Nữ nghị sĩ IPU quyết liệt bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em

01/04/2015 13:17
Ngọc Quang
(GDVN) - Các đại biểu tham dự IPU đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam khi có tới 25% phụ nữ là đại biểu Quốc hội.

Ngày 1/4, trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-132, Chủ tịch Hội nghị Nữ nghị sĩ lần thứ 21, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã có báo cáo về kết quả của Hội nghị Nữ nghị sĩ lần thứ 21.

Ngăn chặn bạo lực với phụ nữ

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân ch biết, không gian mạng là một nhân tố then chốt trong thế giới toàn cầu hóa. Đối với phụ nữ, không gian mạng có thể là nguyên nhân tạo nên sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực, nắm bắt cơ hội và cũng có thể là nguồn gốc tạo nên bạo lực. Hội nghị nhấn mạnh yêu cầu cần có luật pháp và chính sách để làm cho không gian mạng an toàn hơn; đồng thời nhấn mạnh nhu cầu hợp tác giữa các quốc gia để chống lại nguy cơ mạng, vì không gian mạng không có biên giới, không có lãnh thổ và  không có quốc tịch.

Hội nghị cũng kêu gọi sự quan tâm tới vấn đề bạo lực đối với phụ nữ hiện đang len lỏi trong mọi ngõ ngách của các cuộc chiến tranh và xung đột; bày tỏ sự lo ngại những tội ác như vậy có thể được phát tán qua không gian mạng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Hội nữ nghị sĩ lần thứ 21 IPU. ảnh: ipu việt nam
Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Hội nữ nghị sĩ lần thứ 21 IPU. ảnh: ipu việt nam

Về quản trị nguồn nước, hội nghị nhấn mạnh tại các nước đang phát triển và các vùng nông thôn, phụ nữ và các bé gái thường phải đi lấy nước sinh hoạt cho gia đình qua những quãng đường xa, trong điều kiện không an toàn, dễ gặp bạo lực. Do vậy, Hội nghị khuyến nghị trong việc xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược về quản trị nguồn nước, cần đặt lợi ích và nhu cầu của phụ nữ lên hàng đầu để đảm bảo phụ nữ được tiếp cận một cách an toàn với nguồn nước. Hội nghị cũng khẳng định cần đảm bảo sự tham gia của phụ nữ vào tất cả các cơ chế ra quyết định về quản trị nguồn nước ở cả cấp địa phương, quốc gia và quốc tế.

Sau phiên thảo luận, hội nghị đã đề xuất một số sửa đổi, bổ sung đối với dự thảo Nghị quyết của hai Ủy ban Thường trực. Tôi rất vui mừng vì phần lớn các đề xuất của Hội nghị đã được chấp thuận và đưa vào Nghị quyết cuối cùng của Đại hội đồng.

Cương lĩnh Bắc Kinh + 20 cũng là một chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự, thu hút nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi và thú vị. Các đại biểu đã tập trung đánh giá những thành tựu đạt được trong lĩnh vực quyền phụ nữ, bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý và ra quyết định.

Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn như định kiến xã hội, sự phân biệt đối xử với nữ giới, các lề thói trọng nam khinh nữ, khó khăn về tài chính, chủ nghĩa bảo thủ ngày càng gia tăng và sự chống đối một cách cực đoan đối với quyền của phụ nữ và các bé gái... Hội nghị khuyến nghị tăng cường hơn nữa vai trò của phụ nữ trong các vị trí ra quyết định chiến lược, trong lĩnh vực tài chính, ngân sách và tại các cấp lãnh đạo địa phương. Hội nghị cho rằng sự đóng góp tích cực của các Nghị viện là điều kiện tiên quyết để thực hiện toàn diện Cương lĩnh Bắc Kinh.

Nữ nghị sĩ IPU quyết liệt bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em ảnh 2

Đại hội đồng IPU-132: Hành động chung vì tương lai thế giới

Tại hội nghị đã diễn ra Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội nghị Nữ Nghị sĩ. Các đại biểu đã thể hiện tình đoàn kết của mình bằng việc cùng nhìn lại lịch sử phát triển của Hội nghị, sự hữu hiệu của cơ chế này đối với các hoạt động của nữ Nghị sỹ cùng những chuyển đổi, các biện pháp cải cách mà Hội nghị đã tiến hành trong thời gian qua và những ưu tiên trong thời gian tới.

Nhân dịp này, các đại biểu đã thông qua Lời kêu gọi hành động vì bình đẳng giới nhằm hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả phụ nữ và các bé gái. Lời kêu gọi này đã được chia sẻ tới tất cả các đại biểu tham dự Đại hội đồng IPU-132 tại phiên thảo luận chung ngày 30/3/2015. Tôi hy vọng tất cả các quý vị đều đã hưởng ứng và ký vào Lời kêu gọi này.

Hội nghị đã bầu thêm ba thành viên mới của Ủy ban Điều phối là Bà J. Nze Mouenidiambou (ĐB Gabon) đại diện của nhóm châu Phi, Bà A.Algharagere (ĐB Jordan) của nhóm Ả Rập và bà W.A Khan ( ĐB Bangladesh) của nhóm châu Á-Thái Bình Dương. Một lần nữa, tôi xin chúc mừng các thành viên mới.

Nữ nghị sĩ IPU quyết liệt bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em ảnh 3

Việt Nam chú trọng đến phụ nữ và trẻ em vùng sâu, vùng xa

Tại cuộc họp của Uỷ ban Điều phối ngày hôm qua, các thành viên của Uỷ ban đã thảo luận và nhất trí về chiến lược nâng cao vai trò của Hội nghị Nữ Nghị sĩ. Theo đó, tại phiên họp tới của Hội nghị Nữ nghị sĩ chúng tôi sẽ đệ trình một số sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường vị thế của Hội nghị, tạo thuận lợi cho việc thực hiện chức năng và thúc  đẩy việc lồng ghép giới vào các hoạt động của IPU.

Cuối cùng, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành và đánh giá cao sự hiện diện của Ngài Saber Chowdhury, Chủ tịch IPU, Ngài Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và Ngài Martin Chungong, Tổng Thư ký IPU tại Hội nghị Nữ Nghị sĩ.

Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ: "Tôi hi vọng sẽ tiếp tục phối hợp với Hội nghị Nữ Nghị sỹ và các quý vị thực hiện Lời kêu gọi hành động vì một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả phụ nữ và các bé gái. Hy vọng quý vị đã có những ngày tươi đẹp trên đất nước của chúng tôi và mong gặp lại các quý vị trong một ngày gần đây. Việt Nam luôn mở cửa và chào đón các quý vị".

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đang làm rất tốt nhiệm vụ đảm bảo quyền của phụ nữ, trẻ em. ảnh: vnmedia.
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đang làm rất tốt nhiệm vụ đảm bảo quyền của phụ nữ, trẻ em. ảnh: vnmedia.

Việt Nam luôn coi trọng bình đẳng giới

Trước đó, Trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) diễn ra từ ngày 28/3 – 1/4 tại Hà Nội, một trong những ưu tiên hàng đầu là vấn đề bình đẳng giới. Là nước chủ nhà, Việt Nam giành sự ủng hộ mạnh mẽ cho các nội dung và mục đích hành động của IPU, trong đó có việc thúc đẩy vai trò, quyền của phụ nữ. Việt Nam cũng là quốc gia cơ bản hoàn thành Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ.

Chủ tịch IPU, ông Saber Chowdhury khẳng định, năm nay kỷ niệm 30 năm Hội nghị nữ Nghị sĩ và IPU-132 là cơ hội để đưa ra những sáng kiến, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia nhiều hơn vào chính trị. Theo Chủ tịch IPU, bình đẳng giới là vấn đề quan trọng, ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của IPU-132.

Ông Saber Chowdhury cho biết: “Tuần trước, chúng tôi có cuộc họp tại New York (Hòa Kỳ) về quyền phụ nữ. Chúng tôi muốn thấy nhiều hơn nữa phụ nữ tham gia vào Chính phủ, giới lãnh đạo. Phụ nữ ở tầm tầm cao nhất chưa có nhiều và chúng ta vẫn phải ưu tiên ở cấp cơ sở. Do đó, những chương trình nghị sự này rất quan trọng. Bình đẳng giới vẫn là một thách thức lớn và IPU sẽ đẩy mạnh nữa với các mục tiêu để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia thúc đẩy sự phát triển”.

Tổng Thư ký IPU Martin Chungong chia sẻ: IPU đang thúc đẩy bình đẳng giới và nâng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào đời sống chính trị. Trước đây, tỷ lệ nữ nghị sỹ là 11%, bây giờ là 22%. Có thể nói đã có tiến triển nhưng vẫn chưa đạt mức mong muốn. Do đó cần phải tìm cách trao quyền cho phụ nữ nhiều hơn, làm sao để dỡ “trần” phụ nữ tham gia vào chính trị.

Trong nhiều lĩnh vực, phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng, cần hỗ trợ chị em nhiều hơn nữa trong những mục tiêu phát triển bền vững. Tuyên bố Hà Nội tại IPU-132 tới đây hi vọng là bàn đạp, là bước tiến vững chắc cho những mục tiêu cao hơn của IPU, trong đó có bình đẳng giới.

“Tôi rất ấn tượng với tỷ lệ 25% phụ nữ là đại biểu Quốc hội của Việt Nam và con số này sẽ được Việt Nam cam kết nâng hơn 30% trong những năm tới” – ông Martin Chungong nói.

Các đại biểu tham dự IPU rất bất ngờ khi có tới 25% Đại biểu Quốc hội Việt Nam là nữ giới.
Các đại biểu tham dự IPU rất bất ngờ khi có tới 25% Đại biểu Quốc hội Việt Nam là nữ giới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Việt Nam rất coi trọng bình đẳng giới, hướng tới sự bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Luật pháp Việt Nam luôn bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái (về nhân quyền, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình…), chống lại những biểu hiện xấu liên quan đến phụ nữ. Trong những Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam rất coi trọng điều này. Hai chương trình sắp tới của IPU-132 là kỷ niệm 30 năm thành lập Hội nữ Nghị sĩ và 20 năm Tuyên bố Bắc Kinh và Kế hoạch hành động sẽ ưu tiên tập trung vào vấn đề bình đẳng giới.

“Cùng với việc nâng cao đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, gia đình, xã hội, năng lực trình độ của phụ nữ ngày càng được nâng cao hơn. Riêng Quốc hội Việt Nam, dự kiến nhiệm kỳ tới phấn đấu 30% đại biểu là nữ, hơn nữa càng tốt” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Chủ tịch Quốc hội cũng dẫn chứng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chăm lo đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Người cho rằng, làm cách mạng mà không giải phóng phụ nữ thì mới giải phóng một nửa thế giới.

Ngọc Quang