Sẽ gửi kiến nghị phản đối xây sân bay Long Thành lên Bộ Chính trị

22/03/2015 13:21
Mai Anh
(GDVN) - Sau khi tổ chức Hội thảo “Xây mới sân bay Long Thành hay nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất”, Hội HASCON sẽ làm kiến nghị gửi Bộ Chính trị và Quốc hội.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học phản đối xây sân bay Long Thành

Tại Hội thảo “Xây mới sân bay Long Thành hay nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất” do Hội Tư vấn Khoa học và Công nghệ TP.HCM (HASCON) tổ chức ngày 21/3 vừa qua, những vấn đề xung quanh dự án xây dựng sân bay Long Thành như quy mô vốn đầu tư, tầm ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của hệ thống sân bay trong cả nước, ảnh hưởng đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là ngành hàng không… được nhiều chuyên gia, học giả các nhà khoa học tranh luận sôi nổi.

Về vốn đầu tư sân bay Long Thành, Hội thảo chỉ ra vốn đầu tư bao gồm chi phí đầu tư và khai thác, cơ cấu vốn trong đó có vốn nhà nước và xã hội hóa, chi phí đền bù bao nhiêu là phù hợp. Đầu tư sân bay Long Thành mang lại hiệu quả cao hay chỉ là sự lãng phí, liệu có làm tăng vọt nợ công… 

Sau khi tổ chức Hội thảo “Xây mới sân bay Long Thành hay nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất” Hội HASCON sẽ làm kiến nghị gửi Bộ Chính trị và Quốc hội.
Sau khi tổ chức Hội thảo “Xây mới sân bay Long Thành hay nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất” Hội HASCON sẽ làm kiến nghị gửi Bộ Chính trị và Quốc hội.

Từ lo ngại nguồn vốn đầu tư, Hội thảo đặt ra vấn đề tính cấp thiết và hiệu quả kinh tế của sân bay Long Thành so với hiệu quả của việc nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất. 

PGS TS Nguyễn Thiện Tống – Chủ tịch Chi hội Hàng không tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP HCM, cho rằng, dự án xây dựng sân bay Long Thành chưa được nghiên cứu tiền khả thi, không tính toán tài chính đầy đủ, nên có quá nhiều rủi ro. Mà rủi ro lớn nhất, theo ông Tống, là thiếu vốn đầu tư.

Theo đó, tổng vốn đầu tư cho cả 3 gia đoạn được Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đưa ra là 18,7 tỷ USD. Giai đoạn 1 là 7,83 tỷ USD, giai đoạn 2 và 3 là 11 tỷ USD. Câu hỏi khó trả lời nhất về dự án là nguồn vốn đầu tư, với giai đoạn 1 lại được chia thành 2 giai đoạn nhỏ, để giảm áp lực vốn. Nhưng theo các đại biểu, nếu các giai đoạn sau thiếu vốn, dự án sẽ lâm vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, tạo ra lãng phí và tăng gánh nợ công cho đất nước.

Trong khi theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết, 7,83 tỷ USD đầu tư giai đoạn 1 được lấy từ ngân sách và vay ODA chiếm một nửa, phần còn lại là vốn huy động từ doanh nghiệp liên doanh, liên kết đầu tư. Số vốn vay ODA sẽ do doanh nghiệp vay lại của Chính phủ và tự hoàn trả. 

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cũng cho rằng đánh giá về khả năng nhu cầu hàng không của khu vực cũng như trong nước thể hiện qua những con số chưa chính xác, thể hiện qua báo cáo của Cục Hàng không và con số thống kê của Cục Thống kê TP.HCM. 

Ở góc nhìn khác, GS.TS Trần Ngọc Thơ – Đại học Kinh tế TP.HCM (thành viên của Hội HASCON cho rằng bản thân dự án sân bay Long Thành còn nhiều vấn đề như khả năng khai thác, hiệu quả khai thác dự án. Cụ thể ngoài việc cần một nguồn vốn khổng lồ để xây dựng sân bay Long Thành, thì một công trình lớn như thế, khi “mọc” lên giữa vùng nông thôn, muốn sử dụng đồng bộ được phải đầu tư xây dựng thêm rất nhiều công trình, như đường sá, điện, nước, khách sạn, bệnh viện… tốn kém thêm nguồn lực của đất nước.

Từ ý kiến phản biện về sân bay Long Thành, Tiến sĩ khoa học Trần Quang Thắng - Ủy viên Hội đồng Nhân dân TP.HCM nêu quan điểm: "Phần quan trọng nhất và cần nhất là nâng cấp hạ tầng, năng lực con người, nâng cao tính chuyên nghiệp về qui hoạch và phát triển.... Làm tốt những vấn đề này thì sau năm 2025 mới tính đến chuyện xây dựng sân bay mới. Chúng ta cần phải nghe ý kiến từ các bên tư vấn, phản biện chuyên gia trong và ngoài nước”.

Sẽ gửi kiến nghị lên Bộ Chính trị

Trong khi đó trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngay sau khi kết thúc Hội thảo, TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội HASCON cho biết, có thể khẳng định Hội thảo đã thành công tốt đẹp, theo ghi nhận có 170 người tham dự, trong đó có 65 nhà khoa học đến từ ngoài hội.

TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TPHCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học EEI phát biểu tại Hội thảo khoa học “Xây mới sân bay Long Thành hay nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất” (ảnh Mạnh Cường - Báo Xây dựng).
TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TPHCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học EEI phát biểu tại Hội thảo khoa học “Xây mới sân bay Long Thành hay nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất” (ảnh Mạnh Cường - Báo Xây dựng).

Theo TS Nguyễn Bách Phúc, Ban tổ chức hội thảo đã ghi nhận có 21 người đăng ký bài phát biểu trong đó có 18 người đã được phát biểu, trong các ý kiến phát biểu chỉ có 1 ý kiến duy nhất nêu quan điểm ủng hộ việc xây dựng sân bay Long Thành. Còn lại toàn bộ các ý kiến khác đều cho rằng việc xây dựng sân bay Long Thành lúc này chưa phù hợp, chưa cần thiết.

TS Phúc cho biết sau hội thảo Hội HASCON sẽ làm báo cáo, thống kê ý kiến phản đối xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành của các chuyên gia, nhà khoa học gửi lên Bộ Chính trị, Quốc hội đề nghị được đối thoại với đơn vị viết dự án, với Bộ Giao thông vận tải.

“Nếu đơn vị làm dự án sân bay Long Thành không tổ chức được hội thảo đối thoại với nhà khoa học, thì chúng  tôi sẽ đứng ra tổ chức và mời họ đến để cùng đối thoại”, TS Nguyễn Bách Phúc cho hay.

Cũng liên quan đến Hội thảo “Xây mới sân bay Long Thành hay nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất” được HASCON tổ chức, tờ Thanh Niên đưa tin cho biết Phó cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường ra về giữa chừng hội thảo. Nguyên nhân ông Cường ra về được cho là do thông tin mà hội thảo đưa ra không có gì mới.

Theo ông Cường, xem lại toàn bộ chương trình thì thấy số liệu trong các bài phát biểu toàn rất cũ, có rất nhiều trong các hội thảo trước đó. Thậm chí, một số bài của các diễn giả đã được phát biểu, bàn luận ở một hội thảo diễn ra cuối năm 2014 cũng liên quan đến dự án sân bay Long Thành.

“Tôi không phản đối hội thảo nhưng nghe qua đề dẫn là thấy không phù hợp. Với lại Cục Hàng không không được ban tổ chức hội thảo mời mà chỉ kết hợp vào nghe có gì mới hay không. Vẫn còn anh Phương, đại diện Vụ Kế hoạch đầu tư của Bộ GTVT dự hội thảo”, ông Cường nói trên Thanh Niên.

Trước ý kiến của Cục Phó Cục Hàng không, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS Nguyễn Bách Phúc cho biết: “Chúng tôi mời nhiều cơ quan trong đó có cả Cục Hàng không Việt Nam, khi đến có bàn riêng để đăng ký và phát phiếu để các đại biểu đến tham dự đặt câu hỏi và muốn được giới thiệu trước hội thảo. Tôi cũng không biết ông Cường có đăng ký hay không, vì tại hội thảo nhiều người đến dự nhưng không muốn ghi danh”.

“Khi tờ Thanh Niên viết có Phó Cục trưởng Cục Hàng không là ông Cường đến dự và bỏ về sau khi nghỉ giải lao diễn ra chúng tôi mới biết, còn tất cả hội thảo không ai biết có ông Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không đến dự. Ông trả lời báo Thanh Niên ra sao là chuyện riêng, chúng tôi không quan tâm còn chính thức Hội thảo không biết có ông Cường đến đó, nếu ông ấy xưng danh chúng tôi rất trân trọng”, TS Phúc bày tỏ quan điểm.

Theo TS Phúc việc Cục Phó Cục Hàng không trả lời trên báo chí cho rằng  hội thảo toàn thông tin cũ là không đúng, hội thảo nào cũng có thông tin mới, thông tin cũ. Ví dụ thông tin cũng đã từng được nói nếu Cục Hàng không nghe rồi, biết rồi tại sao không đối thoại, không lý giải.

Giao Bộ Chính trị xem xét chủ trương xây sân bay Long Thành

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến thông qua nội dung báo cáo Bộ Chính trị về việc đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành như đề nghị của Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải. Trong nội dung, sẽ kiến nghị Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư giai đoạn 1 của dự án, giao Ban cán sự đảng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng cũng giao Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải thừa ủy quyền Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ, thay mặt Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị xem xét quyết định về việc đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Mai Anh