Hoang mang vì hàng loạt hãng sữa “âm thầm” đổi chuẩn

10/04/2015 07:42
Bùi An
(GDVN) - Trước quy định mới về việc quảng cáo sản phẩm sữa cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, một số hãng sữa rục rịch thay đổi cách phân chia các dòng sữa theo độ tuổi.

Việc thay đổi này liệu có phải vì lợi ích của người tiêu dùng?

Thay đổi cách phân chia các dòng sữa theo độ tuổi                

Hơn 1 tháng trở lại đây, nhiều phụ huynh khi đi mua sữa cho con đã không khỏi bất ngờ khi thấy một loạt sản phẩm mà họ đang dùng trước đây bỗng nhiên đổi... cách phân chia các dòng sản phẩm theo độ tuổi. Cụ thể, theo cách phân chia cũ, sữa công thức có các bậc dành cho trẻ từ 0 – 6 tháng tuổi, từ 6 tháng đến 12 tháng, từ 1 – 3 tuổi, từ 3 tuổi trở lên… nay có sự thay đổi theo chuẩn mới là từ 0 – 6 tháng tuổi, từ 6 tháng đến 12 tháng, từ 1 – 2 tuổi, từ 2 – 4 tuổi và từ 4 tuổi trở lên. Như vậy là tách sữa dành cho trẻ từ 1-3 tuổi thành 2 loại: 1-2 tuổi và từ 2-4 tuổi.

Đi đầu trong việc thay đổi chuẩn độ tuổi này là nhãn hàng Enfagrow của Mead Johnson. Theo đó, các dòng sữa Enfagrow trước đây nay được tách thành 2 sản phẩm là Enfamil (0-6 tháng, 6 tháng-12 tháng, 1-2 tuổi) và dòng Enfagrow (2-4 tuổi). Hiện dòng sữa Enfamil dành cho trẻ từ 1 - 2 tuổi, hộp 900 gam được bán với giá 412.000 – 420.000 đồng tùy từng đại lý trong khi giá cũ của Enfagrow từ 355.000 - 380.000 đồng/hộp. Một số cửa hàng bán hàng online có giá thấp hơn từ 1.000 đến 4.000 đồng/sản phẩm.

Đi đầu trong việc thay đổi chuẩn độ tuổi này là nhãn hàng Enfagrow của Mead Johnson.
Đi đầu trong việc thay đổi chuẩn độ tuổi này là nhãn hàng Enfagrow của Mead Johnson.

Anh Cao Mạnh Đức (trú tại Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội) thừa nhận: Cửa hàng của gia đình anh đã nhận được thông báo từ một vài hãng sữa là trong thời gian tới sẽ có sự thay đổi cách phân chia các dòng sản phẩm theo độ tuổi. Tuy nhiên người tiêu dùng thì lại không hề được thông tin về việc thay đổi này cho đến khi bị bắt buộc chọn lựa và mua sản phẩm mới. Theo anh Đức, khi nghe thông tin sữa đổi quy cách, nhiều khách hàng tỏ ra khá nghi ngại và lo lắng cả về mặt giá cả và chất lượng.

Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 6/11/2014 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/3, có điều khoản “Nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, thức ăn bổ sung cho trẻ em dưới 06 tuổi…”. Điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa trong quá trình kê khai giá sẽ phải loại bỏ chi phí quảng cáo ra khỏi giá thành sản phẩm. Lâu nay, chi phí quảng cáo chiếm đến 20% - 30% giá thành sản phẩm sữa.

Chị Vũ Hoài Thu (trú tại khu đô thị Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Con gái chị (18 tháng tuổi) vẫn đang dùng Enfagrow số 3 của Mead Johnson, giá mua tại đại lý là 355.000 đồng/hộp. Chị vẫn thường mua sữa nguyên thùng cho con uống nên mới đây, khi hết thùng sữa, chị ra đại lý mới biết sữa Enfagrow có sự thay đổi. Theo đó, ở độ tuổi con chị phải chuyển sang dùng Enfamil với giá 430.000 đồng/hộp 900 gram. Với trẻ trên 2 tuổi, trước đây có thể uống Enfagrow số 3, nay phải đổi thành Enfagrow số 4 mẫu mới, giá cao hơn loại số 3 trước đây 20.000 – 34.000 đồng/hộp 900 gram.

Cũng chia sẻ về sự thay đổi này, chị Bùi Phương Thủy (trú tại Linh Đàm, Hà Nội) cho biết, con trai chị 26 tháng tuổi, đang sử dụng một dòng sữa quen thuộc loại từ 1-3 tuổi. Khi chị ra đại lý, chủ cửa hàng thông báo sắp tới sản phẩm con chị đang dùng sẽ thay đổi mẫu mới. Theo đó những loại sữa cũ chỉ là hàng tồn kho và bán đến khi gần hết hạn sử dụng sẽ trả lại nhà sản xuất. Chủ cửa hàng cũng tư vấn chị chuyển sang mua sữa mới dành cho trẻ từ 2 đến 4 tuổi.

Các khách hàng đều rất hoang mang không biết có nên chọn loại sữa mới hay chuyển hẳn cho con sang uống dòng sữa khác. Một ly sữa dành cho trẻ đang ở độ tuổi 1- 3 giờ lại biến thành từ 2-6 tuổi với thành phần và hàm lượng dinh dưỡng hoàn toàn khác nhau. Thậm chí, chị Thủy còn nghi ngờ các hãng sữa chỉ thay đổi nội dung bên ngoài chứ chưa chắc đã thay đổi công thức. Vì để có một công thức dành cho các độ tuổi, nhà sản xuất mất nhiều thời gian nghiên cứu. Họ không thể thay đổi trong một sớm một chiều, sau khi các quy định mới về việc quảng cáo sản phẩm sữa cho trẻ dưới 24 tháng tuổi chỉ vừa có hiệu lực cách đây vài tháng.

Nhiều nghi ngờ?

Ở một khía cạnh khác, nhiều người tiêu dùng quan tâm và thường xuyên cập nhật giá sữa lại đặt ra nghi vấn: Trong nghị định số 100/2014/NĐ-CP của Chính phủ, hiệu lực từ 1/3/2015 có nội dung "nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi", phải chăng chính vì thế các hãng sữa rục rịch thay đổi quy cách phân chia các dòng sữa theo độ tuổi để "lách" luật?

Nhiều bà mẹ hoang mang chọn sữa cho con trước việc một số sản phẩm sữa đổi quy cách phân chia các dòng sữa theo độ tuổi.
Nhiều bà mẹ hoang mang chọn sữa cho con trước việc một số sản phẩm sữa đổi quy cách phân chia các dòng sữa theo độ tuổi.

"Tôi muốn biết chuẩn sữa mới khác gì chuẩn cũ? Nếu đổi chuẩn mới, chứng tỏ hãng sữa phủ nhận chuẩn cũ? Như thế phải chăng chuẩn cũ không ổn? Nếu không ổn thì hàng ngàn trẻ em, trong đó có con tôi, uống dòng sữa này trước đó có ảnh hưởng gì không?...", chị Vũ Thị Huệ (trú tại chung cư Sông Nhuệ, Hà Đông, Hà Nội) nêu một loạt thắc mắc.

"Tại sao các hãng sữa thay đổi chuẩn mà không thông báo hay giải thích với người tiêu dùng? Chắc chắn việc thay đổi này không bình thường vì trên thực tế, không phải hãng sữa nào cũng đổi. Sự thay đổi lệch chuẩn của các hãng sữa khiến việc chọn sữa công thức cho trẻ càng trở nên phức tạp. Tôi rất cần lời giải thích cụ thể từ các hãng sữa và cơ quan quản lý, chuẩn nào mới chuẩn?", chị Nguyễn Thị Linh (trú tập thể E - Trung Tự, Hà Nội) kiến nghị.

Trong khi đó, theo thông tin mới nhất ngày 15/4 tới đây là hạn chót để các doanh nghiệp đăng ký lại giá sữa theo quy định của Bộ Tài chính. Trước thời hạn này, các doanh nghiệp sẽ phải rà soát, tiết giảm các loại chi phí, đặc biệt là chi phí quảng cáo ra khỏi giá thành để có thể bình ổn, giảm giá sữa. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, đến sát ngày đăng ký, giá sữa lại có dấu hiệu tăng.

Một đại lý sữa ở Cầu Giấy cho biết, Abbott đang chuẩn bị ra mắt một số mẫu sản phẩm mới và giá thành những sản phẩm này có thể tăng đến 8%. Nestle tuy không tăng giá bán nhưng vẫn không có động thái giảm giá sữa sau khi đã loại trừ chi phí quảng cáo…

Như vậy, mặc dù phải chờ sau 15/4 mới có kết quả biết giá sữa tăng hay giảm, nhưng từ thực tế khảo sát trên dễ thấy kỳ vọng giảm giá sữa của người tiêu dùng sẽ khó xảy ra. Không những thế, với việc “loạn” mẫu mã, bao bì, “loạn” cách phân chia sữa theo độ tuổi hiện nay, chưa biết thành phần sữa sẽ thay đổi thế nào nhưng hiển nhiên với việc giá bán không có dấu hiệu giảm thậm chí là tăng lên, mỗi tháng các bà mẹ lại phải “móc hầu bao” thêm vài trăm ngàn đồng để mua sữa cho con là điều không tránh khỏi.

Ngày 7/4, trước thông tin giá thị trường sữa không giảm, thậm chí các hãng còn “đánh động” đòi tăng giá các sản phẩm mới, bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Cục phó Cục Quản lý Giá cho biết: Theo quy định về bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, các sản phẩm mới trong diện bình ổn phải kê khai giá với cơ quan chức năng.

“Doanh nghiệp dự kiến tăng như thế nào là việc của họ, Bộ Tài chính có các quy định để giá các sản phẩm mới trong diện bình ổn không vượt giá trần”, bà Nga nói.

* Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam sẽ tiếp tục làm rõ thông tin này.

Bùi An