TQ sắp hạ thủy tàu tiếp tế Type 904A mới, hoạt động trái phép ở Biển Đông

25/03/2015 09:35
Đông Bình (Tổng hợp từ báo chí TQ)
(GDVN) - Ngoài ra, Trung Quốc có 4 tàu tiếp tế dòng Type 903, 1 chiếc đang lắp thiết bị, 1 chiếc đang chế tạo; 1 tàu tiếp tế Thanh Hải Hồ, 1 tàu Type 904 và 2 tàu 905.
Tàu tiếp tế tổng hợp Type 904A sắp hạ thủy (nguồn Thời báo Hoàn Cầu TQ)
Tàu tiếp tế tổng hợp Type 904A sắp hạ thủy (nguồn Thời báo Hoàn Cầu TQ)

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 24 tháng 3 đăng bài viết "Tàu tiếp tế biển xa Type 904A kiểu mới sắp hạ thủy, tiếp tế cho lực lượng đồn trú trên đảo ở Biển Đông".

Bài viết cho hay, gần đây, có dân mạng quan sát phát hiện ra một chiếc tàu tiếp tế biển xa mới Type 904A sắp hạ thủy ở nhà máy đóng tàu Trung Quốc. Hiện nay, nhà máy đóng tàu Quân đội Trung Quốc đang đồng thời chế tạo các tàu tiếp tế như Type 903A và Type 904A. Type 904A chủ yếu dùng để tiến hành tiếp tế (trái phép) cho lực lượng đóng (bất hợp pháp) trên đảo ở Biển Đông.

Theo báo Anh, tàu tiếp tế lớp Đại Vận Type 904A là tàu vận tải tiếp tế mới của Trung Quốc, nó có sự khác biệt rõ rệt so với tàu tiếp tế Phủ Tiên, bởi vì tàu mới này trang bị sàn tàu và nhà chứa máy bay dành cho máy bay trực thăng, trong khi đó tàu Phủ Tiên chỉ có sàn tàu dành cho máy bay.

Tàu Phủ Tiên là tàu vận tải tiếp tế lớp Đại Vận Type 904 đầu tiên, số hiệu 888, biên chế vào năm 2007. Năm 2012, truyền thông Trung Quốc cho biết, tàu tiếp tế Phủ Tiên được chế tạo để vận chuyển, tiếp tế cho lực lượng đồn trú bất hợp pháp trên quần đảo Trường Sa (quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam). 

Được biết, tàu Type 904A hầu như được chế tạo sử dụng cho thực hiện nhiệm vụ (bất hợp pháp) ở khu vực nước nông khu vực lân cận các đảo đá ở Biển Đoong (của Việt Nam do Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt). Bài báo cho rằng, điều này “phù hợp với tình hình Hải quân Trung Quốc mở rộng các công trình hạ tầng quân sự ở quần đảo Trường Sa  (thuộc chủ quyền của Việt Nam) hiện nay”.

Tàu tiếp tế tổng hợp Type 904A sắp hạ thủy (nguồn Thời báo Hoàn Cầu TQ)
Tàu tiếp tế tổng hợp Type 904A sắp hạ thủy (nguồn Thời báo Hoàn Cầu TQ)

Theo bài viết, những năm gần đây, cùng với một loạt tàu khu trục, tàu hộ vệ mới (tàu khu trục Type 052C/D, tàu hộ vệ Type 054A, Type 056/056A…) do Trung Quốc tự sản xuất hạ thủy, đi vào hoạt động, năng lực quân sự biển xa của Hải quân Trung Quốc đã được tăng cường nhanh chóng. Nhưng, về năng lực tác chiến biển xa của Hải quân Trung Quốc, không thể coi nhẹ tàu tiếp tế tổng hợp biển xa - một công cụ nhân lên sức mạnh chiến đấu ở biển xa thực sự.

Đến năm 2013, Trung Quốc đã có 4 tàu tiếp tế dòng Type 903 biên chế cho hải quân (tàu tiếp tế Thiên Đảo Hồ số hiệu 886 và tàu tiếp tế Sào Hồ số hiệu 890 thuộc Hạm đội Đông Hải; tàu tiếp tế Vi Sơn Hồ số hiệu 887 thuộc Hạm đội Nam Hải, tàu tiếp tế Thái Hồ số hiệu 889 thuộc Hạm đội Bắc Hải). Tàu Type 903 được chế tạo ở 2 nhà máy đóng tàu như nhà máy đóng tàu Hỗ Đông, nhà máy đóng tàu Hoàng Phố.

Hiện nay, tàu tiếp tế dòng Type 903 thứ năm vẫn đang lắp thiết bị trên tàu, trong thời gian tới, Hải quân Trung Quốc sẽ có tổng cộng 6 tàu tiếp tế dòng Type 903. Những tàu tiếp tế dòng Type 903 của Hải quân Trung Quốc đã được sử dụng rộng rãi cho thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển, loại tàu hỗ trợ này thường đi theo biên đội liên tục trong 10 tháng.

Nhưng, so với Hải quân Mỹ - luôn lấy tác chiên toàn cầu làm sứ mệnh và mục tiêu, năng lực tiếp tế biển xa của Hải quân Trung Quốc vẫn yếu kém (ý là Trung Quốc cũng muốn như Mỹ - tham vọng toàn cầu).

Tàu tiếp tế tổng hợp Vi Sơn Hồ số hiệu 887 Type 903 lớp Phúc Trì, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc, lượng giãn nước 23.000 tấn
Tàu tiếp tế tổng hợp Vi Sơn Hồ số hiệu 887 Type 903 lớp Phúc Trì, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc, lượng giãn nước 23.000 tấn

Đến nay, Quân đội Mỹ sở hữu 4 tàu tiếp tế tổng hợp tốc độ cao cỡ lớn lớp Sacramento lượng giãn nước 53.000 tấn, dài 241,7 m, rộng 32,6 m, có thể chở 21.000 tấn nhiên liệu (60% nhiên liệu hàng không), 2.500 tấn đạn dược, 750 tấn vật tư sinh hoạt, 400 tấn nước ngọt và vật tư tiếp tế khác; 4 tàu tiếp tế tổng hợp tốc độ cao cỡ lớn lớp Supply lượng giãn nước 49.000 tấn và hơn 10 tàu tiếp tế đạn dược tổng hợp thế hệ mới lớp T-AKE 41.000 tấn.

Theo tờ “Nhân Dân” Trung Quốc ngày 21 tháng 3, những năm gần đây, Hải quân Trung Quốc dồn dập đi ra khỏi “cửa nhà”, ngoài đến vịnh Aden thực hiện nhiệm vụ hộ tống, biên đội tàu khu trục, tàu hộ tống của Hải quân Trung Quốc cũng tích cực đến Tây Thái Bình Dương, Nam Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, thậm chí Đại Tây Dương để tiến hành nhiệm vụ huấn luyện biển xa.

Đằng sau các hoạt động biển xa này luôn có bóng dáng của tàu tiếp tế biển xa cỡ lớn. Cùng với việc Trung Quốc liên tục chế tạo tàu tác chiến mặt nước, nhiệm vụ chế tạo tàu tiếp tế cỡ lớn cũng cấp bách hơn. Đặc biệt, Hải quân Trung Quốc cũng đang theo mộng “tàu sân bay”, mà tàu sân bay phải tiêu hao năng lực lớn, vấn đề bảo đảm có hiệu quả khi tàu sân bay ra khơi đã được đặt ra.

Ngoài nhu cầu tác chiến trên biển, trong sự kiện tìm kiếm cứu nạn máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia mất tích cũng đã thấy được vai trò của tàu tiếp tế biển xa cỡ lớn. Biên đội tàu đổ bộ cỡ lớn Côn Luân Sơn số hiệu 998, Tỉnh Cương Sơn số hiệu 999 thuộc Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc vượt vài nghìn dặm đến eo biển Malacca và Nam Thái Bình Dương triển khai tìm kiếm cứu nạn, trên đường đi không thể tách rời sự tháp tùng của tàu tiếp tế biển xa. Tìm kiếm cứu nạn thảm họa đường không thường là một nhiệm vụ khó khăn, lâu dài, điều này cũng yêu cầu có tàu tiếp tế biển xa cung cấp bảo đảm hậu cần ổn định cho các tàu tìm kiếm cứu nạn.

Tàu tiếp tế Phủ Tiên số hiệu 888 Type 904A Hải quân Trung Quốc
Tàu tiếp tế Phủ Tiên số hiệu 888 Type 904A Hải quân Trung Quốc

Theo bài báo, ngoài tàu tiếp tế Type 903, Hải quân Trung Quốc cũng đã trang bị 1 tàu tiếp tế Thanh Hải Hồ lượng giãn nước 37.000 tấn (NATO gọi là lớp Nam Thương), 1 chiếc tàu tiếp tế Type 904A mang tên Phủ Tiên lượng giãn nước 15.000 tấn (NATO gọi là lớp Đại Vận, đã nói ở trên, đang chế tạo thêm 1 chiếc), 2 tàu tiếp tế Type 905 lượng giãn nước 15.000 tấn (Phàn Dương Hồ và Hồng Trạch Hồ, NATO gọi là lớp Thái Thương).

Như vậy, tổng số tàu tiếp tế cỡ lớn của Hải quân Trung Quốc đã có 8 chiếc, ngoài ra còn đang chế tạo thêm. Tốc độ cao nhất của tàu tiếp tế cỡ lớn Trung Quốc hiện nay là 19 hải lý/giờ, kém rõ rệt so với tốc độ 26 hải lý/giờ của tàu tiếp tế lớp Supply Hải quân Mỹ, đã hạn chế tốc độ chạy của hạm đội biển xa cỡ lớn. Trung Quốc đẩy mạnh phát triển tàu tiếp tế cỡ lớn bộc lộ tham vọng “đường lưỡi bò” phi pháp và tham vọng biển xa của nước này.

Đông Bình (Tổng hợp từ báo chí TQ)