Bí thư Đà Nẵng đối thoại trực tiếp với 500 thanh niên

26/03/2015 14:55
THÙY LINH
(GDVN) - "Chúng ta phải giữ gìn và phát huy ngọn lửa - lửa trong thanh niên, lửa trong tuổi trẻ; niềm đam mê cháy bỏng và khát vọng lớn lao".

Đó là lời nhắn gửi của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ trong chương trình "Đối thoại tháng 3: Thanh niên với Năm văn hóa, văn minh đô thị" được Sở Nội vụ phối hợp với Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức trong sáng nay 26/3.

Tham dự buổi đối thoại có khoảng 500 đại biểu thanh niên đại diện cho gần 300 nghìn thanh niên trên toàn thành phố Đà Nẵng. Chủ trì buổi đối thoại là ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Chương trình đối thoại nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Chương trình là cầu nối để lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng lắng nghe, chia sẻ, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng và những kiến nghị, phản ánh của thanh niên trong việc thực hiện Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015...Đồng thời, tạo môi trường dân chủ, tích cực để thanh niên và các tổ chức đại diện của thanh niên bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và phản ánh của mình đối với lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng...

Quang cảnh buổi đối thoại "Thanh niên với Năm văn hóa, văn minh đô thị". Ảnh Thùy Linh
Quang cảnh buổi đối thoại "Thanh niên với Năm văn hóa, văn minh đô thị". Ảnh Thùy Linh

Mở đầu buổi đối thoại, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ phát biểu cởi mở: "Tôi rất thích kiểu đối thoại như thế này. Đối thoại thẳng thắn, đối thoại cởi mở, thẳng thắn, chân tình, có trách nhiệm. Cái gì đáng chê thì cứ chê, cái gì đáng khen thì khen".

Sau khi nghe người đứng đầu thành phố nói như thế, buổi đối thoại diễn ra trong không khí thoải mái, thẳng thắn và có nhiều vấn đề được các bạn trẻ mạnh dạn phát biểu để mục tiêu cuối cùng thực hiện Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015.

Nhiều ý kiến đưa ra như vấn đề đời sống của công nhân ở các Khu công nghiệp (nhà ở, văn hóa, văn nghệ...) chưa được quan tâm; biển quảng cáo, rao vặt dán trên đường phố, ngõ hẻm làm mất văn hóa, văn minh đô thị; hay như chủ trương tháo dỡ mái hiên di động trên một số tuyến phố chính, trả lại vỉa hè, đường thông hè thoáng; vấn đề văn hóa giao thông, đặc biệt chuyện vượt đèn đỏ của thanh thiếu niên; đến chuyện "thiết chế văn hóa" hiện nay trên địa bàn Đà Nẵng còn thiếu...

Chủ trì buổi đối thoại là Bí thư Trần Thọ (bên trái) và Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn. Ảnh Thùy Linh
Chủ trì buổi đối thoại là Bí thư Trần Thọ (bên trái) và Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn. Ảnh Thùy Linh

Sau khi nghe các ý kiến của các đoàn viên thanh niên, Bí thư Thành ủy Trần Thọ cho biết: Về các công trình văn hóa thanh niên, có nhiều nội dung hấp dẫn lắm. Ví dụ như Công viên Thanh Niên (hiện đang bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, trâu bò chăn thả...- PV). Về công trình này thì chúng ta đã làm tới đâu? Lỗi đó thuộc về ai? Lỗi đó chính quyền cũng có, đầu tư chưa cân nhắc. Nhưng mà thanh niên đã hiến kế, đã sáng tạo chưa?. 

"Tôi mong chúng ta phối hợp để làm công trình này. Hôm nay chính thức đặt hàng giao cho tuổi trẻ hiến kế, đề xuất sử dụng có hiệu quả khu "đất bạc" ở đó; tạo dấu ấn cho công trình văn hóa thanh niên. Hiến kế và giao trách nhiệm cho các đồng chí, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đồng chí biến cái đó thành hiện thực, thành một sân chơi bổ ích của thanh niên thành phố nói chung, của quận Hải Châu nói riêng. Tất cả đã có sẵn, tiền không thiếu; các bạn có làm được không?", ông Trần Thọ nói.

Một bạn trẻ phát biểu trong buổi đối thoại. Ảnh Thùy Linh
Một bạn trẻ phát biểu trong buổi đối thoại. Ảnh Thùy Linh

Ông Trần Thọ cũng cho rằng, hiện nay Đà Nẵng thiếu về "thiết chế văn hóa". Lãnh đạo thành phố đã tự kiểm điểm: Đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng thì khá tốt, đầu tư cho phát triển kinh tế cũng khá tốt, đầu tư cho chương trình an sinh xã hội thì bài bản, có bước đi, có lộ trình. Nhưng đầu tư cho văn hóa nói chung, trong đó có thiết chế văn hóa nói riêng chưa tương xứng với đầu tư cho các lĩnh vực khác. Nếu kéo dài tình trạng này thì Đà Nẵng sẽ phát triển nhưng phát triển không bền vững. Nên thành phố có chủ trương đầu tư cho văn hóa tăng lên gấp 1,5 lần so với năm 2013. 

Về vấn đề trật tự ATGT như vượt đèn đỏ, chạy lấn làn đường...mà nhiều ý kiến đã nêu, ông Trần Thọ nêu ra 3 loại tuổi hay vượt đèn đỏ: Thứ nhất là loại tuổi "sồn sồn già già", hai là tuổi thiếu niên, trẻ con và ba là tuổi thanh niên. Từ đó ông Thọ đặt câu hỏi: 3 lứa tuổi này ai là người vượt đèn đỏ nhiều nhất, ai là người lấn vạch nhiều nhất?. "Đó là thanh niên đó", ông Thọ nói.

Ông Thọ cũng kể câu chuyện ở bên nước Lào: "Người Lào họ thân thiện, thật thà lắm. Họ chấp hành trật tự ATGT nghiêm khắc lắm. Khi đoàn xe của lãnh đạo, khách quan đi qua họ dẫn đường. Nghe còi hú từ phía xa tất cả mọi người tham gia giao thông từ trẻ con cho tới người lớn tuổi họ dừng lại đứng qua bên lề để cho đoàn xe đi qua rồi họ mới đi.

Đến ngã ba, ngã tư, đường kiệt, hẻm thì họ dừng lại họ nhìn thông thoáng rồi họ mới đi, không bao giờ người ta vượt qua mặt mình hết. Trên đoạn đường đi thế mà nhìn thấy một số xe vượt qua đoàn xe của lãnh đạo, quan khách thì nhìn thấy biển số những xe này toàn là biển số xe của Việt Nam. Nói thế để thấy mình thua xa các bạn Lào về gìn giữ an toàn giao thông...", ông Thọ hóm hỉnh kể.

Một góc thành phố Đà Nẵng. Ảnh Thùy Linh
Một góc thành phố Đà Nẵng. Ảnh Thùy Linh

Nói về chuyện lấn làn đường, ông Thọ đưa ra hình ảnh một tốp thanh niên đi xe máy dàn hàng ngang 5-7 người, không đội mũ bảo hiểm nghênh ngang trên đường, lấn làn ô tô. Rồi ông nói, tất cả đều do giáo dục mà nên, "hiền dữ đâu phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên". Giáo dục từ học đường, giáo dục từ các chi đoàn thanh niên...Thanh niên là người tiếp thu nhanh nhất thì phải sửa. 

Rồi ông Thọ kể một câu chuyện, sau giải phóng, có mấy ông ở trên huyện miền núi, khi đi xuống phố thì không biết đường, đi xe lộn xộn, vi phạm Luật giao thông.

Thế là bị Cảnh sát giao thông phạt; xin miết không được. Rồi các ông ấy nói "tôi ở trên núi xuống không biết đường tôi đi, tôi đi nhầm đường ông (CSGT) chỉ cho tôi đi cái.

Nhưng mấy anh CSGT cứng quá, cứ thế mà phạt. Rồi mấy ông ấy nói với CSGT giờ mà thả mấy anh lên trên núi thì mấy anh đi cũng lạc đường liền. Tôi xuống đây không biết đường, đi nhầm đường thì các anh chỉ cho tôi, hướng dẫn cho tôi thì hay hơn...".

Nói về việc tháo dỡ mái hiên di động thí điểm trên các tuyến phố chính, trả lại vỉa hè thông thoáng, ông Trần Thọ cho rằng, chỉ mới vận động người dân tự tháo dỡ. Giữa mái hiên di dộng và vỉa hè thì phải chọn một trong hai cái. Nên làm việc này để trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ, cho đường thông hè thoáng, sạch đẹp. Các hộ buôn bán thì lùi vào trong một tý thôi, rồi dần dần cũng quen.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ: "Chúng ta phải giữ gìn và phát huy ngọn lửa - lửa trong thanh niên, lửa trong tuổi trẻ; niềm đam mê cháy bỏng và khát vọng lớn lao. Tuổi trẻ Đà Nẵng phải góp phần xứng đáng của mình, tạo diễn biến rõ nét trong "Năm văn hóa, văn minh đô thị". Ảnh Thùy Linh
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ: "Chúng ta phải giữ gìn và phát huy ngọn lửa - lửa trong thanh niên, lửa trong tuổi trẻ; niềm đam mê cháy bỏng và khát vọng lớn lao. Tuổi trẻ Đà Nẵng phải góp phần xứng đáng của mình, tạo diễn biến rõ nét trong "Năm văn hóa, văn minh đô thị". Ảnh Thùy Linh

Về xóa nạn quảng cáo, rao vặt dán tràn lan trên phố thời gian vừa qua, ông Trần Thọ cho rằng cái này tuy nhỏ nhưng mà làm cho triệt để thì khó lắm. Cần phải giáo dục cho các đối tượng, ai đi dán? sau khi truy ra thì toàn học sinh, sinh viên đi làm thêm để kiếm tiền. "Các bạn về nói lại với những người này, thôi về làm việc khác, đừng làm việc đó (đi dán biển quảng cáo, rao vặt - PV), làm việc đó là chính chúng ta góp phần làm cho văn minh thành phố không tốt", ông Thọ nhắn nhủ.

Kết thúc buổi đối thoại, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ nhắn gửi với lực lượng thanh niên Đà Nẵng: "Chúng ta phải giữ gìn và phát huy ngọn lửa - lửa trong thanh niên, lửa trong tuổi trẻ; niềm đam mê cháy bỏng và khát vọng lớn lao. Tuổi trẻ Đà Nẵng phải góp phần xứng đáng của mình, tạo diễn biến rõ nét trong "Năm văn hóa, văn minh đô thị". Tuổi trẻ Đà Nẵng phải hiến kế, nêu ý tưởng để cùng với lãnh đạo thành phố chúng ta phấn đấu xây dựng một thành phố đúng như tinh thần Nghị quyết 20 của Đảng bộ thành phố: Thành phố hài hòa, an bình, thân thiện, hấp dẫn và thành phố sống tốt".

THÙY LINH