Đổi mới nhưng kinh phí ít, thầy cô chỉ thấy vất vả, áp lực

05/05/2015 06:48
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Kinh phí đầy đủ, lương đãi ngộ đáp ứng được mong mỏi của đội ngũ giáo viên, chính là động lực rất quan trọng giúp thầy cô giáo, nhà trường hoàn thành nhiệm vụ.

LTS: Nói không quá lời, hai năm trở lại đây, đổi mới giáo dục ở nước ta chứng kiến nhiều thay đổi chóng mặt.

Có nhiều góc tiếp cận để thấy được hiệu quả khác nhau của đổi mới, nhưng ở bài viết này, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc nêu lên một quan điểm rất sát thực.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Đổi mới, nhiều việc đến chóng mặt

Nói về những thay đổi của ngành giáo dục nói chung, bậc phổ thông nói riêng trong thời gian qua, thầy Nguyễn Văn Thanh, có hơn 30 năm trong nghề, hiện là Hiệu trưởng, trường THPT Vạn Tường (Quảng Ngãi) chia sẻ: "Trước đây, ngành ít có điều chỉnh, thay đổi, còn nay có quá nhiều cải tiến, đổi mới, khiến anh, chị em giáo viên chúng tôi chóng cả mặt.

Hết cải cách đến phân ban; Thông tư 40 về đánh giá, xếp loại học sinh dùng chưa được bao lâu lại đổi thành Thông tư 58; bậc tiểu học thay đánh giá điểm số bằng nhận xét, còn bậc THPT cách tổ chức thi cử cứ thay đổi xoành xoạch… mà tính ổn định, hiệu quả của nó thì chẳng thấy đâu.

Làm nghề giáo, nhất là giới quản lý ở đơn vị bây giờ, cảm thấy ngán vì trăm dâu đổ đầu tằm, muôn thứ dồn dập, hình như mỗi một ông lãnh đạo lên là có một kiểu thay đổi, cách làm khác”.

Việt Nam xem giáo dục là quốc sách hàng đầu

(GDVN) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định chủ trương trên khi tới thăm Đại học Công nghệ Auckland (New Zeland).

Công việc, hồ sơ, sổ sách, tập huấn, hoạt động chuyên môn, các cuộc thi… do cấp trên, Bộ, Sở và Phòng giáo dục khởi xướng, yêu cầu cấp dưới thực hiện ngày càng nhiều hơn.

Ban giám hiệu, tổ trưởng, tổ phó, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm... mấy năm nay ngập trong công việc. 

Thầy Nguyễn Ngọc Thái, tổ trưởng tổ Ngữ Văn , trường THPT Đắc Mil (tỉnh Đắk Nông) bày tỏ: "Các năm trước công việc, giấy tờ, hồ sơ của những người quản lý tổ trưởng như tôi không có mấy, khá nhẹ nhàng.

Nhưng mấy năm gần đây, cấp trên, Bộ, Sở yêu cầu làm nhiều quá, nào kế hoạch tự bồi dưỡng thường xuyên, nào làm bài dự thi  dự án dạy học theo chủ đề tích hợp, nào tham gia hội thi công nghệ thông tin, thiết kế- dạy học learning…

Làm liên tục chúng tôi thấy thật sự vất vả, mệt mỏi. Đâu chỉ có việc của trường, thầy cô giáo còn lo việc gia đình, con cái nữa”.

Tội hơn ai hết là những thầy cô giáo chủ nhiệm trúng lớp chủ nhiệm có nhiều học sinh cá biệt, giở đủ thứ trò: bỏ học đi hoang, nghiện game, đánh nhau, nói xấu trên facebook…

Bắt buộc thầy cô phải khổ sở, tốn nhiều công sức và thời gian để xử lý, làm việc liên tục với phụ huynh và học sinh. Bởi bây giờ do tác động của môi trường xã hội, bản tính của học sinh ngày nay có những thay đổi, tính chất phức tạp khó lường.

Anh Bùi Tấn Nam, bạn tôi, có vợ là giáo viên mần non, tâm sự: "Tôi thấy làm nghề giáo có nhàn hạ gì đâu. Vợ tôi đây, dạy cả ngày, có chút thời gian ở nhà, là thường xuyên cặm cụi, đánh vật với giáo án, đồ dùng dạy học, các cuộc thi, thậm chí, có khi cả trưa, lẫn tối khuya vẫn chưa được nghỉ ngơi".

Muốn công việc được hoàn thành, đúng thời hạn, nhất là mùa thi cử, các đơn vị thuộc diện hoàn tất hồ sơ, sổ sách… để lên trường chuẩn quốc gia nên  phải tăng cường thêm thời gian làm việc, họp hội, một số giáo viên không hiểu lại phàn nàn: "Mấy ông Ban giám hiệu dạo này rảnh quá, nghĩ ra đủ thứ, "bắt" chúng tôi làm nhiều và hội họp liên miên".

Một thầy giáo là Phó hiệu trưởng ở một trường THPT, tỉnh  Ninh Thuận phân trần: "Một số giáo viên lớn tuổi, bây giờ mỏi mệt, ngại làm việc lắm, thấy họp hành, nói nhiều là không ưng, phân công việc cho làm thì đùn đẩy, viện đủ lý do. Công tác quản lý, điều hành nhắc nhở giáo viên thời nay thật cực nhọc.”

Thiếu kiểm tra, ít kinh phí

Là những thầy cô giáo đang trực tiếp quản lý, giáo dục ở dưới cơ sở, tôi nhận thấy thời gian gần đây, xuất phát từ nhiệm vụ, yêu cầu mới của ngành nên Bộ giáo dục, các Sở, Phòng giáo dục có hàng loạt hoạt động, công việc hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục triển khai thực hiện. 

Nghề dạy học: quý như không khí và… nước lã

(GDVN) - “Thầy giáo không thể sống bằng không khí, nước lã…” phải chăng chỉ là câu động viên, an ủi của Thủ tướng hay chính là sự day dứt của người đứng đầu Chính phủ?

Ngành giáo dục đã, đang có nhiều việc cần làm, cần cải tiến, thay đổi mạnh mẽ, nhất là đổi mới phương pháp dạy và học, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học, cải tiến thi cử… thì việc gia tăng, gây áp lực trong công việc đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ giáo dục là điều không tránh khỏi. Chúng tôi rất ủng hộ những chủ trương, những cải tiến của ngành để nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng yêu cầu của xã hội, đất nước. 

Chúng tôi cũng rất trông mong, trong và sau khi kết thúc một hoạt động, hội thi nào đó, cấp trên Sở, các Phòng giáo dục nên có kiểm tra, đánh giá tổng kết để xác định ưu điểm, hạn chế của nó, rút kinh nghiệm cho lần sau.

"Lắm lúc, làm thì cứ làm, nộp thì cứ nộp nhưng thấy mông lung, hiệu quả xa vời, chẳng tới đâu, đâm ra chán nản, ít có động lực để đơn vị, thầy cô làm nữa", một thầy Phó hiệu trưởng trường THPT ở tỉnh Ninh Thuận bộc bạch thêm.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục, đơn vị nhà trường thực hiện quy chế tự chủ, được giao kinh phí trọn gói dựa trên đầu học sinh, giáo viên và một số quy chuẩn khác.

Tiếng là tự chủ, kinh phí trọn gói nhưng thực tế ngoài chi lương, một số sửa chữa cơ sở vật chất và vài hoạt động nhỏ khác thì chẳng còn mấy đồng.

Cần chi bồi dưỡng, tổ chức thêm một số hoạt động giáo dục khác cho đúng nghĩa, có hiệu quả dường như rất chật vật, khó khăn. 

Nhiều lúc muốn làm lắm, đổi mới lắm song thiếu tiền bạc, kinh phí thì không dễ dàng gì. Có sống, làm việc ở các đơn vị trường học phổ thông mới thấy hết cái khổ, cái thiếu của người quản lý, thầy cô giáo.

Chính vì vậy, Nhà nước, cấp trên hãy dành nguồn kinh phí, hỗ trợ nhiều hơn nữa cho từng cơ sở giáo dục để tổ chức thêm, tốt hơn các hoạt động giáo dục trong bối cảnh có nhiều đổi mới, cải tiến; để bồi dưỡng, khích lệ thêm cho bộ phận quản lý, các thầy cô giáo vốn rất vất vả, áp lực công việc ngày càng gia tăng. 

Có thể nói, kinh phí đầy đủ, lương bổng, đãi ngộ đáp ứng được mong mỏi của đội ngũ giáo viên, chính là động lực, đòn bẫy rất quan trọng giúp thầy cô giáo, nhà trường hoàn thành nhiệm vụ. 

Trong hoàn cảnh, đời sống đa số giáo viên còn gặp nhiều khó khăn, yêu cầu của ngành, của xã hội lại càng cao thì Nhà nước hãy hỗ trợ tối đa, có chính sách tốt nhất cho họ.

Nói thẳng, chỉ dùng mỹ từ và hô hào quá nhiều như lâu nay (nào quốc sách hàng đầu, nào nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý) phỏng có ích gì, đừng trông mong thầy cô giáo cống hiến hết mình cho sự nghiệp này ?

Tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hoan ngênh quý độc giả, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các nhà quản lý-chuyên gia giáo dục...viết bài cộng tác cùng Tòa soạn.

Đặc biệt là các bài viết phản ánh, phản biện chính sách giáo dục (chuyện thi cử, tuyển sinh; sách giáo khoa-chương trình; chuyện trên lớp trên trường; mối quan hệ nhà trường-học sinh-phụ huynh...); những tấm gương tốt; những hạn chế cần khắc phục trong công tác giáo dục từ mầm non trở đi.

Tất cả các bài viết đều được chi trả nhuận bút thỏa đáng, kịp thời và đảm bảo tác quyền.

Trong trường hợp tế nhị, tác giả có thể sử dụng bút danh, Tòa soạn cam kết giữ bí mật thông tin tác giả theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bài viết xin gửi về hòm thư điện tửtoasoan@giaoduc.net.vn hoặc gọi số 0938766888 để biết thêm chi tiết.

Ban biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng cảm ơn!

ĐỖ TẤN NGỌC