chỉ của riêng ngành giáo dục.

Khánh Linh ( học sinh duy nhất của trường THPT Quang Trung –Hà Nội) tự tin thi môn lịch Sử năm học 2013-2014. ( Ảnh: Internet)
Khánh Linh ( học sinh duy nhất của trường THPT Quang Trung –Hà Nội) tự tin thi môn lịch Sử năm học 2013-2014. ( Ảnh: Internet)

Từ thực tế nêu trên ta phải chấp nhận sự thực đó để quyết tâm “ đổi mới căn bản toàn diện” ngay trong bộ môn này về cả nhận thức, nội dung, phương pháp và cách kiểm tra đánh giá.

Tôi xin mời bạn đọc tham khảo về cách dạy - học Lịch sử của GV-HS ở nước Mỹ. Từ đó GV-HS liên hệ cách dạy và học lịch sử ở nước mình. Học tập nền giáo dục tiên tiến của Mỹ hiện đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm nghiên cứu, học tập.

Sau đây tôi xin trình bày một tiết dạy lịch sử của một thầy giáo ở Mỹ, lời nhận xét của 1 học sinh, ý kiến của phụ huynh và bài học rút ra của tôi để mọi người suy ngẫm.

Khi học World History ( Lịch sử thế giới), đến chương Chiến tranh thế giới thứ II,  thầy giáo lịch sử vào lớp đưa ra tên 8 nhân vật và 3 câu hỏi như sau:

I/- Tám nhân vật nổi tiếng là:
1/ Hitler.
2/ Josep Stalin.
3/ Nhật Hoàng.
4/ Franklin D. Roosevelt.
5/ Churchill
6/ Harry S. Truman 
7/ De Gaule 
8/ Mussolini
II/-Thầy giáo nêu 3 câu hỏi:
1/ Những người này có vai trò và quyết sách nào đúng, quyết sách nào sai trong chiến tranh thế giới thứ II?
2/ Nguyên nhân và kết quả của chiến tranh thế giới thứ II?
3/ Tổng thống  Harry S. Truman quyết định thả 2 quả bom nguyên tử tại hai hòn đảo ở Nhật đúng sai? Tại sao?
 Giáo viên cho mỗi em  làm một đề cương trả lời về một nhân vật lịch sử. Cả lớp chia làm 2 nhóm đối lập soạn thảo 2 câu hỏi 2 và 3 để trình bày và chia sẻ. Hai nhóm được chia làm 2 phe: Phát xit và Đồng minh để tranh luận.

Nhận xét của con Bác sỹ Hồ Hải ( HS học THPT tại Mỹ):
Học sinh chúng con không cần nhớ ngày tháng năm gì cả, vì  thầy bảo cái đó có trong sách nếu cần thì mở ra đọc, cái cần cho tụi con biết là quan điểm và chính sách đúng sai của từng nhân vật lịch sử cũng như nguyên nhân tại sao có những quyết định đó?

Con học được rất nhiều. Vì chỉ 1 chương mà biết hầu hết tư tưởng của 8 vị lãnh tụ có tham gia vào tạo ra chiến tranh thế giới thứ II và những yếu tố kinh tế thời ấy tạo ra. Nhờ đó mà kiến thức của mỗi đứa rất phong phú và đầy đủ các lĩnh vực chứ không chỉ gói gọn trong lịch sử. Mỗi lần làm project và presentation như vậy thì ôi thôi moi cả tàng kinh các kiến thức nhân loại về các sự kiện, nhân vật lịch sử. 

Thời gian chuẩn bị khoảng 1-2 tuần cho vấn đề, mỗi ngày đọc cũng từ 100 đến 200 trang tài liệu để thực hiện cho giờ học. Tụi con không bị áp đặt, không cần phải theo đúng như sách giáo khoa, miễn sao tụi con chứng minh có logic và trung thực, có tài liệu tham khảo rõ ràng là được điểm cao. Có những ý kiến mà sách giáo khoa không có, được lấy từ internet, thư viện... để làm tài liệu tham khảo. Nhưng bài  nào nếu viết lập luận logic và có vấn đề mới là bài đó được điểm cao".

"Tụi con được học lịch sử theo kiểu đánh giá sự kiện, chứng minh đúng sai theo từng giai đoạn lịch sử có làm project và presentation để bảo vệ luận điểm chứ học không phải học thuộc bài theo sách giáo khoa. Vào giờ học lịch sử, ông thầy Giallombardo Scott của con vào đưa ra chủ đề, nhân vật lịch sử, phân công mỗi đứa làm một project và 1 presentation để trình bày trước lớp và trước thầy, thầy là người đánh giá sự vững chắc và tính logic của từng đứa mà cho điểm.

Nhận xét của phụ huynh  (BS Hồ Hải):

Tôi thấy cách học này không những làm cho trẻ con có được critical thinking tốt mà còn làm chúng say mê thích thú môn lịch sử nữa. Một người yêu nước chân chính không thể không yêu và nắm vững sử nước nhà. Có phải vì thế mà tụi Âu Mỹ họ có nhiều phát minh đem lại cho đời tốt hơn không? Và có phải vì thế mà tuy họ không ép học sinh học như ta, nhưng lòng yêu nước của dân họ rất mãnh liệt và đúng chỗ, rạch ròi không?

Nhận xét, ý kiến của tôi:

Qua trao việc giới thiệu ngắn gọn cách dạy và nhận xét của học sinh trực tiếp học và một phụ huynh ở trên tôi thấy:

 Đổi mới dạy học - kiểm tra, đánh giá môn lịch sử? ảnh 4

Bộ Giáo dục đang nhầm lẫn giữa dạy chữ và dạy người

(GDVN) - GS.TS, Nhà giáo nhân dân Trần Đình Sử: "Trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như ngày nay, không có chữ là không có gì hết, không làm được gì hết".

Giáo viên dạy học Lịch sử ở Mỹ họ cung cấp sự kiện, nhân vật rồi yêu cầu học sinh đánh giá, nhân vật sự kiện đã nêu. Họ dạy và học tinh giản, nắm kiến thức trọng tâm, phát huy tư duy tích cực, tự học của học sinh. Học sinh phải tham khảo nhiều nguồn tài liệu để bổ sung cho quan điểm của mình. Giáo viên không áp đặt, không bắt buộc ghi nhớ máy móc ngày tháng sự kiện mà tôn trọng học sinh, khích lệ, yêu cầu các em có chính kiến khi đánh giá nhân vật, sự kiện.  

Thời gian làm việc trên lớp của giáo viên rất ít, họ chỉ nêu vấn đề và hướng dẫn, tổ chức cho học sinh làm việc. Trong buổi học, tiết học các em học sinh phải nổ lực làm việc tích cực, tự giác huy động kiến thức đã có, tài liệu tham khảo để hoàn thành yêu cầu do giáo viên đặt ra. Giáo viên người Mỹ sáng tạo chia ra 2 phe khi thảo luận tổ nhóm nhằm làm tăng tính phản biện, học sinh bảo vệ quan điểm của mình, của phe mình.

Theo tôi, cái "Trinh" của lịch sử là sự trung thực, khách quan khi nêu sự vật hiện tượng lịch sử và nhận xét đánh giá về nó. Giáo viên dạy lịch sử ở Mỹ, họ đã nêu ra sự vật hiện tượng, phản ánh rát khách quan, trung thực lịch sử, đúng tên gọi, đúng bản chất, hiện tượng, nhân vật lịch sử; họ không xuyên tạc, bóp méo lịch sử. Tuyệt đối ở họ không có Văn học minh hoạ cũng như Lịch sử minh hoạ cho chính trị. 

Ở nước ta hiện đã có một số nhân vật, sự kiện lịch sử đang có vấn đề, các nhà sử học cần công tâm, trung thực làm sáng tỏ. Chẳng hạn ta nên giải quyết như  thế nào về vấn đề này?

Để lịch sử ngủ yên, hay cần làm rõ sự thực, trả lại bản chất cho sự vật, hiện tượng lịch sử? (Ví dụ: Trường hợp em bé đuốc sống Lê Văn Tám mà GS Phan Huy Lê nêu ra, có thật hay không? ). Hay chúng ta tạm cất, sẽ đưa ra ở một thời điểm thích hợp hơn? (Ví dụ: Ngày mất của Hồ chủ tịch ngày 3/9 hay 2/9?, sau 20 năm ngày Bác ra đi chúng ta mới được đính chính ngày mất của Người là ngày 2/9),...

Thời gian qua, báo chí đưa tin: Sách giáo khoa Lịch sử lớp 9, lớp 12 không hề có một câu từ nào nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chẳng lẽ chúng ta quên đại tướng hay sao? Một nhân vật gắn với sự kiện lịch sử oai hùng của dân tộc, ai xứng đáng hơn Bác Hồ và Bác Giáp khi nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ  " lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu"?  

Rồi các sự kiện trên biển Đông các năm 1974, 1988, 2014, cuộc xâm lược của Trung Quốc trên biên giới phía bắc 2/1979 cần được đưa vào sách giáo khoa. Trung Quốc họ đã đưa vào sách giáo khoa từ lâu, ở nước ta nhiều người đã đặt vấn đề này ra từ 1988, tiếc rằng chúng ta làm chậm quá. 

Mãi đến hôm nay 14/3/2015 sau 27 năm trận chiến đau thương ấy, chúng ta mới khởi công xây dựng tượng đài 64 chiến sỹ hy sinh anh dũng bảo vệ đảo. Vì mối quan hệ viễn vông với anh bạn vàng Trung Quốc mà bao việc đáng làm đã chưa làm hoặc phải chậm lại.

Năm học 2013-2014 trong kì thi tốt nghiệp THPT  trường THPT Quang Trung ( Hà Nội), THPT Thái Lão (Hưng Nguyên- Nghệ An) mỗi trường chỉ có 1 em đăng kí thi môn Lịch sử là một nỗi đau không chỉ của riêng ngành giáo dục. Có trường khi nghe tin không thi môn lịch sử sân trường trắng đề cương, phao thi, học sinh hớn hở mừng reo. Tại sao vậy? Họ sợ môn lịch sử, sợ học lịch sử.

Kiểm tra đánh giá của giáo viên ở Mỹ đối với học sinh không phải là sự ghi nhớ, thuộc vẹt kiến thức mà là ở sự sáng tạo, tư duy tích cực ở người học. Ở ta thiếu câu hỏi nêu vấn đề, kích thích tư duy sáng tạo ở học sinh mà có quá nhiều câu hỏi tái hiện, ghi nhớ máy móc như: A  giữ chức vụ  … ? Ai là … ? Sự kiện .... xẩy ra lúc nào, …? A thành lập ngày tháng năm nào? Ai là chủ tịch ...? … Hãy nêu diễn biến của … Cuộc kháng chiến, trận đánh chia làm mấy giai đoạn,…. Qua theo dõi tôi biết đây là dạng câu hỏi đang rất phổ biến hiện nay của kiểm tra đánh giá môn lịch sử ở nước ta.

Dạy lịch sử ở Mỹ phần kiến thức của các em, bài làm của các em có thể lấy ở ngoài sách giáo khoa, miễn là các em có lập luận lo gic, chặt chẽ, trung thực, có sức thuyết phục và có cái mới trong bài viết. Giáo viên tôn trọng chính kiến của cá thể từng học sinh, kích thích tư duy sáng tạo ở các em, dạy các em yêu lẽ phải, làm người hữu ích cho xã hội. Đây là cái chúng ta cần ở người học, là mục tiêu của dạy học.  

Để đáp ứng được việc đổi mới dạy học; kiểm tra đánh giá môn lịch sử, tôi kiến nghị:

- Cần bổ sung vào sách giáo khoa lịch sử những sự kiện nhân vật đúng như lịch sử vốn có. Không được thêm bớt, bỏ qua các sự kiện lịch sử nhằm phục vụ mục đích chính trị. Tất cả các sự kiện nhân vật sẽ được lịch sử, được nhân dân phán xét, thời gian phân giải.

- Trong từng hoạt động tìm hiểu nội dung bài học, giáo viên chú ý đến việc phát triển các hoạt động nhận thức độc lập nhất là tư duy độc lập và sáng tạo của HS. 

-Trong kiểm tra đánh giá các câu hỏi giáo viên không nên ra một cách thuần túy chỉ ghi nhớ máy móc nhân vật, sự kiện. Vì hoạt động nhận thức độc lập của HS là một trong những điều kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả giảng dạy giáo dục và phát triển nhân cách của HS. Hoạt động độc lập nhận thức của HS sẽ đảm bảo cho các em học sinh lĩnh hội sâu sắc nhớ lâu được kiến thức lịch sử hơn.

- Phương pháp tích hợp, liên môn cần được quan tâm đúng mức, cần đưa thơ văn, tranh ảnh bản đồ, âm nhạc, truyện kể lịch sử, bảng so sánh đối chứng sự kiện nhân vật lịch sử vào trong giảng dạy lịch sử một cách hợp lí. Việc này cần đòi hỏi giáo viên nỗ lực tự học nhiều hơn nữa để đáp ứng đổi mới cách dạy, cách kiểm tra đánh giá học sinh.

- Đẩy mạnh việc khai thác thông tin trên Internet, sách báo để có thêm tư liệu bổ sung, dạy học “ mở” không đóng khung trong sách giáo khoa. Tăng cường các Hoạt động ngoài giờ lên lớp, tham quan di tích lịch sử,…

Nếu học cách dạy, cách học này của giáo viên học sinh ở Mỹ thì cả thầy và trò nước ta sẽ rất hứng thú khi dạy và học, hiệu quả sẽ cao hơn. Các em sẽ rất thích học môn lịch sử. Giáo viên cũng thoải mái, nhẹ nhàng, không vất vả như giáo viên ta hiện nay lên lớp bộ môn này.

Tuy tôi chưa vận dụng được vào thực tiễn một cách đầy đủ, nhuần nhuyễn nhưng trên thực tế những giờ lên lớp của tôi luôn được học sinh hào hứng, thích thú đón nhận. 

Vài điều nhỏ về dạy và học, kiểm tra đánh giá  lịch sử, tôi xin được  trao đổi, mong các giáo viên bộ môn Lịch sử cùng suy nghĩ, cùng trao đổi, tranh luận. Hy vọng trong năm học tới cách dạy, cách học cũng như cách kiểm tra đánh giá sẽ có chuyển biến tích cực, các kì thi trong tương lai số điểm yếu kém về môn lịch sử sẽ giảm xuống đáng kể. Dạy và học cũng như kiểm tra đánh giá đáp ứng được  phương án thi 2 trong 1 của Bộ sẽ thực hiện trong năm 2015.     

Trần Quốc Thường